Nữ du học sinh gốc Thái Nguyên 'văn võ song toàn' từng đạt HCV Quốc tế
Tự nhận mình là kiểu học sinh 'nghiện' các cuộc thi, Mỹ Hằng sở hữu những thành tích đáng nể: Là đại diện Việt Nam tham gia và đạt HCV Triển lãm sáng tạo khoa học kỹ thuật Quốc tế tại Romania 2018, HCĐ Phát minh sáng chế Quốc tế tại Đài Loan 2016; 2 HCV tại giải Vô địch cờ vua các lứa tuổi trẻ toàn quốc 2017; Nhiều huy chương bộ môn Taekwondo tại các giải vô địch trẻ toàn quốc và giải học sinh sinh viên toàn quốc;…
Nguyễn Mỹ Hằng hiện đang là sinh viên năm 2 chuyên ngành Finance tại University of Wollongong – ngôi trường nằm trong top 200 Thế giới, top 10 Úc – với điểm trung bình môn luôn đạt trên 9,5 và GPA đại học ở mức HD (High Distinction > 85/100).
Trước khi nhận học bổng Excellent Student và Dean’s Scholar để theo học ở ngôi trường hiện tại, cô nàng còn đạt các học bổng du học ở nhiều nước khác như: Học bổng 100% cho hệ Undergraduate tại đại học Yonsei (Hàn Quốc), đại học North Kentucky (Mỹ), đại học Quản trị Khách sạn Quốc tế Thái Bình Dương (PIHMS – New Zealand),…
Hằng tự nhận mình là kiểu học sinh "nghiện" các cuộc thi
Tự nhận mình là kiểu học sinh “nghiện” các cuộc thi, Mỹ Hằng sở hữu những thành tích học tập và hoạt động đáng nể: Đạt nhiều giải Nhất, Nhì, Ba tại các cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh các môn Toán, Tiếng Anh, Vật lý; Là đại diện Việt Nam tham gia và đạt HCV Triển lãm sáng tạo khoa học kỹ thuật Quốc tế tại Romania 2018, HCĐ Phát minh sáng chế Quốc tế tại Đài Loan 2016; 2 HCV tại giải Vô địch cờ vua các lứa tuổi trẻ toàn quốc 2017 tổ chức tại Đà Lạt (liên tục vô địch giải cờ vua tỉnh Thái Nguyên các năm 2018, 2017, 2016, 2014, 2012); Nhiều huy chương bộ môn Taekwondo tại các giải vô địch trẻ toàn quốc và giải học sinh sinh viên toàn quốc kể từ 2013, liên tục đạt giải nhất tỉnh các năm 2015, 2016, 2017. Đặc biệt, cô nàng còn là cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18.
Bên cạnh việc học, Mỹ Hằng cũng rất chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng sống và phát triển bản thân từ những trải nghiệm làm thêm. Cô bạn đã từng làm gia sư vì cảm thấy công việc này không chỉ có thể giúp đỡ các em mà việc truyền đạt kiến thức để người khác hiểu cũng là cách tự học tốt nhất cho chính mình. Tại Úc, cũng giống như phần lớn các bạn du học sinh khác, Hằng bắt đầu làm quen với các công việc làm thêm ngoài giờ và hiện đang làm nhân viên cho một nhà hàng Nhật Bản.
“Việc làm thêm từ 15-20 tiếng một tuần không lấy đi quá nhiều sức lực và thời gian học của mình, hơn nữa nó còn giúp mình mở rộng kỹ năng sống, gặp gỡ nhiều đối tượng gồm cả người bản địa và người nước ngoài đang cư trú, để từ đó mình hòa nhập được tốt hơn. Ngoài ra, công việc này cũng giúp mình có thêm thu nhập để trang trải chi phí ăn ở và tận hưởng cuộc sống” – Mỹ Hằng chia sẻ.
Điều được nữ du học sinh này xem là “bước tiến dài” của bản thân đầu năm 2021 có lẽ chính là việc trở thành PAL Leader (Peer Asisted Learning Leader) cho môn Business Statistics tại đại học của mình. Cô bạn tâm sự: “Để trở thành một PAL leaders, bạn phải là một sinh viên đã học và đạt được điểm cao trong môn học mà bạn đăng ký (mình được 96/100 điểm cho môn Statistics for Business trong kỳ học đầu tiên). Sau đó, bạn phải chuẩn bị một vài hoạt động cũng như cách bạn truyền đạt trong suốt một tiếng đồng hồ để trình bày với người phỏng vấn. Vòng phỏng vấn mục đích là để kiểm tra xem bạn có năng lực lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm cho giáo dục hay không. Sau đó nữa, bạn sẽ phải tham gia một buổi training dài 6 tiếng đồng hồ trước khi được trở thành một PAL Leader thực sự.
Bởi mình là một du học sinh và vẫn còn gặp khá nhiều vấn đề trong việc sử dụng tiếng Anh, mình rất vui và tự hào khi đã vượt qua quá trình khó khăn đó và trở thành một trong số rất ít sinh viên quốc tế nhận được vai trò này. Có thể nói đây là công việc liên quan đến chuyên ngành đầu tiên tại nước ngoài của mình, bên cạnh việc được trả lương khá cao, từ đây mình được làm quen, trao đổi công việc với các thầy cô là giáo sư, tiến sĩ tại trường – điều mà mình thấy là lợi ích nhất của công việc này”.
“Cuộc sống sông phải một con đường bằng phẳng, lúc nào cũng vậy. Và thay vì nói là những “khó khăn”, mình muốn gọi những điều mà mình đã phải nỗ lực trải qua là những “thử thách” hơn, khó khăn là thứ làm cuộc sống trắc trở, còn thử thách là để vượt qua. Bởi cứ mỗi khi có bất kỳ thử thách nào xảy ra, mình luôn tiếp cận nó một cách tích cực và tò mò xem bằng việc trải qua nó, mình nhận được những gì” – Mỹ Hằng bộc bạch.
Có thể nói những thử thách đầu đời của cô nàng đều liên quan đến việc tập luyện và thi đấu thể thao. Mỹ Hằng luyện tập Taekwondo từ 10 tuổi, và bắt đầu luyện tập một cách chuyên nghiệp hơn ở đội tuyển của tỉnh từ 11-12 tuổi. Cô kể: “Căng cơ, bong gân là những chấn thương quen thuộc mà những vận động viên như mình đã gần như phải “sống cùng” từ những ngày đầu. Thế nhưng, mình chưa bao giờ xem đây là thứ cản bước, mình luôn nghĩ rằng mình cần phải kiên trì và trở lại mạnh mẽ hơn. Và điều đó không chỉ luyện cho mình một thể trạng tốt, mà hơn hết là một tâm lý vững vàng để đối mặt với tất cả những điều bất ngờ trong cuộc sống. Cũng vì điều này mà bố mẹ mình luôn tự hào vì có một đứa con gái mà tinh thần chiến binh như con trai vậy á”.
Có một điều khá khó tin đối với nhiều người, đó là Mỹ Hằng chưa từng đi học thêm! Cô nàng dành khá nhiều thời gian luyện tập và thi đấu thể thao nên luôn tranh thủ hoàn thành bài trên lớp và tự học ở nhà. Có lẽ là nhờ các môn thể thao như cờ vua giúp rèn luyện trí não và sự tập trung, Taekwondo mang lại một sức khỏe tốt và ý chí kiên trì mà việc học của Hằng cũng phần nào được bổ trợ. Chỉ đến khi lên lớp 12, cô bạn mới quyết định tạm dừng tập luyện thể thao chuyên nghiệp lại để chuẩn bị các hồ sơ cần thiết cho việc du học. Thử thách lúc này lại là việc tự học các chứng chỉ quốc tế (IELTS và SAT), đồng thời vẫn phải đảm bảo việc học các môn ở trường và chuẩn bị cho kì thi THPTQG. Nhưng sau tất cả, Mỹ Hằng vẫn vượt qua những thử thách đó, kết quả là hiện tại cô đang ở Úc và nằm trong top 5% sinh viên có điểm GPA cao nhất.
Chia sẻ về định hướng của mình, Mỹ Hằng nói: “Hiện tại mình cùng với một bạn nữa đang làm một dự án nhỏ trên Facebook có tên là “Lost in Australia”. Đây là một blog để chia sẻ cho các bạn cuộc sống của một du học sinh thế nào, con đường đạt học bổng Úc (và một số nước khác) ra sao. Trang Facebook của chúng mình cũng đã đạt được một lượng người xem nhất định và nhận được nhiều phản hồi tốt. Mình cảm thấy rất vui vì đã phần nào giúp được các bạn, các em học sinh Việt Nam liên quan đến vấn đề du học”.