Nữ hiệu trưởng chia sẻ sự thật về bạo lực học đường
Những chia sẻ của cô Vương đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Năm 2019, bộ phim điện ảnh "Em của thời niên thiếu" (Better days) do Trung Quốc sản xuất gây sốt toàn châu Á và thu về nhiều giải thưởng. Nội dung phim xoay quanh 2 nhân vật chính, Bắc Dã (nam diễn viên Dịch Dương Thiên Tỉ đóng) và Trần Niệm (nữ diễn viên Châu Đông Vũ đóng).
Nếu Bắc Á là "dân anh chị", sinh ra trong một gia đình phức tạp thì Trần Niệm là một nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc nhưng lại trầm tính và hay bị bắt nạt. Mục tiêu của Trần Niệm là học thật tốt để thi vào đại học và rời khỏi chốn cũ.
Bộ phim đã khiến nhiều người phải sững sờ khi xem vì phản ánh chân thật tình trạng bạo lực học đường. Các bậc phụ huynh Trung Quốc lập tức phải chú ý lại mối quan hệ bạn bè của con ở trường học. Họ sợ con trở thành mục tiêu của các thế lực xấu trong trường, hoặc chính con họ có thể là một kẻ bắt nạt. Tuy nhiên, điều mà phụ huynh không biết, đó là nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường không phải ở học sinh, mà chính là ở... giáo viên và nhà trường.
Chính một nữ hiệu trưởng đã về hưu ở Trung Quốc đã lên tiếng chia sẻ về điều này. Có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành giáo dục và rất yêu giáo dục, cô Vương cũng mới chỉ nghỉ hưu cách đây vài năm.
Nói đến bạo lực học đường, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng đó là mâu thuẫn giữa những đứa trẻ với nhau. Khi mâu thuẫn xảy ra thì hai bên phân định trách nhiệm chủ yếu là người gây ra và người bị hại. Còn nhà trường và giáo viên hầu như chỉ đóng vai trò hòa giải.
Tuy nhiên cô Vương không đồng tình với quan điểm này. Với tư cách là một giáo viên chủ nhiệm, sau đó là một Hiệu trưởng, cô Vương đã chứng kiến quá nhiều vụ việc bạo lực học đường và có thể hiểu sâu sắc rằng: Sự thiếu hành động của giáo viên chính là căn nguyên dẫn đến bạo lực học đường. Thực tế phũ phàng như vậy!
Thái độ của giáo viên quyết định thái độ của học sinh
Cô Vương kể lại, khi mới đi dạy học, cô đã chứng kiến cảnh một học sinh bị bạn bè cô lập vì thái độ không tốt của thầy Hiệu trưởng. Khi đó, cô Vương đã đi nói chuyện với thầy Hiệu trưởng, góp ý thầy không nên đối xử phân biệt với học sinh. Bởi vì các em còn nhỏ, chưa biết gì nên hầu hết các em sẽ đối xử với bạn bè dựa theo thái độ của giáo viên.
"Tôi đã nghĩ rằng Hiệu trưởng sẽ lắng nghe ý kiến của mình, nhưng câu trả lời tôi nhận được là "hãy lo việc của cô đi", cô Vương nhớ lại. Sự việc này khiến cô Vương rất tức giận, không hiểu sao người đứng đầu trường học lại thiếu đạo đức nhà giáo như vậy.
Đoán chừng, đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh. Sự thật rất đơn giản, giáo viên cũng là con người, và con người có mặt ích kỷ. Cô giáo Vương coi công việc dạy học như một giấc mơ, nhưng không có nghĩa tất cả các giáo viên đều sẽ như vậy.
Sự không hành động của giáo viên dẫn đến bạo lực leo thang
Cô Vương cho biết, sau khi cô trở thành hiệu trưởng, bạo lực học đường đã giảm đi rất nhiều. Bởi vì mỗi khi xảy ra chuyện tương tự, cô Vương sẽ không ngần ngại đứng ra xử lý nó từ trong trứng nước. Thật đáng tiếc, không phải giáo viên nào cũng như cô Vương. Không ít giáo viên chọn cách... không làm gì cả và chỉ xuất hiện khi mà bạo lực đã leo thang.
Chính vì vậy, cô Vương muốn nhắn nhủ đến tất cả các bậc phụ huynh khi con em mình bị bạo lực học đường thì phải quy trách nhiệm cho nhà trường, để gián tiếp kêu gọi toàn thể giáo viên cùng tham gia chống bạo lực học đường. Điều này sẽ khiến những kẻ bắt nạt phải dừng lại.
Đương nhiên, việc chọn trường cũng rất quan trọng. Cô Vương nhắn nhủ phụ huynh nên chọn cho con một ngôi trường có tinh thần học đường thực sự tốt.