Nữ giáo viên 15 năm hết lòng vì học sinh vùng cao
15 năm gắn bó với nghề, cô giáo Phạm Thị Kim Oanh luôn nỗ lực không ngừng để mang tri thức tới cho học sinh ở huyện biên giới vùng cao Thanh Hóa
Cô giáo Phạm Thị Kim Oanh sinh năm 1987, quê xã Mường Mìn, huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, cô về Trường THCS-THPT Quan Sơn công tác và cống hiến cho trường suốt 15 năm qua.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn nhiều khó khăn, vất vả, nên khi được phân công về trường, cô Phạm Thị Kim Oanh biết bản thân phải cố gắng rất nhiều để truyền đạt kiến thức cho học trò nơi đây. Bởi, Trường THCS-THPT Quan Sơn đóng trên địa bàn và thu hút học sinh ở những xã đặc biệt khó khăn của huyện (Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn, Na Mèo), nơi có tới 3 bản người Mông, có nhiều bản làng xa xôi, cách trường hàng chục km.
Thấu hiểu được điều đó, nên ngay từ những ngày đầu về trường, dù cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu thốn, nhưng cô Oanh vẫn luôn nỗ lực, tận tâm vì học trò. Theo cô, ngoài việc dạy trên lớp, các thầy cô trong trường nhiều lần còn phải lặn lội vào tận các bản làng để vận động gia đình cho con tới trường, tới lớp.
"Ngày chưa thành lập trường, học sinh ở các xã vùng khó, phần nhiều cứ học xong lớp 9 là nghỉ học, vì ngày đó cả huyện có một trường THPT đóng ở thị trấn, các em học sinh đi học phải di chuyển quãng đường gần nhất 30 km, xa có khi lên tới 60 km. Nếu ai đi học thì phải dựng lều lán hay ở trọ, trong khi, các gia đình vùng cao đều còn rất nghèo, việc học của các con vì thế mà không được quan tâm tới nơi, tới chốn"- cô Oanh chia sẻ.
Vì ở vùng đất nghèo khó, nên ngay từ năm lớp 6, anh em cô Oanh cũng đã phải xa gia đình, "cơm đùm, cơm nắm" xuống tận thị trấn, cách nhà khoảng 30 km để theo học. Đến năm cấp 3, nhà trường không có khu ký túc xá, bản thân cô cũng phải dựng lều lán gần trường để ăn ở, tìm con chữ.
"Khó khăn ngày đó không gì có thể tả hết được. Vì thế, sau này về lại quê nhà dạy học, tôi luôn cố gắng truyền dạy những kiến thức tốt nhất mà mình có được tới học sinh, mong các em có kiến thức để tự tin bước vào đời"- cô Oanh bộc bạch.
Cô Oanh chia sẻ thêm rằng học sinh vùng cao chủ yếu là người đồng bào dân tộc, gia đình còn khó khăn, nên tình trạng nghỉ học giữa chừng vẫn còn. Có nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn, có nhiều em vì tự ti trong học tập cũng nghỉ học. Vì thế, những học sinh có biểu hiện sa sút, bỏ học, cô sẽ tiếp cận, nắm bắt tâm sư, rồi trao đổi với gia đình các em, thậm chí tới tận nhà động viên gia đình, chia sẻ để các em yên tâm tới trường.
Do xuất phát điểm thấp, kiến thức nền của các em cũng không thể theo kịp học sinh miền xuôi, vì thế, theo cô Oanh, trong quá trình dạy học, các thầy cô trong trường phải xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học phù hợp với khả năng để các em có thể tiếp thu tốt nhất những kiến thức cơ bản.
Trong quá trình đứng lớp, nữ giáo viên này cũng thường xuyên quan tâm đến tất cả các em học sinh, nhất là các học sinh yếu có hoàn cảnh khó khăn. Cô thường xuyên tâm sự, chia sẻ, hướng cho các em có mục tiêu lý tưởng, quyết tâm theo học.
"Các thầy cô chúng tôi cũng thường nhắc nhở các em rằng chỉ có con đường học tập mới thay đổi được cuộc sống của mình, mới có tương lai tươi sáng. Chúng tôi cũng thường lấy các tấm gương thầy cô trong trường, những người cũng sinh ra từ bản làng, đã nỗ lực vươn lên để trưởng thành như ngày hôm nay, làm động lực cho các em noi theo"- cô Oanh nói.
Thầy giáo Tạ Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Quan Sơn, cho biết trong những năm qua, cô Oanh luôn là giáo viên giỏi của trường ở bộ môn Sinh học, được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Tự nhiên 2. Đặc biệt, trong năm học 2023-2024, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, nhà trường có một học sinh do cô kèm cặp, hướng dẫn đoạt giải Khuyến khích trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở bộ môn Tự nhiên (môn Sinh).
Cũng theo thầy Việt, nhà trường đứng chân trên địa bàn khó khăn nhất của huyện Quan Sơn, nên ngay từ khi thành lập, được sự quan tâm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường được đầu tư nhiều, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
"So với những ngày đầu thành lập trường, đến nay chất lượng giáo dục của trường ngày một nâng lên, có nhiều em đỗ đạt cao, sau khi ra trường đã quay về phục vụ nhà trường, địa phương, trong đó tiêu biểu có cô Phạm Thị Kim Oanh. Cô Oanh là một giáo viên năng động, không ngại khó, ngại khổ, tận tâm với công việc, luôn hết lòng vì học sinh, nhà trường"- thầy Việt cho biết.
Với nỗ lực vì học sinh vùng cao, vừa qua cô Phạm Thị Kim Oanh là một trong 133 nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa tặng giấy khen, vinh danh là "Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh" lần thứ 2, năm 2024.