Nữ Giám đốc HTX đưa hương sen Long Tân bay xa
Với mục tiêu giúp các hộ nông dân yên tâm trồng sen, gìn giữ nghề truyền thống, bà Nguyễn Thị Bích Lệ đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (ấp Vĩnh Tiên, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Từ đó, tạo việc làm làm ổn định, thu nhập tốt cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương, đặc biệt đã giúp người dân trồng sen có thu nhập thường xuyên.
Ý tưởng khởi nghiệp chế biến sản phẩm từ cây sen của chị Lệ bắt đầu từ năm 1998 khi có một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài về địa phương phát triển cây sen cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Giúp các hộ nông dân yên tâm trồng sen
Thời điểm đó, gia đình chị Lệ cũng như nhiều nông dân ở xã Long Tân chủ yếu đều trồng lúa với thu nhập rất thấp vì các đồng lúa ở vùng nước lợ nhiễm phèn cho năng suất không cao. Nghĩ cây sen có đầu ra ổn định, lợi nhuận tốt hơn nhiều so với trồng lúa, người dân ở xã Long Tân và một số xã lân cận đua nhau chuyển đổi sang trồng sen nên diện tích cây trồng này tăng lên nhanh chóng đến cả trăm ha.
Khi diện tích cây trồng này tăng quá nhanh, nguồn cung lớn hơn cầu nên phía doanh nghiệp đặt ra chuẩn thu mua hạt sen rất khắt khe. Các bộ phận khác từ cây sen như ngó sen, củ sen, lá sen và cả hạt sen tươi không đạt chuẩn… không có đầu ra vì doanh nghiệp “quay xe” không bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Lúc đó, nhìn những đồng sen bị bỏ phế khi đến kỳ thu hoạch, chị Lệ quyết tâm vay mượn vốn liếng đầu tư cơ sở chế biến sen Trường Phát với mong muốn hỗ trợ nông dân trồng sen tại địa phương có đầu ra ổn định hơn.
"Gia đình tôi cũng là một trong những nạn nhân khi ấy phải đổ bỏ sen khô héo ngoài đồng. Thương bà con, thương chính người thân của mình nên lúc đó tôi nảy ý tưởng phải làm thế nào giúp đỡ bà con quê hương mình giải quyết lượng sen này. Từ đó, tôi bắt tay vào nghề làm sen. Sen tươi mau hư thì phơi khô, sen nhỏ khó bán, tách lấy tim sen làm trà… Lúc đó, tôi chỉ có một quyết tâm là phải bán được hàng, phải giúp gia đình và bà con có đầu ra, giữ được nghề trồng sen”, bà Lệ kể.
Thời gian đầu, bà Lệ mang hạt sen của gia đình đã bóc tách ra chợ bán, dần dần có mối bạn hàng nhiều, nên nghĩ ra làm các sản phẩm khác từ hạt sen như bột sen, trà hạt sen và bắt đầu thu mua cho bà con trong xã, rồi trong huyện.
Tiếng lành đồn xa, cơ sở chế biến sen của bà Lệ được mọi người đánh giá là làm ăn uy tín, nhờ đó rộng đường vào các đại lý, cửa hàng trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Không chỉ vậy còn trở thành đối tác cung cấp cho các siêu thị lớn như: BigC, Co.opmart Biên Hòa, Mega Market Biên Hòa…
“Sen là đặc sản lâu đời của vùng đất Nhơn Trạch. Tôi đầu tư chế biến các sản phẩm từ sen theo phương pháp thủ công truyền thống, chăm chút tỉ mỉ từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đến các khâu chế biến vì muốn tiếng thơm sen Nhơn Trạch ngày càng lan xa”, chị Lệ chia sẻ.
Năm 2020, chị Lệ thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát, liên kết với bà con trồng sen với diện tích trên 70ha, thu mua mọi bộ phận của cây sen, từ lá đến củ và hạt sen đưa vào chế biến, giúp 40 thành viên, bà con nông dân có việc làm ổn định. Nhờ đó giúp các hộ nông dân yên tâm trồng sen, không lo tình trạng được mùa mất giá.
Đáng chú ý, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, vùng sen ở huyện Nhơn Trạch vào vụ thu hoạch với diện tích cả 100ha nhưng HTX vẫn bao tiêu hết sản phẩm cho bà con.
“Sản xuất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển nông sản cũng như tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, HTX vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, thậm chí còn tăng sản lượng hơn so với mọi năm. Nhờ đó, HTX vẫn bao tiêu hết nguồn sen trong dân, phần đưa vào chế biến, phần tăng nguồn nguyên liệu dự trữ, không để nông dân gặp khó khăn vì không bán được sản phẩm do dịch bệnh”, bà Lệ cho hay.
Hướng đến phát triển bền vững
Theo tìm hiểu, ban đầu HTX chỉ có vài loại máy móc thủ công đơn giản làm ra một số sản phẩm phổ biến như: hạt sen sấy, tim sen, trà lá sen, bột hạt sen rồi mỗi năm cơ sở thêm vài sản phẩm mới. Toàn bộ các sản phẩm đều do chính Giám đốc HTX tự mày mò, thử nghiệm rồi cho ra sản phẩm hoàn thiện.
“Mỗi năm tôi có khoảng 5 sản phẩm mới. Tôi không chỉ chế biến dòng thực phẩm mà đang nghiên cứu xay vỏ gương sen làm bột nhang và làm tinh bột củ sen vì muốn tận thu mọi bộ phận trên cây sen để đa dạng sản phẩm cung cấp ra thị trường”, bà Lệ nói.
Sau khi những sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, nữ Giám đốc này đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp khu nhà xưởng, hệ thống máy bóc vỏ hạt sen tươi và máy sấy nông sản đảo chiều gió. Đây là hệ thống máy móc sản xuất theo công nghệ sấy sạch và hiện đại giúp tăng năng suất, giảm hao hụt nguyên liệu, giảm chi phí nhân công. Công nghệ sấy, rang và xay tự động này còn giữ nguyên được hương vị của sản phẩm. Cơ sở cũng đầu tư đổi mới mẫu logo, bao bì để xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.
Để cạnh tranh với các sản phẩm từ sen của các vùng khác, bà Lệ cũng yêu cầu bà con trồng theo quy trình của HTX để hạt sen thu hoạch đạt chất lượng như giống sen do HTX cung cấp, cách thu hoạch sen (cứ 3 ngày hái một lần, hạt sen khi hái không được để nước vào…) và đặc biệt không sử dụng phân bón hóa học mà thay vào đó là phân hữu cơ.
Được biết, các sản phẩm chế biến từ sen của HTX như bột sen dinh dưỡng, bột sen dinh dưỡng có tim, hạt sen tươi, hạt sen khô, hạt sen sấy bơ, hạt sen sấy mật ong và trà hạt sen, trà củ sen, trà tim sen, trà sen, bột sữa, bột thảo mộc… đều đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000: 2018.
Bên cạnh đó, HTX luôn được các địa phương, sở, ngành và Liên minh HTX tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm và mở rộng nguồn khách hàng địa phương, đồng thời được lựa chọn tham gia OCOP.
Đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát đang là chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Đồng Nai với 19 sản phẩm từ sen đạt chứng nhận OCOP, trong đó 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm bột sen dinh dưỡng của HTX là một trong ba sản phẩm của tỉnh Đồng Nai được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. HTX đang tiếp tục nỗ lực để có sản phẩm đạt mức cao nhất là OCOP 5 sao cũng như không ngừng đa dạng thêm sản phẩm.
Thời gian tới, để sản phẩm từ sen của huyện Nhơn Trạch ngày một vươn xa, bà Lệ cho biết sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất mới để phục vụ chế biến và đóng gói, cũng như đầu tư hoàn thiện mô hình trồng sen hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái.
“Chúng tôi đang nhân rộng diện tích trồng sen hữu cơ gắn với làm du lịch sinh thái, với diện tích ban đầu khoảng 20ha. Với mô hình này, du khách có thể về Nhơn Trạch xem và tìm hiểu về quy trình trồng sen sạch cũng như quy trình thu hoạch, chế biến tại đây. Qua đó, góp phần quảng bá, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm chế biến từ đồng sen hữu cơ của Trường Phát nói riêng và du lịch miệt vườn của tỉnh Đồng Nai nói chung”, bà Lệ cho hay.