Nữ điều tra viên kể chuyện bắt giữ đối tượng truy nã
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Đại úy Phạm Thị Như Trang là sự tự tin, nhanh nhẹn… Khi ấy, tôi tự đặt câu hỏi, vì sao cô gái có thân hình nhỏ bé ấy lại lựa chọn công việc đối với nam giới là chuyện không dễ, với phụ nữ càng khó khăn hơn nhiều...
1. Ngày cuối tháng 12/2022, quán Internet tại khu vực Cầu Diễn, phố Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội xuất hiện một người phụ nữ có thân hình nhỏ bé, đội chiếc mũ màu đen, che kín gần hết khuôn mặt… Sau một hồi quan sát, chị chọn một chiếc bàn trong góc khuất, lặng lẽ quan sát.
Khoảng 18h cùng ngày, một thanh niên khoảng 20 tuổi, vận bộ quần áo tối màu bước vào quán. Có lẽ khá quen với chủ quán, cậu thanh niên chọn một chiếc bàn máy tính rồi cắm mặt vào màn hình. Trong khi bàn tay thoắt thoắt lướt trên bàn phím, đôi mắt người phụ nữ không ngừng quan sát người thanh niên ở vị trí đối diện…
"Lê Văn Tuấn, anh đã bị bắt"- giọng người phụ nữ vang lên. Sau một phút ngỡ ngàng, người thanh niên ú ớ nói: "Chị nhầm rồi, tôi là Quân". Đồng thời, gã lao ra bên ngoài cửa quán định bỏ chạy nhưng đã bị khống chế và bắt giữ. Lúc này, Lê Văn Tuấn mới biết rằng người phụ nữ đó là cán bộ Công an, chị là Đại úy Phạm Thị Như Trang, điều tra viên Đội 2, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hải Dương.
Lê Văn Tuấn, SN 1999, ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, là đối tượng truy nã đặc biệt của Công an huyện Thanh Hà (Hải Dương) về tội "Cố ý gây thương tích". Trước khi bị truy nã về tội danh này, Tuấn từng có một tiền án liên quan đến ma túy. Sau khi ra tù, anh ta vẫn "ngựa quen đường cũ"… Sau khi lệnh truy nã của Tuấn được phát đi, Đại úy Phạm Thị Như Trang bắt đầu tiếp cận thông tin về đối tượng. Chị đã lặn lộn xuống địa bàn, tìm gặp mẹ đẻ của Tuấn; vận động, thuyết phục gia đình đưa đối tượng đến cơ quan Công an đầu thú. Cũng là một người mẹ nên khi tiếp xúc với người đã sinh thành ra Tuấn, nữ điều tra viên Phạm Thị Như Trang không giấu được sự thương cảm.
Trong ánh mặt của của Tuấn khi ấy, chị chỉ thấy một sự xót xa, xen lẫn đau đớn. Anh trai của Tuấn bỏ nhà đi biệt xứ hằng chục năm chẳng có tung tích, mọi hy vọng của người mẹ đều dồn vào Tuấn… Nhưng một lần nữa anh ta lại đánh mất hy vọng cuối cùng của bà. Đối tượng sau khi bỏ đi cũng không liên lạc với gia đình.
"Xét thấy việc vận động, thuyết phục đối tượng là không khả thi nên tôi đã chọn việc bắt giữ đối tượng. Quá trình thu thập, tôi đã tiến hành dựng các mối quan hệ xã hội liên quan đến đối tượng. Sau nhiều ngày lăn lộn ở các địa bàn, tôi phát hiện đối tượng thường xuyên lui tới quán Internet tại khu vực đường Cầu Diễn, phố Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Để đảm bảo tính bí mật trong quá trình xác minh đối tượng, tôi và đồng đội đã tiến hành tổ chức bắt giữ khi đối tượng lui tới quán Internet" - Đại úy Phạm Thị Như Trang nhớ lại.
Bắt truy nã vốn là phần việc khó, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm. Đó là những chuyến công tác kéo dài nhiều ngày… Công việc này đối với nam giới vốn không dễ dàng, với một người phụ nữ cùng lúc phải đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ đòi hỏi phải cố gắng hơn nhiều. Trong khi đó, đối tượng trốn truy nã biết rõ mức án và cái giá phải trả cho hành vi phạm tội đã gây ra nên có đủ mọi phương thức và thủ đoạn để đối phó. Một số đối tượng thay tên, đổi họ; một số thì mai danh, ẩn tích tìm đến các địa bàn vắng người qua lại để lẩn trốn…Vì vậy, việc truy tìm và bắt giữ các đối tượng này luôn là những hành trình đầy gian nan, thử thách; đòi hỏi sự nhạy bén của người điều tra viên.
2. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Đại úy Phạm Thị Như Trang là sự tự tin, nhanh nhẹn… Khi ấy, tôi tự đặt câu hỏi, vì sao cô gái có thân hình nhỏ bé ấy lại lựa chọn công việc đối với nam giới là chuyện không dễ, với phụ nữ càng khó khăn hơn nhiều.
"Cái duyên bắt truy nã đến với tôi vào hai năm trước, đúng thời điểm đơn vị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng an ninh điều tra. Trong quá trình rà soát các đối tượng truy nã lâu năm do Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định, tôi có thông tin về một số đối tượng đang lẩn trốn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Và thế là phần vì muốn thử sức, phần vì đam mê… tôi đã bắt đầu tham gia bắt đối tượng truy nã"- Đại úy Phạm Thị Như Trang chia sẻ.
"Vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu mọi việc không dễ dàng. Đối tượng trốn truy nã đầu tiên bị bắt "hụt" đã để lại cho chị nhiều kinh nghiệm và bài học sâu sắc. Sau này, Phạm Thị Như Trang đã chọn cho mình một hướng đi khác, lựa chọn bắt giữ các đối tượng ở tỉnh ngoài, có lệnh truy nã lẩn trốn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đối tượng đầu tiên chị bắt giữ thành công là Đỗ Đình Hưng (SN 1977, bị Công an tỉnh Vĩnh Long truy nã về tội tham ô tài sản) vào năm 2021. Sau khi bỏ trốn, đối tượng đã sinh sống ở nhiều nơi, trong đó có Điện Biên… Ngụy trang dưới vỏ bọc của một thợ điện, một thời gian dài, đối tượng đã thành công trong việc lẩn trốn sự truy bắt gắt gao của lực lượng Công an.
"Khi nghiên cứu hồ sơ về đối tượng, tôi phát hiện vợ và con của Hưng đang sinh sống ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Như vậy, đối tượng sẽ có mối liên hệ với gia đình… Từ nhận định này, tôi đã bí mật nắm bắt hoạt động của đối tượng. Khi Hưng vừa về đến huyện Nam Sách, Hải Dương thì đã bị phát hiện và bắt giữ"- Đại úy Phạm Thị Như Trang cho biết.
Thành công đó như tiếp thêm sức mạnh cho Phạm Thị Như Trang… Bắt truy nã là công việc đặc thù, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người cán bộ. Bất kể lúc nào, có thông tin là Trang tất tả lên đường, có khi là một tỉnh miền núi phía Bắc, có lúc ròng rã hàng tuần ở các tỉnh miền Tây. Lần bắt giữ Nguyễn Đức Sơn (trú tại tỉnh Hải Dương), đối tượng bị truy nã về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là một ví dụ. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Sơn bỏ trốn lên Hà Nội, sau đó vào Nha Trang sinh sống. Là một kẻ lọc lõi, đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt cơ quan Công an… Khoảng giữa năm 2022, trong khi đang ở địa bàn, chị Trang có thông tin đối tượng đang lẩn trốn tại một chung cư cao cấp tại Nha Trang. Khi Trang cùng đồng đội có mặt tại Nha Trang thì thành phố đã lên đèn.
Địa bàn nghi vấn Sơn bỏ trốn là khu chung cư với 3 tòa nhà cao chọc trời. Với tính chất đặc thù, ở nơi đây mọi người ít ai biết ai. Đồng thời, tại mỗi khu chung cư lại có một ban quản lý và bảo vệ riêng. Nếu công khai xác minh thì rất có thể bị lộ, đối tượng "đứt dây động rừng" sẽ bỏ trốn… Trong khó khăn đó, Đại úy Phạm Thị Như Trang đã linh hoạt trong việc xử lý tình huống. Sau khi xác định được căn hộ nghi vấn đối tượng Sơn đang sinh sống, chị và đồng đội đã bí mật tiếp cận. Khi tra tay vào chiếc còng số 8, đối tượng khá ngỡ ngàng.
Cùng với việc bắt giữ đối tượng truy nã, Đại úy Phạm Thị Như Trang đã cùng đồng đội tham gia nhiều vụ án, chuyên án lớn của Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương. Mới đây nhất (năm 2022) là việc triệt phá đường dây cấp, bán các chứng chỉ nghề, thẻ an toàn lao động không qua huấn luyện, đào tạo, sát hạch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; đến thời điểm này đã khởi tố hơn 50 bị can.
Khoảng giữa năm 2021, qua việc nắm bắt thông tin trên không gian mạng, chị và đồng đội có thông tin về đường dây sản xuất giấy tờ giả. Khi nghiên cứu, ban đầu xác định đối tượng ở Hải Dương còn cụ thể ở đâu thì không rõ. Vậy là, sau giờ làm việc ở đơn vị, chị gửi con nhờ ông bà bên nội, bên ngoại chăm sóc, lặn lội xuống địa bàn. Từ TP Hải Dương xuống Chí Linh vòng về cũng hơn 30km, khi chị trở về nhà thì đã tối mịt. Từ đó, chị và đồng đội đã bước đầu dựng được đường dây; lập chuyên án đấu tranh với đường dây cung cấp chứng chỉ là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục ở các tỉnh…
Sau nhiều ngày dày công thu thập tài liệu, tổ công tác đã phát hiện đối tượng bán các chứng chỉ giả trên là Lê Văn Tường (29 tuổi, trú tại phường Phả Lại, Chí Linh), là cộng tác viên của Trường Kinh tế kỹ thuật (KTKT) Trường Sơn, có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh. Ngay sau khi Tường bị bắt giữ, chị cùng đồng đội lập tức vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng điều tra, bắt giữ các mắt xích còn lại trong đường dây…
Chúng tôi chia tay Đại úy Phạm Thị Như Trang khi thành phố đã lên đèn. Hôm nay, cũng là ngày hiếm hoi chị cùng chồng và các con được ăn với nhau bữa cơm sum họp…