Nữ kiểm lâm hết lòng vì công việc

Hơn 25 năm qua, chị Vi Thị Phương, cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) luôn được đồng nghiệp tin tưởng, nhân dân yêu mến vì hết lòng với công việc được giao.

Chị Vi Thị Phương (trái) tuyên truyền, hướng dẫn bà con bảo vệ động vật hoang dã thông qua tờ rơi.

Chị Vi Thị Phương (trái) tuyên truyền, hướng dẫn bà con bảo vệ động vật hoang dã thông qua tờ rơi.

NDĐT - Hơn 25 năm qua, chị Vi Thị Phương, cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) luôn được đồng nghiệp tin tưởng, nhân dân yêu mến vì hết lòng với công việc được giao.

Là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng hơn 72%, cao nhất cả nước, có một vườn quốc gia và hai khu bảo tồn thiên nhiên nên vai trò của lực lượng kiểm lâm ở Bắc Kạn rất quan trọng. Trong lực lượng này, kiểm lâm viên là nữ cũng có khá nhiều, nhưng nữ kiểm lâm “cắm” ở trạm xa xôi, trực tiếp đi tuần rừng thì chỉ có duy nhất chị Vi Thị Phương.

Chúng tôi đến Trạm kiểm lâm Nà Mằm (Vườn quốc gia Ba Bể) cùng chị Phương đi một chuyến xuống bản. Từ đầu cho tới cuối thôn, ai gặp cũng vui vẻ hỏi thăm chị Phương. Nhiều người cung cấp thông tin về tình hình tuần rừng, bảo vệ rừng. Đến từng nhà, chị Phương phát tờ rơi, tranh tuyên truyền, quạt cầm tay in hình tuyên truyền về bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời diễn giải, hướng dẫn bà con hiểu, làm theo. Bà Phùng Thị Thom, thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh (Ba Bể) cho biết, tuần nào chị Phương cũng xuống thôn với bà con thăm nắm tình hình, hướng dẫn bảo vệ rừng và cách trồng cây rau bò khai phát triển kinh tế.

Trưởng thôn Nà Mằm Hà Văn Trung cho biết, chị Phương thường xuyên tham gia cùng tổ tuần rừng của thôn tuần rừng bốn lần/tháng. Nhờ sự tích cực của chị nên người dân trong thôn không còn phá rừng trái phép, công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc, góp phần giữ mầu xanh cho Vườn quốc gia Ba Bể.

Là người con dân tộc Tày của tỉnh Cao Bằng, học xong Trung cấp lâm nghiệp, chị Phương về công tác tại lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Ba Bể. Trong 15 năm đầu, chị chủ yếu công tác tại trụ sở chính. Nhưng vì tình yêu với rừng, chị đã quyết định về công tác tại Trạm Kiểm lâm Đồng Phúc, xã Đồng Phúc (Ba Bể).

Kiểm lâm viên “cắm” trạm ở bản rất vất vả vì phải thăm nắm tình hình thật chắc, thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân giữ rừng. Hằng tuần, phải tham gia cùng tổ tuần rừng các thôn tuần rừng. Mỗi chuyến đi tuần từ 6 giờ sáng thì phải đến ba, bốn giờ chiều mới quay về đến trạm. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị Phương đều tham gia đầy đủ việc tuần rừng. Đặc trưng của rừng Vườn quốc gia Ba Bể trên núi đá vôi nên rất cao, dốc đứng, nhiều đá tai mèo… Những lần đi, việc bị ngã, dây gai cào xước tay chân, tay đau nhức vì chạm vào lá han (một loại cây có nhiều trong rừng nghiến, lá chứa nhiều gai độc nhỏ li ti, chạm vào sẽ gây đau nhức thời gian dài)… là chuyện bình thường. Kết thúc ngày làm, chị lại vội vã chạy về lo cho hai con nhỏ.

Khi được hỏi vì sao lại gắn bó với một công việc quá vất vả với phụ nữ như vậy, chị Phương cho biết, vì yêu rừng, việc đi tuần rừng đã thành quen, không được đi lại thấy nhớ, bức bối lắm. Đến nay, chị Phương đã có hơn 10 năm “cắm” ở hai trạm kiểm lâm, gồm: Đồng Phúc, Quảng Khê, đều là những địa bàn rất xa trung tâm, đường đi lại rất khó khăn. Năm nay, thương chị vất vả, lãnh đạo đơn vị điều động chị về Trạm Nà Mằm để gần nhà hơn.

Trạm trưởng kiểm lâm Nà Mằm Đồng Minh Thắng cho biết, ở Bắc Kạn, nữ kiểm lâm như chị Phương là rất hiếm. Chị Phương luôn nhiệt tình, hết lòng vì công việc nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Những địa bàn chị từng phụ trách chưa xảy ra một vụ phá rừng nghiêm trọng nào.

Khi chia tay, chị Phương cho biết, còn sức khỏe, chị vẫn sẽ tiếp tục làm công việc tuần rừng. Tin rằng, với những kiểm lâm viên hết lòng vì công việc như chị Phương, Vườn quốc gia Ba Bể sẽ được bảo vệ, mãi mãi xanh tươi.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43714002-nu-kiem-lam-het-long-vi-cong-viec.html