Nữ 'hiệp sĩ' xuyên đêm cứu người miễn phí
Suốt 6 năm qua, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân và các thành viên của Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 miệt mài cứu hộ gần ngàn trường hợp tai nạn giao thông.
Đâu gọi là có mặt
Đúng 21 giờ đêm, khi nhiều gia đình bắt đầu vào giấc ngủ lại là lúc các thành viên Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 (gọi tắt là Đội 911) bắt đầu buổi làm việc của mình, từ túc trực đường dây nóng, chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, đến sẵn sàng tỏa ra các tuyến đường trên địa bàn Thủ Đức (TP.HCM) để thực hiện công tác cứu nạn giao thông miễn phí.
Thật bất ngờ khi “sếp” của Đội 911 lại là một người phụ nữ - chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (29 tuổi). Người dân tại TP. Thủ Đức không còn xa lạ với hình ảnh người phụ nữ đeo chiếc túi cứu thương rong ruổi trên những cung đường để hỗ trợ người gặp tai nạn giao thông. Sự năng nổ, xông xáo của chị đã truyền cảm hứng cho nhiều người.
Công việc của cả nhóm vào ban đêm là chính, nhưng riêng với Nguyễn Hoàng Kim Ngân, người mang số điện thoại đường dây nóng, thì bất cứ lúc nào trong ngày, hễ có cuộc gọi tới, là chị sẽ nhanh chóng đến khu vực gặp nạn, tiến hành sơ cứu tạm thời ngay. Cuộc gọi vào 2 giờ sáng cũng chẳng nề hà, Đội 911 luôn áp dụng 3 nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ các nạn nhân gồm: nhanh chóng tiếp cận, kịp thời xử lý và giảm thiểu ảnh hưởng sau va chạm giao thông
Chị Kim Ngân chia sẻ: “Tai nạn giao thông thì không ai có thể nói trước điều gì. Đó là lý do có những ngày đội đi trực xuyên đêm trên nhiều tuyến đường từ 3-6 giờ sáng”.
Thành viên Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 dù phải lo mưu sinh hàng ngày, nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn bất kể ngày đêm. Họ luôn giữ trái tim nóng yêu thương đồng loại.
Tôi đã chứng kiến, đúng 23 giờ đêm một ngày cuối tháng 3/2023, sau thời gian túc trực đường dây nóng trên đại lộ Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức), các thành viên Đội 911 tiến hành đi tuần tra trên nhiều tuyến đường ở khu vực Thủ Đức và các tuyến đường giáp ranh như: tuyến Phạm Văn Đồng, Hàng Xanh, Bình Triệu, Rạch Chiếc - cầu Đồng Nai, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM - cầu vượt Bình Phước… Vừa chạy xe, họ vừa quan sát, giúp đỡ những trường hợp cần thiết, không chỉ giúp người bị tai nạn, mà cả những trường hợp như xe hết xăng hay thủng săm...
Gần 1 giờ sáng, trên Quốc lộ 52, khu vực cầu Rạch Chiếc, 2 bạn trẻ đi xe máy bị ngã gãy xương, người dân phát hiện đã gọi điện cho Đội 911. Ngay lập tức, các thành viên trong Đội lên xe di chuyển đến địa điểm cần hỗ trợ.
Vừa đến nơi, Lâm Hoàng Khánh Duy (thành viên trong Đội) vội vã chuẩn bị đồ nghề như băng gạc cá nhân, thuốc sát trùng, keo dán… sau đó Kim Ngân tiến hành sơ cứu bằng cách cầm máu tại chỗ, chèn nẹp khung xương. Cũng trong lúc đó, một thành viên khác là Nguyễn Phương Chiến soi đèn, giữ ổn định xung quanh nạn nhân để hoạt động cấp cứu diễn ra an toàn.
Mỗi thành viên đã quen với công việc sơ cứu cơ bản cho người bị nạn như: xử lý vết thương hở, cố định khung xương, băng bó… nên khi tiếp xúc với từng trường hợp khác nhau, họ luôn xử lý nhanh chóng và đưa nạn nhân đến bệnh viện bằng xe máy nếu va chạm nhẹ, hoặc cố gắng giữ ổn định nạn nhân để chờ xe cứu thương trong trường hợp nặng.
Không chỉ hỗ trợ và giúp đỡ nạn nhân người Việt, Đội 911 nhiều lần giúp đỡ công dân nước ngoài khi đi du lịch hay làm việc tại TP.HCM, lỡ bị tai nạn giao thông.
Biết bao người được hỗ trợ khi gặp nạn, giành giật được sự sống kịp thời, nhưng đôi khi, với những ca nặng, người gặp nạn không qua khỏi, Kim Ngân và Đội 911 cố gắng tìm kiếm người thân, hỗ trợ mai táng đối với trường hợp quá khó khăn.
“Cũng có lần, chỉ cách nhau 4 giờ đồng hồ, nhưng 2 nạn nhân đã tử vong trên tay các thành viên Đội 911. Dù không làm gì có lỗi, nhưng tâm trạng chúng tôi rất buồn, hụt hẫng đến khó tả. Nén nỗi buồn, Đội 911 vẫn cố gắng tìm người thân cho các nạn nhân. Đây là hoạt động hỗ trợ cuối cùng mà Đội giúp đỡ nạn nhân”, Kim Ngân chia sẻ.
Không muốn mọi người phải mất mát như tôi
Lý giải sự hình thành Đội 911, Nguyễn Hoàng Kim Ngân cho biết, hơn 7 năm trước, chị từng đau khổ khi chứng kiến chị ruột của mình qua đời sau khi bị tai nạn giao thông mà không được hỗ trợ kịp thời. “Từ lúc đó, tôi đã xin tham gia vào đội nhóm tình nguyện ở tỉnh Đồng Nai, với mong muốn bản thân có thể hỗ trợ được nhiều người dân khi gặp nạn trên đường, để không phải chứng kiến thêm câu chuyện đau lòng như chị gái mình”, Kim Ngân ngậm ngùi.
Tuy nhiên, vì phạm vi hoạt động quá rộng và chưa đủ tập trung vào cứu nạn giao thông như mong muốn nên Ngân quyết định dừng lại. Cũng trong thời điểm đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai, Kim Ngân lên ý tưởng thành lập một đội tình nguyện chuyên cứu nạn giao thông miễn phí, hoạt động ở địa bàn hẹp hơn là TP. Thủ Đức.
Dựa trên những kinh nghiệm học hỏi được ở nhiều đội nhóm khác, năm 2017, Nguyễn Hoàng Kim Ngân chính thức thành lập Đội 911, với tâm nguyện giúp đỡ người đi đường gặp tai nạn hoàn toàn miễn phí ở khu vực TP. Thủ Đức.
Lý giải ý nghĩa của tên gọi Đội 911, Kim Ngân chia sẻ: “Tôi mong muốn mọi người sẽ quen với việc gọi tên cho các hoạt động của nhóm là cấp cứu, bởi 911 chuyên hỗ trợ, sơ cứu và cấp cứu cho bà con gặp tai nạn giao thông”.
Mỗi đội nhóm tình nguyện đều có những quy định, nguyên tắc hoạt động riêng, Đội 911 cũng không ngoại lệ. Ngoài những quy định chung, cô gái trẻ Nguyễn Hoàng Kim Ngân đặt thêm nguyên tắc cho mình là sau 24 giờ sẽ hạn chế liên lạc thêm các thành viên khác trong công tác cứu nạn, bởi mỗi thành viên cần có thời gian nghỉ ngơi để mưu sinh cho ngày hôm sau. Nhưng với chị thì bất kể giờ giấc nào.
Thời điểm mới thành lập, Đội 911 gặp vô vàn khó khăn. Người dân trong khu vực chưa biết đến Đội, nên khi tiếp xúc để hỗ trợ thì điều mà các thành viên Đội 911 nhận lại là sự nghi ngờ. Trong khi đó, nhiều ca tai nạn giao thông do người dân say xỉn, nên các thành viên Đội 911 từng bị hành hung 4 lần. Những lúc như vậy, Ngân cảm thấy thất vọng vô cùng và tự hỏi, tại sao đi cứu nạn với mong muốn giúp ích cho người, nhưng lại không được đón nhận.
Vượt qua tất cả, Ngân thấy rằng những trường hợp như vậy chỉ là thiểu số, chị và các thành viên vẫn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt tình. Sau mấy năm hoạt động, Đội 911 đã hỗ trợ nhiều trường hợp bị nạn kịp thời, tìm kiếm người thân cho nạn nhân đang nằm trên giường bệnh, hay giúp đỡ các ca có hoàn cảnh khó khăn. Công lao của Đội 911 đã được ghi nhận. Câu nói “Đội 911 đến rồi” của người dân là câu mà Ngân và các thành viên hạnh phúc nhất mỗi khi nghe.
“Khi nghe câu nói này, tôi thấy rằng mình và Đội 911 đã được xã hội nhìn nhận. Phần hồi đáp của người dân là nguồn sức mạnh tinh thần giúp Đội vượt qua khó khăn trên hành trình hoạt động tình nguyện”, Ngân xúc động nói.
Nhờ hoạt động tích cực, tham gia vào công tác tình nguyện và góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đầu tháng 12/2022, Đội 911 đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM trao Bằng khen cho những đóng góp trong công tác xã hội và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2022.
Mỗi thành viên là một mảnh ghép
Các thành viên trong Đội 911 không phải là những người dư dả về kinh tế, họ chỉ là công nhân, bảo vệ, sinh viên, nhân viên văn phòng... nhưng luôn giàu lòng nghĩa hiệp. Dù hàng ngày vẫn phải lo mưu sinh, nhưng vẫn tình nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
“Mỗi người một công việc mưu sinh, nhưng luôn có sự nghiêm túc, chân thành và trái tim nóng để giúp đỡ bà con”, Kim Ngân chia sẻ.
Thật vậy, như trường hợp của tình nguyện viên Nguyễn Thị Thanh Thảo (sinh năm 2002), dù đang là sinh viên năm thứ 3, nhưng khi trong đêm có trường hợp tai nạn giao thông, Thảo vẫn xông xáo cùng các thành viên trong Đội để cứu nạn.
Ngoài ra, Đội 911 còn có nhiều gương mặt trẻ nhiệt huyết khác như bạn Thiều Huyền Trang, sinh năm 2001 (ngụ tại tỉnh Đồng Nai), đã tham gia từ năm 17 tuổi. Mỗi ngày Huyền Trang lựa chọn di chuyển giữa TP.HCM và Đồng Nai để tình nguyện cứu hộ dù bị gia đình ngăn cản vì nhiều lần về muộn và tuyến đường thưa người. Hiện nay, Huyền Trang đang theo học 1 trường đại học tại TP.HCM và hoạt động cứu hộ được gần 6 năm.
Còn có Nguyễn Phương Chiến (sinh năm 1997) với cơ duyên tham gia khá đặc biệt. Sau nhiều lần chứng kiến sự nhiệt huyết, hết mình khi Đội 911 hỗ trợ cứu nạn giao thông, Chiến đăng ký tham gia từ năm 2019 và trở thành mảnh ghép không thể thiếu của Đội.
Hiện tại, Đội 911 có 8 thành viên, nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003 và lớn tuổi nhất sinh năm 1991. Mỗi thành viên đều nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động thiện nguyện. Từng có trường hợp Đội 911 hỗ trợ cho một nạn nhân, nhưng không biết người này nhiễm HIV. Sau đó, Kim Ngân đã lên quy trình chuẩn hóa khi thực hiện cứu nạn để tăng mức độ chuyên nghiệp và giữ sự an toàn cho mỗi thành viên, đặc biệt là thành viên mới.
Đến nay, thông tin về Đội 911 được biết đến rộng rãi hơn. Không ít người dân sau khi được hỗ trợ đã tìm đến Đội 911 để cảm ơn. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn với các thành viên của Đội.
Khi được hỏi, Đội 911 đã hỗ trợ được bao nhiêu trường hợp, Kim Ngân cho biết, không có con số thống kê cụ thể, nhưng những trường hợp Đội 911 giúp đỡ đã lên tới cả ngàn. Trong đó, có những ca như hỗ trợ tìm kiếm người thân khi nạn nhân không qua khỏi, sơ cứu, cấp cứu, hỗ trợ áo quan và đôi khi là giúp người dân sửa xe về đêm…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nu-hiep-si-xuyen-dem-cuu-nguoi-mien-phi-d188860.html