Nữ điều dưỡng ở TP.HCM cai sữa sớm cho con để đi chống dịch

Con nhỏ mới 10 tháng tuổi, nữ điều dưỡng Lâm Thị Hương vẫn quyết tâm tham gia đội tiêm chủng cộng đồng, góp sức cùng đồng nghiệp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Hai tháng trước, chị Lâm Thị Hương (sinh năm 1992), điều dưỡng tại bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM), được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm đảm bảo sức khỏe để công tác giữa dịch.

Khi đó, Bộ Y tế chưa có quy định về tiêm chủng đối với phụ nữ đang cho con bú nên chị đành cai sữa cho con nhỏ 8 tháng, thay vì trên 12 tháng tuổi như thông thường. Dù thương con, chị Hương vẫn làm điều này vì muốn cẩn thận, tránh ảnh hưởng tới em bé.

Ngay sau đó, khi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM diễn biến căng thẳng, chị Hương quyết định nộp đơn xin gia nhập đội tiêm vaccine cộng đồng và được ban lãnh đạo bệnh viện chấp thuận.

"Mình từng lỡ cơ hội tham gia chống dịch năm ngoái vì mang thai. Lần này, mình mong muốn được cùng đồng nghiệp làm việc, góp sức đẩy lùi dịch bệnh", chị chia sẻ với Zing.

Quyết tâm tham gia chống dịch

Như bao chiến sĩ áo trắng, chị Hương mong được lên tuyến đầu khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam đầu năm 2020.

Nhưng tại thời điểm ấy, chị đang trong những tháng đầu thai kỳ. Vì an toàn của cả mẹ và con, ban lãnh đạo ưu tiên cho chị lui về tuyến sau, làm việc tại bệnh viện thay vì trực tiếp tham gia công tác chống dịch cùng các y, bác sĩ ở những khu vực nguy cơ cao.

Chia sẻ với Zing, chị Hương nói mình vừa thấy khâm phục các đồng nghiệp, vừa có chút tiếc nuối vì không thể góp sức nhiều.

"Ở thời điểm đó, mình đã chọn gia đình, con cái thay vì nghề nghiệp. Nhiều khi nghĩ lại, mình ước bản thân có thể phân thân để có thể cùng y, bác sĩ chống dịch", nữ điều dưỡng trải lòng.

Chị Lâm Thị Hương, điều dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất, cho con nhỏ cai sữa sớm để tiêm vaccine phòng Covid-19, yên tâm tham gia chống dịch.

Chị Lâm Thị Hương, điều dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất, cho con nhỏ cai sữa sớm để tiêm vaccine phòng Covid-19, yên tâm tham gia chống dịch.

Tháng trước, nữ điều dưỡng chính thức được gọi tên trong danh sách đội nhân viên y tế tiêm vaccine cộng đồng.

Trước khi đăng ký, nữ điều dưỡng sinh năm 1992 phải đắn đo do con trai mới được 10 tháng tuổi. Gia đình, người thân không phản đối quyết định này, chỉ khuyên chị suy nghĩ cho an toàn của bản thân và gia đình.

"Mình mất nhiều thời gian làm công tác tư tưởng cho chồng và người thân. Ai cũng lo vì em bé còn nhỏ quá, tình hình dịch Covid-19 ở thành phố lại khá phức tạp. Mình chỉ biết trấn an gia đình rằng bản thân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và sẽ chú ý an toàn vì con nhỏ".

Làm việc 12 tiếng, không dám uống nước

Trả lời Zing, nữ điều dưỡng nói đội tiêm vaccine cộng đồng nơi chị làm việc được phân công tới tiêm chủng cho các công nhân ở khu công nghệ cao quận 9 và một số cụm điểm ưu tiên trên địa bàn quận Tân Bình.

Với cường độ làm việc 8h-21h trong vòng 14 ngày liên tiếp, chị và các đồng nghiệp khó nén nổi cảm giác mệt mỏi. Chị Hương cho biết một khi mặc áo bảo hộ, các nhân viên y tế không được cởi bỏ để bảo vệ tuyệt đối.

Dưới cái nắng chói chang ở TP.HCM, các chiến sĩ áo trắng vẫn phải tập trung tuyệt đối, chịu đựng cảm giác nóng bức suốt thời gian làm việc, tránh làm chậm tiến độ tiêm chủng tại điểm công tác.

 Chị nói việc mặc đồ bảo hộ suốt hơn 12 tiếng, ăn ngủ trái giờ là hoàn cảnh chung của các y, bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19.

Chị nói việc mặc đồ bảo hộ suốt hơn 12 tiếng, ăn ngủ trái giờ là hoàn cảnh chung của các y, bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19.

"Có những ngày làm việc 12 tiếng liên tục, mình còn sợ không dám bỏ khẩu trang xuống uống nước. Tới tầm 13-14h, mấy anh chị em mới dám nghỉ tay, ăn vội hộp cơm để tiếp tục tiêm cho công nhân ca chiều. Áp lực là vậy, nhưng mình thấy vui vì được góp sức giúp cộng đồng", chị kể.

Nữ điều dưỡng chia sẻ rằng chuyện ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ là hoàn cảnh chung của mọi y, bác sĩ tham gia công tác chống dịch đợt này.

Dẫu vất vả, có nguy cơ bị lây nhiễm cao, chị và các đồng nghiệp vẫn luôn tự hào về việc mình đang làm.

Khác với lực lượng truy vết, điều trị Covid-19 trực tiếp, đội ngũ tiêm chủng cộng đồng có thể về nhà sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Chị Hường nói rằng nhân viên y tế sẽ được khử khuẩn trước khi ra về, xét nghiệm Covid-19 sau mỗi 3 ngày làm việc.

Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng hạn chế tiếp xúc với các đồng nghiệp khác, thậm chí với cả người thân trong gia đình. Mỗi lần về nhà sau khi hoàn tất nhiệm vụ, chị lập tức tắm rửa, thay đồ rồi mới dám lại ôm con.

"Trộm vía, bé ở nhà rất ngoan, không quấy khóc nên mình an tâm phần nào. Mỗi lần tới điểm tiêm chủng, chồng và gia đình mình lại nhắn tin động viên vợ chuyên tâm công tác, ăn uống đầy đủ nên mình càng thêm vững tâm chống dịch", nữ điều dưỡng cười, nói.

Thời gian này, chị đang công tác tại bệnh viện sau khi kết thúc đợt tiêm chủng cộng đồng đầu tiên. Nữ điều dưỡng trải lòng rằng khi có lịch cho đợt tiếp theo, chị sẽ tiếp tục đăng ký tham gia với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh.

Từ 27/4 đến nay, TP.HCM có số lượng bệnh nhân Covid-19 cao nhất cả nước với hơn 10.000 người. Sở Y tế TP.HCM thông tin số F0 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn vượt mốc 9.000 ca.

Dự báo trong thời gian tới, số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh. Từ 0h ngày 9/6, TP.HCM bắt đầu nâng mức giãn cách từ Chỉ thị 10 lên Chỉ thị 16 nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trang Minh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-dieu-duong-o-tphcm-cai-sua-som-cho-con-de-di-chong-dich-post1236723.html