Nữ ĐBQH: Hạn chế tới mức tối thiểu hình ảnh 'soái ca' trên phim
Phát biểu trong phiên thảo luận chiều 28/10 về Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng cần hạn chế tới mức thấp nhất hình ảnh các 'soái ca' trên màn ảnh để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ với các hình ảnh hút thuốc, uống rượu….
Tiềm năng ngành công nghiệp điện ảnh
Trong phiên thảo luận trực tuyến, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho biết ngành công nghiệp điện ảnh chủ yếu dựa trên 4 trụ cột quan trọng là sự sáng tạo, sản xuất tác phẩm, phát hành, phổ biến phim và cuối cung là bảo vệ bản quyền tác giả tác phẩm. Theo bà Hoa, Luật Điện ảnh sửa đổi lần này, về cơ bản, đã định hướng phát triển 4 nội dung nêu trên.
"Lần đầu tiên, dự án luật đưa ra khái niệm công nghiệp điện ảnh trong đó có đề cập tới phim trường điện ảnh. Tuy nhiên, đưa khái niệm vào luật cần có những quy định tương ứng cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh trong một thị trường cạnh tranh, minh bạch, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội một cách công khai theo những cam kết quốc tế", vị ĐBQH đoàn Nam Định cho biết.
Từ những thực tế đó, đại biểu Hoa cho rằng bên cạnh sự quan tâm tới cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư thì cần quan tâm hơn tới cơ chế nhà nước đặt hàng, thu mua sản phẩm, ưu tiên đưa phim tới khán giả.
"Bộ phim ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ là phim đầu tiên do nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất, lập kỷ lục doanh thu 80 tỷ đồng trong 1 tháng đầu tiên. Đây là minh chứng cho tiềm năng phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt Nam", bà Hoa nói.
Vị ĐBQH cung cho rằng cần chú trọng hơn tới hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất cho nước ngoài vì ngoài góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ có liên quan, nó còn tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, bà Hoa cũng nhấn mạnh việc xây dựng các quy định bảo vệ thành quả sáng tạo của các tác giả, nghệ sĩ, tài sản nhà đầu tư 1 cách hiệu quả thì nền công nghiệp điện ảnh mới phát triển được mạnh mẽ.
Về phổ biến phim trên không gian mạng, bà Hoa ủng hộ hậu kiểm. Đồng tình việc cấm kích động bạo lực, hành vi tội ác… trong phim nhưng cũng không loại trừ những trường hợp không quá phản cảm, được xây dựng để lên án tội ác, phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng, truyền cảm hứng….
"Tôi đề nghị cần hạn chế đến mức thấp nhất hình ảnh những nhân vật thành đạt, người hùng hay ‘soái ca’ trong các tác phẩm điện ảnh. Những người này là thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên và thể hiện các cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc cho thanh thiếu niên, gián tiếp cổ súy cho hút thuốc lá, uống rượu bia", bà Hoa nhấn mạnh.
Điện ảnh là một ngành kinh tế nhưng cũng là văn hóa
Đó là nhận định của ĐBQH Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang). Theo bà Chinh, điện ảnh là một ngành kinh tế, là sản phẩm của công nghiệp, nhưng cũng là sản phẩm đặc thù vì thuộc về văn hóa.
"Người làm diễn viên là lao động có tri thức, kiến thức, có tài năng, năng khiếu, đam mê nghệ thuật, có khả năng sáng tạo, với yếu tố về ngoại hình, giọng nói để biểu cảm và thể hiện nhân vật. Diễn viên điện ảnh là người làm văn hóa, người của công chúng, có sức ảnh hưởng rộng nên phải chú trọng xây dựng hình ảnh, hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội", bà Chinh nói.
Chính vì vậy, ĐBQH đoàn Hà Giang đề nghị bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của diễn viên điện ảnh trong dự thảo luật, trong đó quy định diễn viên có quyền hay không cho phép những cảnh quay trong phim được đóng thế ở cảnh mạo hiểm hoặc cắt ghép những hình ảnh nhạy cảm.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đánh giá điều khó khăn nhất khi chắp bút dự thảo Luật Điện ảnh lần này chính là đưa một hoạt động mang tính nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ đường biên của thể chế.
"Mục tiêu của luật để hài hòa giữa quản lý nhà nước và hoạt động điện ảnh mà không gây "ức chế" sáng tạo của người nghệ sỹ, thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống với cái mới", ông Nhân nói.
Theo đại biểu Nhâm, không nơi nào trên thế giới này chỉ toàn điều tốt đẹp mà không có những mặt trái của xã hội. Ngay cả New York, nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng. Trong khi điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những hình ảnh này.
‘Văn học Việt Nam những năm 1930-1945 có 3 dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại để miêu tả toàn bộ cái hồn của xã hội thời kỳ đó.. .Chí Phèo, lão Hạc hay chị Dậu khắc họa đến tận cùng của sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, có bạo lực… nhưng có làm tổn hại đến các giá trị văn hóa hay không", Đại biểu Nhân đặt câu hỏi.
Quay lại câu chuyện của điện ảnh Việt Nam thời gian qua, ĐB cho rằng dường như sự kiểm duyệt đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh. Tiếng nói giữa hai chủ thể này chưa tìm được điểm tiệm cận mà hệ quả là nền điện ảnh vẫn chưa thể rời xa điểm xuất phát, đánh mất cơ hội thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần hòa nhập sâu sắc với văn hóa thế giới.