Nữ điều dưỡng coi bệnh nhân như người thân
Mong ước lớn nhất của điều dưỡng Trang và các y bác sĩ ở Trung tâm là mỗi ngày có thêm nhiều người bệnh mắc COVID-19 đủ điều kiện được xuất viện và trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, của xã hội.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 tại Trung tâm
Tạm xa gia đình, để lại con thơ, cha mẹ già ở quê hương, xung phong vào tâm dịch Long An, gần 2 tháng qua điều dưỡng Nguyễn Thị Trang (Khoa Ngoại tiêu hóa gan mật - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cùng đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An đã hết lòng cứu chữa, chăm sóc những người bệnh mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. Các nhân viên y tế trở thành người thân, chỗ dựa tinh thần để người bệnh có thêm niềm tin, chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Kíp trực sáng của điều dưỡng Nguyễn Thị Trang cùng các đồng nghiệp như ngắn lại khi có nhiều người bệnh đủ điều kiện được xuất viện. Sau thời gian thực hiện công việc chuyên môn như tiêm, truyền dịch, đặt nội khí quản, hút đờm cho người bệnh và hỗ trợ các bác sỹ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, chị lại đến giường bệnh, hỏi thăm sức khỏe, tinh thần của những người bệnh.
Cầm theo kéo, lược di chuyển đến phòng những người chờ xuất viện, chị chia sẻ: "Trước khi người bệnh xuất viện, tôi muốn làm một việc gì đó cho họ. Trong điều kiện của khu điều trị, cắt tóc là việc tôi và các điều dưỡng khác thường làm để người bệnh được đẹp hơn, gọn gàng hơn trong ngày trở về".
Là một trong những người bệnh luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ điều dưỡng Trang, bà N. T , 56 tuổi từ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An không giấu nổi niềm vui: "Sau gần 3 tuần điều trị tại Trung tâm, tôi rất biết ơn sự tận tâm, tận lực của đội ngũ y bác sỹ ở đây, nhất là điều dưỡng Trang, chị luôn quan tâm, chăm sóc cho tôi".
Còn đối với sản phụ L.T.L, 36 tuổi đến từ Thị trấn Bến Lức, những ngày phải điều trị tại Trung tâm thật khó quên. Mang thai bé thứ hai ở tuần 35, chị L.T.L bị mắc COVID-19 ở mức độ nặng. Chị và gia đình rất lo lắng khi phải nhập viện. Bụng mang dạ chửa, mọi sinh hoạt tại đây, nhất là vệ sinh cá nhân càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
"Được sự chăm sóc tận tình, hết lòng vì người bệnh của những chiến sỹ áo trắng nơi buồng bệnh, tôi càng thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của họ suốt thời gian qua. Đối với điều dưỡng Trang, tôi dành cho chị sự quý mến như người chị gái trong gia đình, luôn ở bên động viên, hỗ trợ cho tôi khi tôi khó khăn nhất", chị L.T.L tâm sự trong ngày được xuất viện.
Tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương, người bệnh khá đa dạng, từ người lớn tuổi, thanh niên đến trẻ nhỏ và cả những sản phụ mang thai. Tất cả đều trong tình trạng nặng và nguy kịch, vì vậy trách nhiệm của những y, bác sỹ tại Trung tâm không chỉ đơn thuần là điều trị, cứu chữa mà còn chăm sóc, giúp đỡ họ từ những việc làm nhỏ nhất.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang chia sẻ, mặc dù gắn bó với nghề y đã lâu nhưng công việc mỗi ngày tại Trung tâm lại khác biệt khá nhiều so với tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Tại đây, áp lực, khối lượng công việc rất lớn. Việc chăm sóc người bệnh luôn ở cấp độ 1 và đặc biệt, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đến hỗ trợ các máy móc, thiết bị.
"Thời gian đầu chúng tôi cũng khá khó khăn nhưng với tinh thần học hỏi, quyết tâm vì những người bệnh đang bất động trên giường bệnh, tôi và tất cả đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng đã nỗ lực rất nhiều. Chỉ khi coi họ như chính những người thân ruột thịt của mình mới thấu hiểu nỗi đau thể xác, nỗi đau về tinh thần mà họ đang trải qua để cố gắng", điều dưỡng Nguyễn Thị Trang nói.
Gần 2 tháng đã trôi qua, mong ước lớn nhất của điều dưỡng Trang và các y bác sĩ ở Trung tâm là mỗi ngày có thêm nhiều người bệnh đủ điều kiện được xuất viện và trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, của xã hội.