'Nụ hôn' - Bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến II
'Nụ hôn' đã trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến II, biểu tượng của thế kỷ.
"Ngày VJ ở Quảng trường Thời Đại" là một trong những bức ảnh nổi tiếng, được chụp vào ngày 14/8/1945, ghi lại khoảnh khắc một cô gái trẻ trong bộ đồng phục y tá, bị một thủy thủ ôm ghì và hôn tại Quảng trường Thời Đại (New York).
Bức ảnh được đăng một tuần sau đó trên tạp chí Life rồi lan truyền đi khắp thế giới và nhanh chóng trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến II, biểu tượng của thế kỷ, đồng thời, được nhiều người biết đến với cái tên đơn giản là “Nụ hôn”.
Nụ hôn của hai người được trao vào thời điểm rất đông thanh niên đã đổ xuống đường ăn mừng sau khi được tin Nhật Bản đầu hàng - ngày chiến thắng quân Nhật (ngày VJ) và đánh dấu Thế chiến II kết thúc, được nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt dùng chiếc máy ảnh Leica với ống kính 35mm ghi lại, để rồi nụ hôn nồng cháy trong giờ phút chiến thắng đó được gọi là nụ hôn đẹp nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Khuôn mặt của chàng thủy thủ và nữ y tá đều bị che khuất, Eisenstaedt cũng không hề hỏi tên họ nên mãi 7 thập kỷ sau, danh tính của hai nhân vật chính trong ảnh cũng như thời điểm bấm máy chính xác vẫn còn là một bí ẩn, gây nhiều tranh cãi, nhiều người đã tự nhận mình là người trong ảnh.
Năm 2012, trong cuốn sách có nhan đề “Nụ hôn thủy thủ: Bí ẩn đằng sau bức ảnh đánh dấu kết thúc Thế chiến II”, hai tác giả Lawrence Verria và George Galdorisi khẳng định họ đã xác minh được các chi tiết chứng minh Greta Friedman chính là "nữ y tá" và George Mendonsa và thủy thủ trong bức ảnh nổi tiếng trên. Nàng chỉ mới 21 tuổi, làm việc tại một phòng khám nha khoa và vào thời điểm bức ảnh được chụp, cô đang trong giờ nghỉ trưa. Chàng là một lính thủy, người lúc đó đang trong kỳ nghỉ phép sau hai năm phục vụ cho Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Nhiều người ngạc nhiên rằng họ không phải người yêu cũng không phải là vợ chồng sau này. Hôm đẹp trời đó, George đã cùng với bạn gái Rita uống rượu khi hàng nghìn người đổ xô đến Quảng trường Thời Đại để ăn mừng. Rita Petry chính là vợ của George sau này; sau khi hai người rời khỏi quán bar, Rita đã rất sửng sốt khi bạn trai mình chạy lại hôn một cô gái lạ. George nhớ lại: "Tôi thấy cô y tá này xuất hiện. Chiến tranh đã kết thúc. Hứng khởi trước tin tức này cộng với men say nên khi thấy cô y tá, tôi đã ôm choàng lấy cô".
Tuy nhiên, cả George, Greta và Rita, không hay biết rằng mình đã bị chụp trộm vào thời điểm đó. Trong một cuốn sách phát hành năm 1985, nhiếp ảnh gia Eisenstaedt giải thích rằng màu trắng sáng của bộ đồng phục y tá của Greta Friedman tương phản với màu áo sẫm của anh lính thủy là điều thôi thúc ông chụp bức ảnh. "Nếu cô ấy mặc trang phục màu sẫm, tôi chắc chắn sẽ không chụp bức ảnh này", Eisenstaedt khẳng định.
Một điều thú vị là vào thời điểm nụ hôn được trao, không chỉ có mình nhiếp ảnh gia Eisenstaedt mà còn một người khác cũng đã ghi lại được khoảnh khắc "có một không hai" đó, nhưng từ một góc khác - bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Victor Jorgensen và được đăng trên tờ New York Times.
Sau hơn nửa thế kỷ chung sống, khi được hỏi về nụ hôn của chồng mình với cô gái lạ ngay trước mắt, Rita nói rằng, bà chưa bao giờ giận chồng mình. Tuy nhiên, bà cũng cho biết chưa bao giờ George hôn bà như vậy trong những năm hai người chung sống. Hai vợ chồng đã sống chung với nhau hạnh phúc trên đảo Rhodes.
Người đẹp được chàng thủy thủ hải quân Mỹ ôm hôn trong bức hình nổi tiếng cho biết khoảnh khắc đó không hề lãng mạn. “Nó không giống như một nụ hôn. Nó giống một hành động hân hoan vì anh ấy sẽ không phải quay trở lại Thái Bình Dương. Lý do anh ấy ôm chầm lấy người mặc đồ y tá là vì anh ấy biết ơn những y tá chăm sóc cho quân nhân bị thương". "Người đàn ông đó rất mạnh mẽ. Tôi không hôn ông ta, chính ông ta đã hôn tôi", Greta hồi tưởng và giải thích. Bà chia sẻ, bà đã có nhiều dịp gặp gỡ Mendonsa và vợ ông, hai người đã có một tình bạn rất thân thiết.
Friedman (tên thời con gái là Greta Zimmer) sinh năm 1924 tại thành phố Wiener Neustadt, Áo. Khi Thế chiến II sắp nổ ra, cha mẹ của Friedman đã gửi cô đến Mỹ. Ông bà Zimmer được cho là đã chết trong cuộc diệt chủng của Đức quốc xã. Friedman đến thành phố New York vào năm 1956 và kết hôn với Mischa Friedman - một nhà khoa học làm việc cho lục quân Mỹ. Sau đó, gia đình bà dọn đến sống ở bang Maryland.
Từng học ở Viện Công nghệ Thời trang New York nên bà thiết kế áo quần búp bê cho ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em. Năm 1981, bà lấy bằng nghệ thuật ở Đại học Hood ở Frederick, bang Maryland. Bà cũng vẽ tranh và làm công việc khôi phục sách. Người phụ nữ biểu tượng của Thế chiến II này qua đời ở tuổi 92.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều về bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến II này, mà đình đám nhất là từ phong trào Metoo. Họ cho rằng đây là một hành động quấy rối tình dục, khi Mendonsa “vồ lấy” nữ y tá để hôn mà không nhận được sự đồng ý từ “đối tác”.... Thậm chí, bức tượng có tên gọi “Đầu hàng vô điều kiện” phỏng theo nguyên tác kỉ niệm khoảnh khắc để đời này tại thành phố Sarasota (Mỹ) còn bị xịt sơn bôi bẩn.
Tuy vậy, cũng xuất hiện những ý kiến bênh vực hành động của chàng lính thủy - tấn công tình dục là hành động khó chấp nhận, nhưng không chắc tình huống trong bức ảnh này thuộc trường hợp đó. Có thể đảm bảo người đàn ông đáng thương vừa bước ra khỏi chiến trường không nghĩ đến việc tấn công tình dục một phụ nữ, khi anh ta biết thế chiến II vừa kết thúc. Chính con trai của nữ y tá Friedman cho rằng, mẹ ông không hề nhìn nhận nụ hôn này tiêu cực theo cách mà một số cư dân mạng vẫn nghĩ. Dù sao thì đó cũng là nụ hôn đẹp nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ..../.