Nữ danh ca nhận lời cầu hôn sau 24 giờ gặp mặt, coi con riêng của chồng là 'báu vật'
Danh ca Bạch Yến nhận lời cầu hôn chỉ sau gần hai ngày gặp gỡ. Với bà, đó chính là định mệnh, là chân ái của cuộc đời.
Nữ danh ca Việt đầu tiên và duy nhất hát nhạc phim Hollywood
Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng. Năm lên 9 tuổi, khi đang theo học tiểu học Trường La Providence, Cần Thơ, Bạch Yến đã gia nhập đoàn thánh ca nhà thờ để làm quen với âm nhạc.
Năm 14 tuổi, Bạch Yến tới các phòng trà xin được làm ca sĩ. Bạch Yến nhanh chóng được khán giả tán thưởng nồng nhiệt qua các ca khúc như: Bến cũ; Gái xuân… và một số bài hát pháp như: Tango Blue; Étoile Des Neiges… Một năm sau, với ca khúc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Bạch Yến đã chính thức bước lên hàng ngôi sao ca nhạc.
Năm 1961, Bạch Yến sang Pháp học thanh nhạc. Bạch Yến được ông Phạm Văn Mười thu nhận làm ca sĩ, hát tại nhà hàng La Table Du Mandarin do ông ta làm chủ trên đường Rue de l Echelle, quận 1, Paris. Trong thời gian này, Bạch Yến được hãng Polydor của Pháp mời thu đĩa và lưu diễn một số nước châu Âu.
Cưới sau… 2 tuần gặp gỡ
Danh ca Bạch Yến là người tình trong mộng của rất nhiều chàng trai, trong đó có nhạc sĩ Lam Phương. Ông từng sang nhà xin hỏi cưới Bạch Yến nhưng không nhận được cái gật đầu của người đẹp. Để giãi bày tình yêu dành cho nữ danh ca, ông viết loạt ca khúc như: Thu sầu; Trăm nhớ ngàn thương; Tiễn người đi; Tình bơ vơ… Trong ca khúc Tình bơ vơ, có đoạn: "Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi/ Gom góp yêu thương quê nhà/ Dâng hết cho người tình xa…".
Năm 1978, danh ca Bạch Yến tình cờ gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải tại một chương trình ca nhạc. Lúc ấy, ông gần như vô danh. Thế nhưng, như mối duyên tiền định, chưa đầy 24 giờ anh đã ngỏ lời cầu hôn chị và "cấp tốc" gửi 400 thiệp cưới đến họ hàng, bạn bè khiến Bạch Yến vừa xúc động ngỡ ngàng, vừa buồn cười. “Lúc đó, tôi còn một hợp đồng biểu diễn ở Mỹ, phải 3 tháng sau mới hết hạn, nhưng anh bảo tôi không đi nữa. Và thế là tôi theo chồng”, chị thổ lộ.
Danh ca Bạch Yến kể lại: "Tôi về làm dâu gia đình âm nhạc dân tộc theo một cách khó tin như vậy, nhưng hạnh phúc chưa bao giờ tắt trong quan hệ của vợ chồng tôi. Anh Trần Quang Hải hóm hỉnh và ấm áp, luôn cho tôi một điểm tựa tin cậy suốt bốn thập niên bên nhau".
Công bằng mà nói, kể từ thời điểm bước vào cuộc hôn nhân, Bạch Yến đã rời bỏ nhiều ánh hào quang sự nghiệp để trở thành người vợ đúng nghĩa. Từ một người vốn được mẹ nuông chiều từ nhỏ và chỉ mải mê ca hát, chị "lột xác" làm người phụ nữ miệt mài, kiên nhẫn tập nấu từng món ăn thuần Việt trên đất khách, dọn dẹp nhà cửa và thích nghi với “tật bày bừa” của chồng.
Trong mắt Bạch Yến, nhạc sĩ Trần Quang Hải vừa là chồng nhưng cũng là người thầy, người tri kỷ của chị trong âm nhạc. Bên chồng, chị như được tiếp thêm niềm vui, sự lạc quan, lãng mạn.
Không thể sinh con, Bạch Yến đón con gái 5 tuổi của Trần Quang Hải về nuôi dưỡng bỏ qua những nghi kỵ của người đời như câu ca dao quen thuộc: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.
Thời gian, sự nhân hậu, vị tha trong con người Bạch Yến là minh chứng thuyết phục của tình thương yêu chân thành, sâu sắc mà chị dành cho con riêng của chồng. Chị đã dạy dỗ con gái chồng như con đẻ của mình, truyền cho con những cung cách ứng xử, phong tục tập quán thuần Việt. Hiện tại, “kho báu” của cặp vợ chồng nghệ sĩ này đã hơn 40 tuổi, có bằng tiến sĩ, lập gia đình, có con…
Cùng với sự "cảm hóa" chất Việt “đậm đặc” ở con người của Trần Quang Hải nói riêng và gia tộc họ Trần danh tiếng nói chung, thay vì chỉ theo đuổi tân nhạc, Bạch Yến dần đắm đuối với dân ca. Năm 1983, vợ chồng chị đoạt giải thưởng danh giá “Grand Prix du Disque de L'cadémie Charles Cros” cho đĩa dân ca cổ...
Những năm ở tuổi 70, họ vẫn cùng nhau lưu diễn tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, mang sức sống của âm nhạc dân tộc tới với nhiều thế hệ.
Tùng Lâm (t/h)