Nữ doanh nhân là lực lượng không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam-Lào-Campuchia

Ngày 5/7, tại Hà Nội, diễn ra Diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia với chủ đề 'Nữ doanh nhân và kinh tế xanh'.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng tại Diễn đàn của các nữ doanh nhân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng tại Diễn đàn của các nữ doanh nhân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Diễn đàn có sự tham dự và phát biểu của bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Aly Vongnobountham, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào; bà Chou Bun Eng, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển; bà Koung Sorita, Quốc vụ khanh Bộ Các vấn đề Phụ nữ Campuchia.

Chương trình không chỉ là nơi gặp gỡ giữa các lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào, Hội Phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển, mà còn có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, một số Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam với hai nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh/thành của 3 nước, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, các doanh nhân nữ của Việt Nam, Lào, Campuchia.

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chào mừng Diễn đàn.

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chào mừng Diễn đàn.

Thúc đẩy sự tham gia của nữ doanh nhân

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, vào tháng 12/2015, chính phủ ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia đã sớm phê chuẩn thỏa thuận COP 21 cho thấy sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo ba nước đối với vấn đề biến đổi khí hậu nói riêng và cam kết xanh, bền vững nói chung.

Là nước đang phát triển, Việt Nam là quốc gia cam kết rất mạnh mẽ về phát triển xanh và bền vững. Phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam, được khẳng định trong nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 Đảng Cộng sản Việt Nam và được cụ thể hóa bằng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ Việt Nam. Có ba nhiệm vụ chiến lược được đề ra, đó là, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Việt Nam đã cùng 150 quốc gia, trong đó có Lào và Campuchia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ này.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Bùi Thị Minh Hoài cho rằng Diễn đàn “Nữ doanh nhân và kinh tế xanh” rất phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tham gia phát triển kinh tế xanh có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất, cùng với nỗ lực chung của cộng đồng doanh nhân, nữ doanh nhân là lực lượng không thể tách rời trong chiến lượng tăng trưởng xanh, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững. Do đó, việc phát huy giá trị vốn có, thúc đẩy cộng đồng nữ doanh nhân tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh có chất lượng vượt trội, có trách nhiệm với môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang ngày càng trở thành một lực lượng quan trọng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, cũng như Lào và Campuchia.

Đến nay, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với Hiệp hội của Lào, Campuchia giai đoạn 2022-2027.

Bà bày tỏ hy vọng với mối quan hệ hợp tác hữu nghị hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ ba nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân trong phát triển xanh và bền vững.

Trên tinh thần đó, để phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân ba nước, bà Bùi Thị Minh Hòa chia sẻ mong muốn và đưa ra ba đề nghị.

Một là, hội phụ nữ ba nước tích cực phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền vận động liên quan đến nâng cao nhận thức và hỗ trợ hội viên cùng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện vai trò kết nối các nữ doanh nhân với chính phủ, chính quyền ở các cấp, ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Hai là, các doanh nghiệp, đặc biệt nữ doanh nhân ở ba nước tiếp tục tiên phong chủ động áp dụng các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phù hợp với các nhiệm vụ chiến lược về giảm phát thải, khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Ba là, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất triển khai các sáng kiến, hoạt động chung nhằm phát huy vai trò của nữ doanh nhân, đóng góp thực chất, hiệu quả vào phát triển kinh tế xanh và bền vững, góp phần tích cực củng cố phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Bà tin tưởng rằng, Diễn đàn là cơ hội tốt để nữ doanh nhân và phụ nữ ba nước tích cực chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của nữ giới vào phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Bà Bùi Thị Minh Hoài tin tưởng rằng Diễn đàn là cơ hội tốt để nữ doanh nhân và phụ nữ ba nước tích cực chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của nữ giới vào phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Bà Bùi Thị Minh Hoài tin tưởng rằng Diễn đàn là cơ hội tốt để nữ doanh nhân và phụ nữ ba nước tích cực chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của nữ giới vào phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Trong dòng chảy mới

Là ba nước láng giềng gần gũi, Việt Nam, Lào và Campuchia đoàn kết và hợp tác chặt chẽ trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Cùng với các tầng lớp nhân dân, phụ nữ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia có quan hệ đoàn kết, hữu nghị thân thiết.

Tới nay đã có nhiều Thỏa thuận Hợp tác song phương được ký kết giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và tổ chức Hội Phụ nữ của Lào và Campuchia, gần đây nhất là Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027. Mối quan hệ hợp tác giữa tổ chức phụ nữ của ba nước đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển của mỗi nước, khu vực và thế giới.

Phát triển kinh tế xanh là một xu hướng quan trọng và tất yếu trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu. Trong dòng chảy mới này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Lào và Campuchia đều đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững. Cùng với cộng đồng doanh nhân - lực lượng xung kích trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, các nữ doanh nhân đóng vai trò quan trọng góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững.

Trong những năm qua, các tổ chức Hội Phụ nữ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã có nhiều hoạt động thiết thực vì mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp theo các sáng kiến phối hợp, đặc biệt Chuyến xe hữu nghị phụ nữ ba nước năm 2017, Diễn đàn trực tuyến phụ nữ ba nước vì phát triển xanh và bền vững năm 2022, Hội LHPN Việt Nam vinh dự đón hai đoàn đại biểu Hội Phụ nữ và nữ doanh nhân Lào và Campuchia, tổ chức cho bạn được tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối nữ doanh nhân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia lần này và một số hoạt động khác, thời gian từ ngày 3/7-6/7/2024.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Chung một tầm nhìn, cùng một quyết tâm

Có thể nói, Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức giữa nữ doanh nhân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia là nơi cùng chia sẻ các khó khăn, thách thức cũng như trao đổi, thảo luận về các sáng kiến, kinh nghiệm tốt, gợi mở cho sự kết nối, hợp tác mới nhằm phát huy vai trò của nữ doanh nhân ba nước trong phát triển kinh tế xanh.

Trong phát biểu khai mạc của mình, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam bày tỏ mong muốn tại Diễn đàn, các đại biểu, các nữ doanh nhân, phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò tích cực của tổ chức Hội Phụ nữ và cộng đồng nữ doanh nhân ba nước trong tiến trình hướng tới phát triển kinh tế xanh ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Bà kêu gọi phụ nữ ba nước cùng hợp tác, đoàn kết tiếp tục hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tích cực đóng góp vào nền kinh tế xanh và cho một tương lai bền vững hơn. Hội Phụ nữ của ba nước tiếp tục phát huy sáng kiến hỗ trợ, đồng hành với phụ nữ, với nữ doanh nhân trên hành trình đóng góp ở mỗi nước; lồng ghép các nội dung, sáng kiến về phát triển kinh tế xanh vào Thỏa thuận hợp tác song phương giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với Hội Phụ nữ Lào và Campuchia ở cấp Trung ương và các tỉnh/thành phố ở mỗi nước.

Bà Aly Vongnobountham, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Lào trình bày tham luận.

Bà Aly Vongnobountham, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Lào trình bày tham luận.

Đối với bà Aly Vongnobountham, Diễn đàn lần này có ý nghĩa quan trọng với Hội Liên hiệp Phụ nữ của Lào, Việt Nam và Campuchia, bởi đây không chỉ là Diễn đàn để gặp gỡ trao đổi giữa các nữ doanh nhân, đây còn là cơ hội để rà soát các sáng kiến trên cơ sở mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác đặc biệt, đoàn kết truyền thống và bạn bè cùng chung vận mệnh trong giai đoạn cứu quốc và phát triển đất nước ngày nay và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện và ổn định lâu dài trong phát triển, tạo sự vững mạnh, khuyến khích sự tiến bộ của phụ nữ và quyền bình đẳng nam-nữ.

Đối với mục đích phát triển bền vững gắn với hợp tác khu vực và quóc tế, bà Aly cho hay, Hội Liên hiệp phụ nữ Lào đã phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết với các nước bạn bè láng giềng, nhất là đối với phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Campuchia đã thường xuyên thăm hỏi, trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, ký thỏa thuận hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn khu vực và quốc tế.

Bà Koung Sorita, Quốc vụ khanh Bộ Các vấn đề phụ nữ Campuchia phát biểu tham luận.

Bà Koung Sorita, Quốc vụ khanh Bộ Các vấn đề phụ nữ Campuchia phát biểu tham luận.

Chia sẻ quan điểm từ phía Campuchia, bà Kyong Sorita cho biết, Hội nhập kinh tế xanh và kinh tế kỹ thuật số tạo cơ hội thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong thời đại kỹ thuật số bằng cách giải quyết các rào cản về cơ cấu, thúc đẩy toàn diện các chính sách và cung cấp các kỹ năng cũng như những sự hỗ trợ cần thiết. Sự tích hợp này giúp trao quyền cho phụ nữ được tham gia một cách toàn diện và được hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số, góp phần vào các mục tiêu lớn hơn về hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế tổng thể.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của nữ doanh nhân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia vì phát triển kinh tế xanh và bền vững” với các diễn giả khách mời là nữ doanh nhân Việt Nam, Lào, Campuchia, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và phái đoàn Liên minh châu Âu đã đem tới cho các đại biểu những góc nhìn đa chiều về tiềm năng, vị thế, vai trò của các nữ doanh nhân trong thời kỳ mới, những khó khăn thách thức mà họ phải vượt qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi nước theo con đường phát triển xanh và bền vững.

Thông qua Diễn đàn này, bà hy vọng có thể học hỏi thêm kinh nghiệm, trao đổi quan điểm và xây dựng kế hoạch hành động chung giữa các hội phụ nữ và doanh nhân nữ ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia để đạt được mục tiêu “Kinh tế xanh”. Theo bà, Hiệp hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển Campuchia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phụ nữ ở Việt Nam, Lào, các nước khác trong khu vực, trên thế giới cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm cả khu vực tư nhân; hành động có trách nhiệm trong phát triển xanh và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trồng cây tại các vùng bị suy thoái, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên rừng, động vật hoang dã trong rừng, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu để phụ nữ có thể được hưởng lợi một cách tích cực, công bằng và thân thiện với môi trường.

Bà cho biết, chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet đã khởi động giai đoạn đầu tiên của Chiến lược ngũ giác, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em. Phụ nữ là một ưu tiên trong chương trình nghị sự chính trị. Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới và Bộ Phụ nữ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ công mỹ nghệ trong việc chấp hành luật pháp, chính sách và thực hiện kế hoạch quốc gia bao gồm cả thúc đẩy kinh doanh cho doanh nhân nữ. Chính phủ Hoàng gia đã có các chính sách quan tâm đến vốn đầu tư cũng như cơ hội cho phụ nữ thực hiện quyền phát triển kiến thức và kỹ năng kỹ thuật để cạnh tranh trên thị trường kinh tế ở cấp quốc gia và khu vực, số lượng lãnh đạo nữ đã tăng lên.

Theo đó, Chính phủ Campuchia cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với tư cách là những người đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia. Nổi bật là chiến lược của Chính phủ có tên Chiến lược ngũ giác Giai đoạn IV; công nhận bình đẳng giới là một thành phần quan trọng trong phát triển quốc gia và phát triển nguồn nhân lực; nhấn mạnh sự cần thiết phải “cải thiện hơn nữa địa vị của phụ nữ, những người là trụ cột của nền kinh tế và xã hội Campuchia.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn được bà thông tin cụ thể về vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ Campuchia trong nền kinh tế số, kinh tế xanh và các chương trình mà Chính phủ nước này nhằm nỗ lực thực hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Các đại biểu ba nước tham dự Diễn đàn.

Các đại biểu ba nước tham dự Diễn đàn.

***

Diễn đàn kết nối nữ doanh nhân ba nước đã thành công tốt đẹp, thể hiện sự nỗ lực trong phát huy vai trò và kết nối nữ doanh nhân và Hiệp hội Nữ doanh nhân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong phát triển kinh tế xanh; tăng cường sự quan tâm và phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp nữ nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết về phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển kinh tế xanh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị lần này, hai đoàn đại biểu Hội Phụ nữ và nữ doanh nhân Lào và Campuchia tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội và thăm tòa nhà Quốc hội sáng ngày 4/7; Thăm và làm việc tại trụ sở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiều ngày 4/7; Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phát triển mạng lưới với Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam; Thăm và làm việc với doanh nghiệp nữ tại tỉnh Thái Nguyên và chào xã giao Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vào chiều ngày 5/7.

Một số hình ảnh các doanh nghiệp do nữ làm chủ tham dự trưng bày các sản phẩm đặc sắc của mình tại sự kiện.

Các nữ doanh nhân ba nước Việt-Lào-Campuchia giao lưu, giới thiệu sản phẩm.

Các nữ doanh nhân ba nước Việt-Lào-Campuchia giao lưu, giới thiệu sản phẩm.

Các sản phẩm thủ công chất lượng cao đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh được đem tới quảng bá tại Diễn đàn.

Các sản phẩm thủ công chất lượng cao đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh được đem tới quảng bá tại Diễn đàn.

Sản phẩm tranh gạo của một nữ doanh nhân mong muốn đưa thương hiệu Việt vươn ra quốc tế.

Sản phẩm tranh gạo của một nữ doanh nhân mong muốn đưa thương hiệu Việt vươn ra quốc tế.

Thành Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nu-doanh-nhan-la-luc-luong-khong-the-tach-roi-trong-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xanh-o-viet-nam-lao-campuchia-277568.html