Nữ giảng viên khát vọng theo đuổi các dự án bảo vệ môi trường
Chị Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985, giảng viên khoa tiếng Nhật, trường ĐH Hà Nội) là một trong những nhân tố nổi bật, tích cực tham gia các dự án bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng trong nhiều năm nay.
Dám nghĩ, dám làm
Giảng viên Nguyễn Hoàng Thảo chính là người sáng lập dự án “Nói không với túi nilon” có khoảng 100 nghìn người theo dõi và nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh” có gần 60 nghìn thành viên. Chia sẻ cơ duyên đến với hành trình tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chị Thảo cho biết, trong lần đi công tác đến một khu tập trung và xử lý rác thải của Hà Nội, chị đã thấy được những ảnh hưởng tiêu cực của rác thải gây ra cho cuộc sống, sức khỏe con người.
Đặc biệt là hành động sử dụng quá nhiều đồ nhựa dùng một lần, góp phần rất lớn vào việc gây ô nhiễm môi trường sống. Nghĩ rằng bản thân cần phải làm điều gì đó thiết thực để bảo vệ cuộc sống của mình cũng như những người xung quanh, chị Thảo đã quyết định thay đổi lối sống hàng ngày, đó là “sống xanh, bảo vệ môi trường” từ hành động thiết thực: Hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần dùng. Chị cũng tích cực tìm hiểu những kiến thức về bảo vệ môi trường để có hướng đi đúng đắn.
Khi chị Thảo lập fage “Nói không với túi Nilon” và mở cửa hàng Go Eco, không ít người cho rằng đó là lối sống “lập dị”, khác biệt,…bởi lúc đó, mọi người chưa biết nhiều về tác hại của rác thải nhựa, truyền thông cũng ít đề cập vấn đề này. Gạt hết những lời dị nghị của mọi người, chị Thảo càng quyết tâm thực hiện những dự án của mình bởi chị khẳng định, đó là nếp sống văn minh mà mỗi người có thể làm để bảo vệ môi trường.
Chị Thảo cũng chia sẻ, người thân của mình là những người đầu tiên hưởng ứng những dự án chị làm. Điều đó giúp chị cảm thấy hạnh phúc và càng có thêm động lực để cố gắng gắn bó với các dự án lâu dài. Cũng vì muốn dành nhiều thời gian cho những “đứa con tinh thần” mà chị Thảo đã đưa ra quyết định táo bạo. Năm 2007, mặc dù tốt nghiệp ĐH loại giỏi, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng chị chỉ làm công việc giảng dạy được hơn một năm, rồi quyết định nghỉ việc. Chị muốn phát triển các dự án môi trường cũng như chú trọng các hoạt động của nhóm Ấm - Từ thiện người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn.
Lan tỏa “xanh hóa” trong kinh doanh
Năm 2016, chị Thảo hoàn thành khóa học Master ở Nhật Bản và trở lại làm giảng viên tại ĐH Hà Nội, vẫn tiếp tục điều hành dự án “Nói không với túi nilon” và nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh”. Chị cũng đã đứng ra sáng lập các dự án bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức nhiều workshop, làm diễn giả cho các sự kiện với các chủ đề “sống xanh”,… Bên cạnh đó, chị Thảo còn điều hành mạng lưới của mình kết nối với các DN, tổ chức, lan tỏa đến những người làm kinh doanh việc “xanh hóa” mô hình hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.
Năm 2019, chị Thảo mở cửa hàng Go Eco Hà Nội - nơi bán các sản phẩm hàng thiết yếu mà không có bao bì đầu tiên ở Hà Nội. Dù trước đó không hề đam mê kinh doanh nhưng chị muốn tiên phong trong việc “xanh hóa” cửa hàng kinh doanh, từ đó, thuyết phục được những người làm kinh doanh khác có chung hướng đi với mình. Chị Thảo cho biết, lợi nhuận 100% của cửa hàng dùng để hỗ trợ cho những người làm công việc tái chế đồ từ rác, lập thư viện sách miễn phí liên quan đến bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho Dự án “One tree planted” 1.000 cây xanh trồng ở miền Trung, miền Nam,…
Chưa dừng lại ở đó, chị Thảo tiếp tục lập nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh” hướng đến mục đích thay đổi thói quen cho cả người làm kinh doanh và khách hàng của họ, hỗ trợ thúc đẩy những người muốn kinh doanh xanh từ mô hình nhỏ đến lớn. Dịp Tết này, chị Thảo còn thực hiện chiến dịch “Nghênh xuân mà không tống cựu”, lan tỏa thông điệp đón cái mới mà không bỏ cái cũ; trân trọng, giữ gìn những đồ cũ đã dùng, để tạo ra cho nó một đời sống khác; khuyến khích mọi người tái sử dụng vật liệu có sẵn, hạn chế mua mới các vật dụng để tiết kiệm tài nguyên.
Chị Thảo nêu quan điểm, bảo vệ môi trường cũng giống như chúng ta đang bảo vệ ngôi nhà của chính mình. Đừng ngại trở thành người tiên phong trong các hoạt động vì những hành động đẹp bảo vệ môi trường của chúng ta sẽ trở thành động lực cho những người khác thay đổi cách suy nghĩ và hành động.