Nữ giảng viên đại học và bộ sưu tập 500 búp bê Nhật Bản
Từ một búp bê mua để làm kỷ niệm trong chuyến du học ngắn ngày, ThS Nguyễn Thị Phong Nhã, giảng viên Viện Công nghệ Việt - Nhật, Trường đại học Công nghệ TP.HCM đã bén duyên với sở thích sưu tập búp bê Nhật Bản. Đến nay, chị đã có khoảng 500 con búp bê các loại trong bộ sưu tập của mình.
Là giảng viên dạy bộ môn Tiếng Nhật, chị Phong Nhã mong muốn thông qua búp bê Nhật Bản để giới thiệu với các bạn trẻ về văn hóa, tư duy mỹ thuật của người Nhật Bản.
* “Bén duyên” với sở thích sưu tầm búp bê
Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học nhưng công việc chính của chị Nguyễn Thị Phong Nhã lại là giảng dạy tiếng Nhật bởi đây là thế mạnh của chị.
Kể về cơ duyên đến với sở thích sưu tầm búp bê Nhật Bản, chị Phong Nhã cho hay: “Năm 2001, tôi nhận được học bổng du học Nhật Bản ngắn hạn. Đó là lần đầu tiên tôi được mục sở thị những điều mà trước đây chỉ được đọc trên sách vở. Những ngày tháng học tập ở Nhật Bản đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp và quý báu. Ngày về nước, tôi đã để dành tiền mua một bạn búp bê samurai nhỏ để làm quà tặng cho gia đình và giữ mãi đến bây giờ”.
Khi đó, nữ giảng viên trẻ chưa có khái niệm về việc sưu tầm búp bê. Sau khi về nước, chị có cơ hội học tập, làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản nhiều hơn. Nhờ đó, chị có dịp được đi tham quan và đến nhiều nơi của Nhật Bản, tiếp cận được nhiều mảng văn hóa độc đáo ở các vùng miền của nước Nhật mà chị đã đi qua.
Ngày 20 và 21-5, Aeon Mall Tân Phú (TP.HCM) đã tổ chức triển lãm Búp bê Nhật Bản. Triển lãm gồm hơn 100 búp bê trong bộ sưu tập cá nhân của ThS Nguyễn Thị Phong Nhã, giảng viên Viện Công nghệ Việt - Nhật, Trường đại học Công nghệ TP.HCM.
Ở mỗi nơi, chị lại tìm mua búp bê để lưu lại kỷ niệm. “Ban đầu, đây chỉ là hành động vô thức nhưng sau đó, khi tìm hiểu kỹ càng hơn về văn hóa vùng miền đã đi qua và tận mắt quan sát các ngành nghề thủ công trên đất Nhật Bản, tôi đã dần dần thích sưu tầm búp bê và các loại hình trang trí của Nhật Bản” - chị Nhã chia sẻ.
Chính những trải nghiệm cá nhân cộng với sự dày công sưu tầm, tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản thông qua loại hình búp bê đã giúp nữ giảng viên này có những bài giảng gần gũi và phong phú hơn trên giảng đường dành cho các sinh viên.
Mới đây, nhân Tuần lễ Văn hóa Nhật Bản tổ chức tại Aeon Mall Tân Phú (TP.HCM), ThS Nguyễn Thị Phong Nhã đã trưng bày 100 búp bê Nhật Bản để giới thiệu đến đông đảo công chúng.
Chị Nhã bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi được giới thiệu đến nhiều người dân Việt Nam về những sản phẩm búp bê của nhiều vùng miền Nhật Bản. Để giúp người dân tiện tìm hiểu, tôi đã tìm kiếm nhiều thông tin, biên dịch và có bài viết giới thiệu ở các khu vực trưng bày. Phần việc này tốn khá nhiều thời gian, tâm sức nhưng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì được giới thiệu cái hay, cái đẹp của Nhật Bản đến gần hơn với người Việt Nam”.
* Búp bê - câu chuyện văn hóa của Nhật Bản
Khi nhắc đến búp bê, người ta thường cho rằng đây là món đồ chơi dành cho trẻ em. Tuy vậy, ở Nhật Bản búp bê không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhiều câu chuyện văn hóa, nhân văn cao cả.
Chị Phong Nhã cho rằng: “Búp bê Nhật Bản đại diện cho đời sống văn hóa lẫn tâm linh của người Nhật. Mỗi loại búp bê đều có một ý nghĩa riêng biệt. Về ý nghĩa chung, các loại búp bê mang đến sự may mắn, hạnh phúc cho những ai sở hữu nó. Việc làm ra những con búp bê cũng trở thành loại hình nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản. Nó mang đậm bản chất của dân tộc Nhật và không thể lẫn tạp vào những thứ sao chép nào khác trên thế giới”.
Búp bê ở Nhật Bản được chế tác một cách công phu. Không ít người làm búp bê được tôn vinh lên hàng nghệ nhân. Chính sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này đã tạo nên sức sống lâu bền cho nghề làm búp bê. Bởi vậy, trong khi nhiều nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản dần bị mai một thì nghề làm búp bê hiện vẫn còn “đất” sống. Nhiều nghệ nhân chế tác búp bê có tác phẩm độc đáo vẫn được tôn vinh và giành được nhiều giải thưởng cao quý.
Ở góc độ là giảng viên, chị Nhã là người tâm huyết, truyền cảm hứng học tập cho các sinh viên ngành tiếng Nhật. Không chỉ học ngôn ngữ, nữ giảng viên này còn mong muốn các bạn trẻ học tập được tinh thần làm việc cần mẫn, chỉn chu của người Nhật Bản. “Trên hết, tinh thần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách hiệu quả mà người Nhật Bản đang làm rất đáng để cho chúng ta học hỏi” - chị Phong Nhã chia sẻ thêm.