Nữ giáo sư Việt kiều nỗ lực vì sự phát triển của nền khoa học nước nhà
Đó là Giáo sư (GS) Nguyễn Thị Kim Thanh (Việt kiều Anh quốc) mới đây đã nhận được giải thưởng của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh.
Bên cạnh những thành công vang dội của bản thân, giáo sư Kim Thanh nhiều năm qua vẫn luôn tiến hành nhiều hoạt động ý nghĩa với hy vọng giúp đỡ quê hương trên con đường tiến tới một nền khoa học mới và tốt hơn.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã được vinh danh là người chiến thắng Giải thưởng liên ngành (Interdisciplinary Prize) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh (RSC), ghi nhận sự xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Giải thưởng của RSC là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất trên thế giới, công nhận những thành tựu của các cá nhân, nhóm và tổ chức trong việc phát triển chuyên ngành hóa học.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh cùng các nhà khoa học.
Người phụ nữ của vật liệu nano
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992, sau đó nhận học bổng nghiên cứu khoa học ở Hà Lan và Anh, nơi chị lấy bằng Tiến sĩ năm 1998.
Năm 2005, bà nhận được tài trợ danh giá The Royal Society University Research Fellowship từ Viện Hàn lâm Khoa học của Vương quốc Anh và các quốc gia thịnh vượng chung (Commonwealth) để thiết lập nhóm nghiên cứu độc lập và tập trung nghiên cứu về khoa học và công nghệ nano cho y sinh.
Bà là Giáo sư người Việt đầu tiên tại Đại học College London (UCL) và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh từ năm 2013. Bà phụ trách Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, đặt tại Viện Royal Institution và công tác tại Nhóm sinh lý (Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học University College London, Anh).
Ngày 29/10/2019, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh được nhận Giải thưởng danh giá Rosalind Franklin The Royal Society năm 2019 vì những thành tích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu nano.
Tại Royal Society, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã có vinh dự trình bày bài giảng về vật liệu nano plasmonic (hạt vàng hình cầu, trụ và sao), “Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh” (Nanomaterials from Bench to Bedside) trước giới khoa học hàng đầu nước Anh.
Với những thành tựu nghiên cứu và dự án có tầm ảnh hưởng lớn về ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe, Giáo sư Kim Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019.
Và đầu tháng 6/2022, Giải thưởng liên ngành (Interdisciplinary Prize) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh (RSC) mà bà vừa nhận được là sự công nhận cho những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học và các phân tích tính chất vật lí của vật liệu nano plasmonic và từ tính cho các ứng dụng y sinh. Tiến sĩ Helen Pain (Giám đốc điều hành RSC) cho biết, nghiên cứu của Giáo sư Thanh là một ví dụ tuyệt vời về lý do tại sao thế giới tôn vinh khoa học vĩ đại.
Hiện tại, bà là Viện sĩ của 4 Viện khoa học tại Vương quốc Anh gồm: Viện Hóa học Hoàng gia Anh Quốc, Viện Vật lí, Viện Sinh học Hoàng gia Anh Quốc, Viện Vật liệu, Khoáng sản và Khai thác mỏ Anh Quốc.
Tâm huyết với nền khoa học Việt
Không chỉ tập trung tới những thành công của bản thân, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh còn là một trong những thành viên sáng lập nên Tổ chức Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA) vào tháng 11/2014. Tổ chức này được Giáo sư Thanh cùng các cộng sự thành lập với mong muốn luôn thông qua tổ chức này sẽ giúp đỡ quê hương Việt Nam trên con đường tiến tới một nền khoa học mới, tiến bộ hơn tốt hơn.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ, VYA được thành lập với mục đích nhằm tạo nên một cơ sở cho những học giả đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước và của toàn cầu.
Mục tiêu của VYA cũng nhằm phát huy những trao đổi mang tính học thuật dựa trên ý kiến đóng góp từ các chuyên gia của Viện, góp phần đổi mới giáo dục, tác động lên quá trình cải cách và phát triển chính sách của Việt Nam. Nơi đây tập hợp đông đảo các nhà khoa học Việt trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước và toàn cầu.
Bà luôn nghĩ rằng cần tận dụng các tổ chức khoa học quốc tế để nền khoa học Việt Nam có thể tiếp cận với những điều kiện phát triển. Bà tin rằng, việc khuyến khích giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước cho phép các nhà khoa học trẻ trong nước cơ hội học hỏi từ những kỹ năng của những nhà khoa học ở nước ngoài, đồng thời cũng giúp những nhà khoa học ở nước ngoài hiểu rõ hơn về những điều kiện phát triển khoa học ở trong nước hiện nay.
Trong giai đoạn đầu, để quảng bá và giúp VYA phát triển, Giáo sư Nguyễn Kim Thanh và Ban Cố vấn của tổ chức và các thành viên tích cực cũng gặp không ít khó khăn. Giáo sư Nguyễn Kim Thanh cùng các cộng sự nung nấu mong muốn đăng cai tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ 4 tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không hề dễ dàng khi số lượng thành viên của VYA rất ít, thiếu kinh nghiệm cũng như họ khá bận rộn, thời gian dành cho VYA không nhiều.
Nhưng may mắn, bà được Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh, Phòng Quan hệ quốc tế (Global Engagement Office, GEO) của trường Đại học UCL, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo Dục & Đào tạo và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, cùng sự ủng hộ của bạn bè năm châu đã giúp bà thực hiện được mong muốn đó. Sau đó, Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp.
Với trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của VYA, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh cũng nỗ lực giúp tổ chức cân bằng số thành viên trong nước và nước ngoài, giữa các ngành khác nhau và lựa chọn thành viên kỹ càng hơn dựa trên thành tích khoa học.
VYA không chỉ hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ tăng cường năng lực, phát triển cá nhân và chuyên môn thông qua các mạng lưới quốc gia và toàn cầu, tạo điều kiện cho họ có nhiều đóng góp có giá trị hơn cho xã hội, mà còn nâng cao truyền thông học thuật, giáo dục và tạo nên tác động đến đổi mới và phát triển chính sách ở Việt Nam.
Hiện nay, tổ chức VYA có số thành viên là người Việt ở nước ngoài chiếm ưu thế, tập trung đặc biệt vào vai trò là cầu nối giữa học giả Việt ở trong nước và nước ngoài. Đây chính là cây cầu thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và thực tiễn làm việc giữa các nhà khoa học.
Trong bức thư chúc mừng gửi tới Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài) nhân dịp bà được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương Quốc Anh trao tặng Giải thưởng Liên ngành đã viết rằng: “Việc được trao tặng Giải thưởng danh giá này là niềm vinh dự lớn đối với Giáo sư, đồng thời là sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp tâm huyết của Giáo sư trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cống hiến vì sự phát triển của nền khoa học thế giới...”.