Nữ diễn viên đang lên bỗng bị chỉ trích hư hỏng vì hình xăm trên tay
Trong quá khứ, hình xăm đi đôi với sự hư hỏng, lưu manh tại Hàn Quốc. Dù giờ giới trẻ ngày càng yêu thích xăm mình, thái độ kỳ thị vẫn bén rễ sâu.
Nữ diễn viên Han So Hee đang trở thành cái tên nhận được nhiều chú ý của công chúng Hàn Quốc nhờ vai diễn “tiểu tam” trong phim truyền hình Thế giới Hôn nhân. Song, đồng thời, cô cũng bị quấn vào vấn đề gây bàn cãi khác.
Các tấm hình chụp nữ diễn viên cách đây 4 năm, với các hình xăm trên cánh tay ngay lập tức được chia sẻ chóng mặt trên mạng. Nhiều khán giả không ngần ngại chỉ trích Han So Hee vì có hình xăm trên người.
“Điều này gây sốc cho tôi, đây là một cô gái hư hỏng”, “Sao cô ấy có thể sống như vậy”, “Cô ấy xinh đẹp thật nhưng nếu để lấy làm vợ, vì hình xăm, tôi nhất quyết không lấy người như vậy” là những bình luận cư dân mạng để lại.
Sau đó, nữ diễn viên 25 tuổi lên tiếng về vụ việc và cho biết “không thấy bản thân làm bất cứ điều gì sai trái”. Mặc dù bị nhiều khán giả phản đối, cô cho biết quan điểm của cô về việc xăm mình vẫn không thay đổi.
Tại Hàn Quốc, ngày càng nhiều người trẻ xăm mình, như một cách làm đẹp cho bản thân. Tuy nhiên, thái độ kỳ thị của số đông với những người “có mực” không dễ lung lay.
Không tuyển người "có mực"
Dù khẳng định không thấy mình làm sai, nhưng giờ cánh tay của Han So Hee không còn dấu vết của hình xăm cũ. Theo khán giả, trước khi gia nhập làng giải trí, nữ diễn viên đã xóa chúng đi, giúp hình ảnh của cô chiếm được nhiều cảm tình hơn.
Xăm mình có thể chia rẽ công chúng đến mức trên sóng truyền hình, các hình xăm bị hạn chế hết mức. Hầu hết diễn viên muốn xăm sẽ chọn những vị trí kín đáo trên cơ thể. Còn với những hình xăm lộ rõ, đài truyền hình sẽ yêu cầu ngôi sao đeo băng cá nhân để che lại, hoặc làm mờ khi phát sóng.
Hàng năm, hàng loạt cửa hàng xăm bị buộc phải đóng cửa, có đến 20.000 thợ xăm trong nước hoạt động mà không được cấp giấy phép chứng nhận của chính quyền.
Giống với các băng đảng Yakuza ở Nhật Bản, hình xăm thường gắn liền với hình ảnh các thành viên băng nhóm xã hội đen ở Hàn Quốc.
Không chỉ người nổi tiếng, hình xăm cũng khiến dân đi làm công sở nhìn nhau bằng ánh mắt ác cảm. Nhiều nhân viên trẻ thừa nhận họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì những người khác biết họ xăm mình, hoặc phải bằng mọi cách, không để ai biết mình xăm.
“Tôi bắt đầu mặc áo dài tay để che đi hình xăm trên cánh tay, sau khi bị đánh giá tại công ty. Các đồng nghiệp đều lớn tuổi, họ rất khắt khe và thậm chí còn mắng mỏ tôi vì vấn đề đó”, Lee Eun Bi (28 tuổi), làm việc tại thành phố Suwon, kể lại.
Thói quen che giấu hình xăm của cô bắt đầu kể từ khi Eun Bi làm việc tại một hàng cà phê, nơi có chính sách không tuyển dụng người “có mực”.
Ryu Jin-ah (29 tuổi), giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Paju, cho biết chưa từng gặp người đồng nghiệp nào có hình xăm trên người.
“Tôi nghĩ việc xăm mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm. Là người dạy cho trẻ nhỏ, tôi không thể làm hành động bị đánh giá là hư hỏng phẩm giá của một giáo viên”, cô nói.
Đối với những người mới vào lực lượng cảnh sát, việc sở hữu một hình xăm càng khiến con đường sự nghiệp của họ trắc trở hơn.
Thế hệ trẻ coi hình xăm là có gu
Quan niệm "xăm mình là xấu, hư hỏng" từ quá khứ kéo dài mãi đến năm 2002, khi Hàn Quốc đăng cai tổ chức World Cup. Trên sân nhà, người dân xứ Hàn nhiều lần chứng kiến các nam cầu thủ không ngần ngại khoe những hình xăm lớn, ở các vị trí dễ nhìn thấy trên cơ thể như David Beckham khi đó đang đá cho đội tuyển Anh.
Chỉ một năm sau đó, ngôi sao bóng đá Ahn Jung-hwan khiến người hâm mộ ngạc nhiên với hình xăm lớn trên bả vai.
“Ngay sau đó, các tiệm xăm mình bắt đầu mọc lên và công nghệ xăm mình cũng cải tiến chóng mặt”, Song Kang Seob, chủ tịch của Hiệp hội Xăm Hàn Quốc, cho biết.
Các ngôi sao Kpop đình đám như G-Dragon hay Jay Park đều sở hữu nhiều hình xăm trên người, khiến fan hâm mộ và giới trẻ càng yêu thích hơn.
Hiện, chuyện các gương mặt nổi tiếng lên truyền hình và nói về các ý nghĩa hình xăm của họ không còn gây nhiều tranh cãi như trước. Còn những khu vực như Hongdae hay Itaewon, xăm mình trở thành ngành dịch vụ đắt khách cho giới trẻ. Theo ước tính, thị trường xăm mình ở Hàn Quốc có trị giá lên đến 200 tỷ won (164 triệu USD).
Đối với những ngành dịch vụ liên quan đến thời trang, giới trẻ, hình xăm còn gây ấn tượng tốt cho chủ nhân của nó.
“Nhiều khách hàng trẻ tuổi của tôi ưa thích và tin tưởng những người thợ ăn mặc đẹp đẽ, kèm với hình xăm”, Yang Sang Jun (29 tuổi), chủ một tiệm làm đầu ở Seoul, cho hay.
10 năm gắn bó với công việc cắt tóc, Yang không ít lần gặp phải những cái nhìn nhíu mày, tỏ ý không hài lòng từ những khách hàng lớn tuổi về hình xăm che kín một bên cánh tay của anh.
“Khi mặc áo ngắn tay vào mùa hè, tôi có thể cảm nhận được khách hàng nhìn tôi với vẻ đánh giá. Nhưng điều này không xảy ra với các khách hàng trẻ tuổi hơn”, Yang kể.
“Ban đầu, đồng nghiệp có vẻ ngạc nhiên khi tôi có xăm. Về sau, họ dần quen và không thấy lạ lẫm khi tôi xăm thêm. Tôi vẫn thường che chúng đi khi tham dự các cuộc họp quan trọng. Nhưng về cơ bản, tôi nghĩ mọi người không còn để ý đến nó nữa”, Kim Yu Kyoung (30 tuổi) làm việc tại một công ty ở Seoul, cho biết.
Ngay cả với các nữ diễn viên như Han Seo Hee, giữa những đánh giá chuyện cô xăm là "hư hỏng, đổ đốn", vẫn có một lượng khán giả bày tỏ sự ủng hộ với cô, ca ngợi chuyện cô mạnh mẽ khẳng định “mình không sai” thật đúng đắn.