Nữ giáo viên vực dậy sau nỗi đau, viết tiếp giấc mơ bục giảng
Bị chồng cũ kích nổ mìn tự chế, cô mất một tay, hỏng một mắt. Vực dậy sau nỗi đau, hằng ngày cô vẫn đứng lớp, làm việc thiện giúp học sinh nghèo.
Bi kịch cuộc đời
Vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh hôm ấy, cô Nông Thị Huê, giáo viên Trường mầm non Đăk Rơ Ông (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) kể, cách đây khoảng 5 năm trước, khi cô đang ngồi soạn giáo án thì nghe tiếng chồng cũ gọi ngoài cửa.
Vừa mở cửa bước ra, chưa kịp nói lời nào, người chồng cũ lao đến ôm chặt cô rồi kích nổ quả mìn tự chế mang trên người. Sau tiếng nổ chua chát, cô tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy bàn tay phải đã không còn, mắt phải không nhìn thấy ánh sáng.
Cô Huê nghẹn ngào: "Tỉnh dậy trong trạng thái toàn thân đau ê ẩm, phát hiện bị mất bàn tay phải, bác sĩ thông báo mắt phải bị mù vĩnh viễn, khuôn mặt bị cháy sém, biến dạng khiến tôi suy sụp vô cùng. Lúc đấy, tôi chẳng thiết tha gì cuộc sống, nằm trên giường bệnh nước mắt chảy mãi không thôi. Nhưng khi được gia đình, đồng nghiệp động viên, cũng như nghĩ về tương lai 2 đứa con, tôi cố gắng gượng mà sống”.
Nhớ lại thời tuổi trẻ, bao ước mơ, hoài bão khăn gói vào Tây Nguyên lập nghiệp cô Huê kể, cô sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, cô lặn lội vào tỉnh miền núi Kon Tum tìm việc.
Sau thời gian chờ đợi, cô được phân công về Trường mầm non Đăk Rơ Ông, xã Đăk Rơ Ông công tác. Sinh sống và làm việc tại đây, cô quen và đi đến hôn nhân với một người đàn ông ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum).
Tưởng chừng như mình đã tìm được bến đỗ của cuộc đời, an tâm tư tưởng công tác, cùng chồng vun vén gia đình, làm ăn, phát triển kinh tế.
Thế nhưng, thực tế phũ phàng, do bất đồng quan điểm sống, tình cảm vợ chồng bắt đầu rạn nứt. Sau 7 năm gắn bó, cô và chồng ly hôn đường ai nấy đi. Cả hai đứa con được cô gửi cho người thân ở tỉnh Đắk Nông chăm sóc. Cô cũng dọn đến khu tập thể giáo viên Trường mầm non Đăk Rơ Ông sinh sống.
Vào tháng 10/2018, người chồng cũ xuất hiện trước cửa khu tập thể. Đang soạn giáo án, cô nghe tiếng chồng cũ đề nghị ra gặp nói chuyện. Khi cánh cửa phòng vừa mở, người đàn ông ấy liền lao đến ôm cô rồi kích nổ quả mìn tự chế. Sau vài tháng điều trị, cô Huê xuất viện với nỗi đau tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần. Khuôn mặt biến dạng khiến cô tự ti, mặc cảm. Suốt nhiều tháng liền cô nhốt mình trong nhà chẳng giao tiếp với ai.
Có những lúc yếu lòng, cô đã có ý định buông xuôi tất cả. Thế nhưng khi nghĩ về 2 con nhỏ, cô lại gượng dậy cố gắng sống thật tốt.
Niềm vui nhỏ nhoi mỗi ngày của cô là tham gia hội nhóm dành cho những người khuyết tật. Sau một thời gian, cô dần mở lòng, chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh như mình. Qua tâm sự, cô cảm nhận có nhiều mảnh đời còn khó khăn, cùng cực hơn mình rất nhiều nhưng họ vẫn vươn lên và sống tốt.
Sau hơn 1 năm, cô Huê dần lấy lại sự tự tin, lạc quan với cuộc đời. Chồng cũ bị đưa ra xét xử, cô cũng dần trở lại cuộc sống bình thường. Trải qua hàng chục lần phẫu thuật với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, những vết sẹo của vụ nổ cũng mờ dần. Được người thân, đồng nghiệp động viên, chia sẻ, cô Huê lấy lại tinh thần để chăm lo cho 2 người con và tiếp tục công tác.
Cũng từ đó, đến nay, người dân xã Đăk Rơ Ông cũng dần quen với bóng dáng Huê đi lại trên con đường làng. Sáng nào cũng vậy, trước giờ lên lớp, cô Huê tranh thủ đem thức ăn đến trao cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Tấm gương đầy nghị lực
Sau một thời gian nhận được sự sẻ chia, đóng góp của các nhà hảo tâm, khi cơ thể đã hồi phục, cô Huê xin dừng nhận hỗ trợ. Thay vào đó, cô san sẻ sự hỗ trợ ấy cho những đứa trẻ Xơ Đăng khó khăn nơi mình công tác.
Cô Huê tâm sự: “Ở Tu Mơ Rông, có nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn. Cha mẹ quần quật với nương rẫy nên cái ăn, cái mặc của lũ trẻ chẳng được đủ đầy. Có những em học sinh cả năm chỉ mặc một bộ quần áo do nhà trường cấp, có em thường xuyên nhịn ăn sáng đến trường”.
“Tôi đem những câu chuyện thường nơi đây đăng tải lên Facebook cá nhân kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở cho học trò. Những dịp Trung thu hay lễ Tết, tôi cố gắng tổ chức cho học trò buổi tiệc ngọt để các em cảm nhận được không khí đầm ấm, yêu thương. Giờ đây cuộc sống ổn hơn, tôi muốn san sẻ lại cho học trò và những mảnh đời bất hạnh. Nhìn thấy nụ cười của các em, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm rất nhiều", cô tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đăk Rơ Ông, cho biết mặc dù gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống nhưng cô Nông Thị Huê đã mạnh mẽ vượt qua.
Trong những năm qua, cô luôn là giáo viên năng nổ, nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. "Nhà trường và phụ huynh rất yên tâm, tin tưởng khi cô Huê đứng lớp dạy học trò. Không những vậy, cô còn kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khó khăn. Cô Huê là tấm gương sáng về nghị lực sống, vươn lên trước mọi bất hạnh", bà Thìn chia sẻ.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hoàn cảnh của cô Nông Thị Huê rất đáng thương, đáng nể phục. Đi qua biến cố cuộc đời, nhưng cô vẫn luôn giàu nghị lực, lạc quan. Những năm qua, địa phương và ngành giáo dục luôn tạo mọi điều kiện để cô Huê hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như luôn quan tâm, hỗ trợ cô vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.