Nữ giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp dạy học
Với quan niệm 'Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng', những năm qua, cô giáo Khuất Thị Kim Liên (Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu, quận Đống Đa) luôn nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Nhờ vậy, những bài giảng của cô đã góp phần nâng cao chất lượng giờ dạy và phát huy tốt năng lực chủ động sáng tạo của người học.
Đứng trước yêu cầu đổi mới của thời đại và của ngành giáo dục, cô giáo Khuất Thị Kim Liên nhận thức được rằng, bản thân mình phải không ngừng thay đổi về chuyên môn, năng lực và phẩm chất để góp một phần công sức nhỏ bé trong những thành tích của nhà trường nói riêng và nền giáo dục Thủ đô nói chung.
Lâu nay, Công nghệ luôn được coi là môn phụ, lý thuyết khó, học sinh chưa có hứng thú học. Đứng trước những khó khăn này, cô Liên luôn trăn trở tìm tòi phương pháp mới, lồng ghép thực hành vào bài giảng. Từ đó truyền lửa tình yêu vào môn học đến với học sinh.
Cụ thể, cô Liên đã hướng dẫn học sinh tự làm đồ dùng học tập từ các vật liệu dễ kiếm, an toàn, chi phí ít để tăng hiệu quả cho bài học. Đồng thời nhiệt tình hướng dẫn giúp học sinh thực hành sử dụng đồ dùng dạy học tự làm và tham gia tích cực vào các dự án học tập.
Chẳng hạn, trong bài 8 (Công nghệ lớp 11) “Thiết kế và bản vẽ kĩ thuật”, cô Liên đã hướng dẫn học sinh chế tạo hộp đựng đồ dùng học tập bằng nhiều vật liệu khác nhau như bìa cứng, que kem, bằng gỗ sử dụng bàn ghế hỏng ở trường.
Trong bài 23 (Công nghệ lớp 12) “Mạch điện xoay chiều ba pha”, cô Liên đã hướng dẫn học sinh thiết kế đồ dùng học tập tự làm bao gồm nguồn, tải ba pha để ứng dụng vào học phần cách nối nguồn điện và tải ba pha, sơ đồ mạch điện ba pha... Nhờ vậy, các em học sinh đã bắt đầu yêu thích môn Công nghệ và nhận thức rõ những giá trị tri thức mà môn học mang lại.
Bên cạnh việc dạy học hướng học sinh vào ứng dụng thực tế, được trải nghiệm sáng tạo; để học sinh thực sự yêu thích, hứng thú khi học Công nghệ, cô Liên còn ứng dụng tiếng Anh giao tiếp vào trong các yêu cầu đơn giản với học sinh. Ngoài ra, cô Liên cũng có thể sử dụng tiếng Anh để tra cứu tài liệu đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và hướng tới hội nhập quốc tế trong dạy học 4.0.
Được biết, vốn tiếng Anh của cô Liên có được là thông qua con đường tự học, theo học các khóa tiếng Anh ngắn ngày tại Philippines và học online 1:1 trên mạng. "Điều đó không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức môn Công nghệ một cách hứng thú hơn mà còn giúp các em rèn luyện được kỹ năng nghe, nói, phản xạ bằng tiếng Anh - một yêu cầu cần thiết của tương lai" - cô Liên chia sẻ.
Đặc biệt, xuất phát từ đặc thù học sinh của trường đầu vào còn thấp, cô Liên luôn chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng những sáng kiến kinh nghiệm, khoa học giáo dục tiên tiến vào thực tiễn giảng dạy như cùng với tổ nhóm chuyên môn thực hiện các hoạt động chuyên đề: Khoa học tự nhiên và ứng dụng; Khoa học tự nhiên, thực hành và sáng tạo; công tác chủ nhiệm lớp... tạo nên những thành tích cao trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Để có được những thành tích này, cô Liên luôn nhận được sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường; sự đồng hành, ủng hộ của học sinh, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp.
Cô Liên không chỉ là người trao truyền kiến thức mà còn đóng vai trò là người ươm mầm ngọn lửa, nhiệt huyết trong mỗi học trò. Con đường cô đi không hề đơn giản, nhưng với niềm đam mê, tâm huyết và khát khao thay đổi, chắc chắn cô Liên sẽ thành công.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nu-giao-vien-khong-ngung-doi-moi-phuong-phap-day-hoc-99492.html