Nữ hiệu trưởng trường khuyết tật và bước ngoặt đến với ngành Giáo dục đặc biệt

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trân - Hiệu trưởng Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh đã có 21 năm giảng dạy và đồng hành cùng những học sinh đặc biệt.

Cô Trân sinh năm 1981, quê ở tỉnh Tây Ninh, tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2003, cô Trân chính thức giảng dạy ở Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh, nhận phụ trách lớp trẻ khiếm thị.

Cơ duyên gắn bó với trẻ đặc biệt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trân chia sẻ: “Trước đây khi còn là học sinh, tôi có mong muốn được trở thành giáo viên dạy môn Sinh học. Tuy nhiên, tại thời điểm bấy giờ, khi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười về địa phương chỉ đạo xây dựng trường học dành cho trẻ khuyết tật, tôi đã quyết định chuyển hướng theo đuổi sự nghiệp giáo dục đặc biệt”.

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trân - Hiệu trưởng Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trân - Hiệu trưởng Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: NVCC)

Theo cô Trân, thời gian đầu mới về trường, cô còn bỡ ngỡ và lo lắng vì chuyên ngành từng học là khiếm thính, nhưng được phân công phụ trách lớp khiếm thị. Tuy nhiên, sau một thời gian làm quen và thích nghi được môi trường làm việc, cô nhận thức được người đứng lớp phải hiểu biết và có khả năng dạy cho trẻ ở tất cả dạng khuyết tật.

“Do vậy, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian để nghiên cứu chữ Braille và toán Soroban. Trong đó, chữ Braille là hệ thống chữ nổi được đa số người khiếm thị sử dụng. Còn toán Soroban là một phương pháp tính nhẩm.

Hơn nữa, vào thời điểm đó, cơ sở vật chất của nhà trường gặp nhiều khó khăn, các phương tiện hỗ trợ giảng dạy cho trẻ khuyết tật vẫn thiếu thốn. Đặc biệt, sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực giáo dục đặc biệt còn rất hạn chế. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, mọi đứa trẻ, dù gặp bất kỳ khuyết tật nào, đều xứng đáng có cơ hội học tập và phát triển”, cô Trân chia sẻ.

“Hiện nhà trường có 15 lớp học với tổng 150 học sinh, đa số là 15-16 tuổi, chia thành 3 đối tượng, bao gồm: khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển. Đội ngũ giáo viên gồm khoảng 20 người, chưa bao gồm ban giám hiệu và nhân viên nhà trường. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo được điều chỉnh riêng để phù hợp với các dạng khuyết tật, tuy nhiên nhà trường vẫn bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo cung cấp lượng kiến thức dễ hiểu, cơ bản cho học sinh”, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh thông tin.

Linh hoạt phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng học sinh

Trong hơn 20 năm qua, cô Trân không chỉ giữ vai trò là một giáo viên mà còn là người bạn lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của học sinh.

Cô Trân tâm sự, nhiều học sinh đến trường trong tình trạng e dè, tự ti vì sự khác biệt của bản thân. Do đó, giáo viên không thể áp dụng phương pháp dạy cho học sinh bình thường để truyền tải cho các em khuyết tật. Đối với mỗi học sinh ở từng dạng khiếm khuyết cụ thể, thầy cô sẽ có phương pháp truyền đạt kiến thức khác nhau. Mục đích cuối cùng của nhà trường là giúp các em có thể hiểu bài, thực hành để nắm chắc kiến thức cơ bản.

 Cô Trân đã có 21 năm gắn bó với Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh, từ vai trò là giáo viên lớp khiếm thị đến cấp quản lý. (Ảnh: NVCC)

Cô Trân đã có 21 năm gắn bó với Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh, từ vai trò là giáo viên lớp khiếm thị đến cấp quản lý. (Ảnh: NVCC)

“Trong hành trình giảng dạy, tôi đã từng dạy những học sinh lớn tuổi hơn mình tại thời điểm mới ra trường, nhưng tôi không để điều đó trở thành rào cản.

Thay vào đó, tôi luôn điều chỉnh linh hoạt phương pháp giảng dạy để phù hợp với nhận thức của từng bạn. Trong giờ học, tôi thường cho các em tương tác với đa dạng dụng cụ hỗ trợ, giúp các em dễ hình dung hơn.

Cụ thể, đối với lớp khiếm thính, tôi thường sử dụng những hình ảnh đa sắc màu, sinh động để kích thích và hỗ trợ quá trình tiếp nhận thông tin. Còn với lớp khiếm thị, tôi chuyển trọng tâm sang các yếu tố âm thanh, tạo nên những trải nghiệm học tập phong phú qua âm thanh. Bên cạnh đó, tôi thường xen kẽ các buổi học về kỹ năng tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân để giúp các bạn ở lớp chậm phát triển có thể rèn luyện thói quen cơ bản như đánh răng, rửa mặt, tắm gội…

Khi có học sinh gặp khó khăn, tôi sẽ đến từng bàn học để cầm tay hướng dẫn từng bước, giải thích cho đến khi các em hiểu bài”, cô Trân nhớ lại.

Không chỉ dừng lại ở công tác giảng dạy, cô Trân còn tích cực tham gia vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho nhà trường. Nhờ đó, nhiều phòng học đã được nâng cấp, trang thiết bị dạy học được bổ sung, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh. Đặc biệt, cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Không ít lần cô đã tự mình đến thăm gia đình các em, động viên phụ huynh và tìm cách hỗ trợ để các em không phải bỏ học giữa chừng.

“Chính sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng của các em đã trở thành nguồn cảm hứng để tôi mỗi ngày cố gắng nhiều hơn. Với những học sinh đặc biệt, tình yêu thương và sự thấu hiểu chính là chìa khóa mở ra cánh cửa giúp các em tự tin bước ra ‘bóng tối’ và khẳng định giá trị của mình trong xã hội. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã tạo điều kiện làm việc cho các em khuyết tật. Do đó, các em hoàn toàn có thể tự lao động và nuôi sống bản thân.

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa từng có suy nghĩ hối hận vì đã theo đuổi ngành giáo dục đặc biệt”, cô Trân chia sẻ.

 Cô Trân tâm niệm, muốn trở thành một người thầy giỏi, trước hết làm tốt vai trò là người bạn đối với học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Cô Trân tâm niệm, muốn trở thành một người thầy giỏi, trước hết làm tốt vai trò là người bạn đối với học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về thành tích trong quá trình công tác, cô Trân cho biết, cô đã tổ chức cho giáo viên tích cực tham gia các Hội thi, các chuyên đề chuyên môn “Hội thi làm sách hình minh họa nổi cho học sinh khiếm thị năm 2018” do Thư viện khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và đạt giải Nhì. Năm 2019, cô đã phối hợp cùng dự án Vì cộng đồng “Tuổi thơ em - Tương lai em” thực hiện chương trình giáo dục giới tính cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, cô cũng tổ chức chỉ đạo nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Đồng thời, cô đã hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm qua báo cáo tham luận Hội thảo khoa học về ngôn ngữ ký hiệu tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

"Tôi còn tham gia làm trợ giảng cho các khóa tập huấn về can thiệp ngôn ngữ cho trẻ khuyết tật, hỗ trợ công tác đánh giá tiến bộ trẻ khuyết tật tại các trường mầm non trong huyện Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu do dự án DISTIS tổ chức. Đây là dự án Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật do USAID tài trợ đã đến với các em nhỏ khuyết tật tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai, bắt đầu thực hiện từ năm 2015.

Ngoài ra, tôi cũng hỗ trợ giáo viên và phụ huynh tham gia các hoạt động thực hiện can thiệp trẻ khuyết tật. Trong đó, tôi đã tập huấn cho giáo viên và bổ sung một số đồ dùng, thiết bị phục vụ hoạt động đánh giá và can thiệp trẻ tại trường từ nguồn kinh phí của dự án DISTINCT", Hiệu trưởng Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh chia sẻ.

Một số danh hiệu thi đua, khen thưởng của Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trân đạt được trong quá trình công tác:

Nhận 2 Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh năm 2021.

Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2021-2022.

Nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu năm 2024”.

Có 1 sáng kiến “Biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh tại trường khuyết tật tỉnh Tây Ninh” được Hội đồng sáng kiến tỉnh công nhận năm 2024.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nu-hieu-truong-truong-khuyet-tat-va-buoc-ngoat-den-voi-nganh-giao-duc-dac-biet-post248097.gd