Nữ Kiểm sát viên, tấm gương trong rèn luyện và phấn đấu

VKSND tỉnh Yên Bái, đơn vị nhiều năm lập thành tích xuất sắc. Những thành tích xuất sắc ấy gắn liền với những cố gắng của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên dày dạn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, tận tụy với công việc, yêu nghề, luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp. Trong đội ngũ tiêu biểu ấy, có chị Phạm Thị Nguyệt, Kiểm sát viên, Phó Trưởng phòng Kiểm sát các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Nữ Kiểm sát viên trưởng thành qua nhiều thử thách

Gặp chị, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng bởi vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, đặc biệt là đôi mắt trong trẻo, nụ cười tươi. Thế nhưng, ẩn sau vẻ bề ngoài đằm thắm, nhã nhặn ấy là một tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh, luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua chính mình.

Câu truyền khẩu từ xưa “cọp Bảo Hà, ma Trái Hút” nói đến một vùng quê nghèo, xa xôi của tỉnh Yên Bái là nơi chị sinh ra và lớn lên. Sau khi học xong trung học phổ thông, chị được tuyển vào công tác tại VKSND tỉnh Yên Bái. Nơi đây cũng là cái nôi để chị được tiếp tục học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Đã 28 năm gắn bó với ngành Kiểm sát, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, song ở bất kỳ nhiệm vụ nào, chị cũng tận tụy, vượt qua mọi hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chị Phạm Thị Nguyệt vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ IX năm 2015.

Chị Phạm Thị Nguyệt vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ IX năm 2015.

Năm 2001, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng thời được bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp; năm 2010, được bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp. Tháng 1/2012, chị được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng, đến tháng 4/2012, khi Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (TKTP&CNTT), VKSND tỉnh Yên Bái được thành lập, chị được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng.

Tháng 2/2020, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp phòng của VKSND tỉnh, chị đã chủ động, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức về nhận nhiệm vụ tại Văn phòng, sau đó là Phòng Kiểm sát án dân sự, hành chính với chức danh Phó Trưởng phòng. Nói về chị Phạm Thị Nguyệt, lãnh đạo Viện cũng như đồng nghiệp đều chung nhận xét: “Chị là người cán bộ cẩn trọng và trách nhiệm với công việc; luôn thân ái, giúp đỡ, chia sẻ với đồng chí, đồng nghiệp”.

Là người cẩn trọng, trách nhiệm với công việc, khi giải quyết, thực hiện nhiệm vụ gì chị cũng luôn xem xét một cách cụ thể, kỹ lưỡng, cân nhắc tới cả các yếu tố nhỏ nhất. Chị luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân, làm việc miệt mài với tinh thần “hết việc chứ không hết giờ”. Với vai trò là lãnh đạo quản lý phòng, chị luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, sẵn sàng chia sẻ công việc cùng tập thể, đồng nghiệp. Nhiều lúc, công việc dồn dập, cần xử lý nhanh để bảo đảm tiến độ và nội dung, chị không quản ngại làm thêm giờ, làm trong các ngày nghỉ. Gặp những việc khó, chị bàn bạc với đồng nghiệp, phát huy tính dân chủ cũng như trí tuệ tập thể nhằm tìm ra phương án giải quyết hiệu quả, tối ưu nhất. Với anh chị em đồng nghiệp, nhất là những cán bộ trẻ mới vào Ngành, chị luôn có ý thức đào tạo, giúp đỡ, truyền đạt những kinh nghiệm công tác chuyên môn. Trong cuộc sống hàng ngày, chị gần gũi, sẻ chia với đồng nghiệp như một người chị, người bạn.

Nhắc lại ngày mới được bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp và công tác tại VKSND huyện Trấn Yên, chị được lãnh đạo Viện phân công làm công tác kiểm sát án dân sự, hôn nhân gia đình, được giao phối hợp cùng cơ quan Công an huyện giải quyết một số vụ án Cố ý gây thương tích nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, bằng trách nhiệm và sự cảm thông, chia sẻ với người dân, chị tìm hiểu kỹ sự việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đương sự để hòa giải thành công nhiều vụ việc, thấu lý đạt tình, tránh được những vụ kiện dân sự, đồng thời giúp họ giữ được tình cảm làng xóm thuận hòa, yên bình, cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Giờ đây, khi đã là một Kiểm sát viên trung cấp, ở cương vị cao hơn, song tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng vẫn không lúc nào lơi lỏng trong suy nghĩ và hành động của chị, do trong những năm tháng làm công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, chưa có trường hợp nào đề xuất lãnh đạo phê chuẩn khởi tố bị can, bắt giam oan, sai dẫn đến phải đình chỉ vụ án hoặc bị Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Chị Phạm Thị Nguyệt cùng đồng nghiệp trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Chị Phạm Thị Nguyệt cùng đồng nghiệp trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Với những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, chị là nữ Kiểm sát viên vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái, VKSND tối cao với những thành tích trong công tác chuyên môn, phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, năm 2019, chị vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2015 chị là 1/50 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ IX và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc - điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015; đầu năm 2020 chị là 1/125 trí thức tiêu biểu, đại diện cho trên 25 ngàn trí thức của tỉnh Yên Bái được vinh danh. Sự ghi nhận, những phần thưởng cao quý mà chị đạt được đã góp phần vào thành tích chung của tỉnh, của ngành Kiểm sát Yên Bái.

Người sở hữu nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả

Với nhiệm vụ chuyên môn có tính đặc thù, chị đã cùng tập thể phòng đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến sát với thực tiễn được Hội đồng xét duyệt sáng kiến của Ngành công nhận và triển khai thực hiện như: “Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự ở VKSND tỉnh Yên Bái”; “Thực trạng và những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thống kê phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND tỉnh Yên Bái”; “Giải pháp rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp người cán bộ kiểm sát của VKSND tỉnh Yên Bái trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân”; “Ứng dụng phần mềm điều khiển từ xa trong công tác thống kê ngành Kiểm sát Yên Bái”; “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái”; “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong ngành Kiểm sát Yên Bái”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê hình sự liên ngành”; “Nâng cao chất lượng thực hiện phần mềm Quản lý án hình sự trong ngành Kiểm sát Yên Bái”; “Nâng cao chất lượng quản lý án đình chỉ, tạm đình chỉ hình sự của VKSND hai cấp tỉnh Yên Bái”.

Khi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng TKTP&CNTT, với trọng trách mới, nhiệm vụ mới, chị Nguyệt luôn trăn trở cùng đồng nghiệp tìm ra những giải pháp vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đối với chị, đó cũng là sự thử thách để trưởng thành.

Ngoài ra, chị còn cùng đồng nghiệp tham gia biên soạn, phát hành 4 cuốn tài liệu: “Tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Yên Bái” từ năm 2015 đến năm 2018, với các nội dung tổng hợp tình hình vi phạm tội phạm trên địa bàn tỉnh, đánh giá kết quả giải quyết các vụ án hình sự của các cơ quan tố tụng... góp phần làm tốt trong công tác quản lý, chỉ đạo, tham mưu cho chính quyền địa phương về phương án phòng, chống vi phạm, tội phạm trên địa bàn; được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao.

Trong lĩnh vực thống kê, công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền, chị cũng có nhiều giải pháp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho đơn vị.

Không chỉ với vai trò là Trưởng phòng, chị còn là người đứng đầu Chi bộ phòng TKTP&CNTT. Phòng và Chi bộ do chị phụ trách luôn là tập thể đoàn kết, liên tục 7 năm đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó 2 lần được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua khối cùng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp qua các đợt thi đua. Chi bộ hàng năm đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được tuyên dương, vinh danh là một trong những Chi bộ thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin là một trong 3 đơn vị nhận Cờ thi đua dẫn đầu khối năm 2017.

Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin là một trong 3 đơn vị nhận Cờ thi đua dẫn đầu khối năm 2017.

Không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn

Bước vào Ngành không thuận lợi như nhiều đồng nghiệp, chị đã dày công theo học nhiều chương trình, cấp học khác nhau để hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Vừa học vừa làm, tự học, tự làm, biến quá trình tự đào tạo thành đào tạo, năm 2017, chị đã bảo vệ thành công, đón nhận Bằng thạc sỹ chuyên ngành Luật. Không chỉ giỏi trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chị còn được mọi người tặng danh hiệu: “Người có duyên với nhiều giải thưởng”. Với tinh thần ham học hỏi, chị thường xuyên hưởng ứng, tham dự các cuộc thi viết, thi thuyết trình do các Bộ, Ngành trung ương cũng như của tỉnh Yên Bái tổ chức.

Tâm sự về vấn đề này, chị bộc bạch: “Mỗi lần tham dự cuộc thi là thêm một lần mình tự tìm hiểu, nghiên cứu, làm giàu thêm tri thức, thể hiện trách nhiệm của một công dân, một cán bộ, đảng viên”. Không phụ lòng tâm huyết, rất nhiều lần chị được tôn vinh, tuyên dương trên bục danh dự nhận giải thưởng cao như: giải Đặc biệt trong cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức (2004); giải Nhất các cuộc thi “Tìm hiểu về phòng, chống ma túy” (2002), “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam” (2012) do tỉnh Yên Bái tổ chức; giải Nhì các cuộc thi “Bí thư Chi bộ giỏi”(2014), “Tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng” (2018) do Đảng ủy các cơ quan tỉnh tổ chức; giải Nhất cuộc thi tìm hiểu 60 năm truyền thống ngành KSND (2020)...

Tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện

Là người phụ nữ giàu lòng nhân ái, chị đã tích cực hưởng ứng và trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Với uy tín và các mối quan hệ, chị đã huy động được sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ học sinh ở xã Châu Quế Hạ, xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên), xã Tân Hương, Tân Nguyên (huyện Yên Bình); giúp đỡ các hộ gia đình các xã Pá Hu, Pá Lau (huyện Trạm Tấu), xã Phúc An, Phúc Ninh, Ngọc Chấn (huyện Yên Bình) trong phong trào xây dựng nông thôn mới...

Từ năm 2018 đến 2020, chị đã vận động được khoảng 1,3 tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều đồ dùng thiết yếu, giúp đỡ học sinh cũng như nhân dân các địa phương, trong đó có nhiều đơn vị là những xã đặc biệt khó khăn.

Chị Phạm Thị Nguyệt cùng các giáo viên Trường tiểu học Kim Liên (TP Hà Nội) trao quà cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Châu Quế Hạ, Văn Yên.

Chị Phạm Thị Nguyệt cùng các giáo viên Trường tiểu học Kim Liên (TP Hà Nội) trao quà cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Châu Quế Hạ, Văn Yên.

Mặc dù công việc chuyên môn có lúc bộn bề, vất vả, nhất là khoảng thời gian vừa học vừa làm, song chị đã luôn khắc phục khó khăn, thu xếp việc công, việc tư ổn thỏa, làm tròn thiên chức, bổn phận của người con dâu hiền thảo, người vợ, người mẹ đảm đang, là ngọn lửa ấm trong hạnh phúc gia đình.

Là một đồng nghiệp gắn bó với chị Phạm Thị Nguyệt nhiều năm, tôi cảm thấy mình thật may mắn. Bên chị, tôi học hỏi được nhiều điều không chỉ ở kinh nghiệm công tác, đạo đức nghề nghiệp mà còn cả cuộc sống đời thường. Tấm gương của người nữ cán bộ kiểm sát giúp tôi cũng như các đồng nghiệp trẻ ngày một hoàn thiện mình hơn để xứng đáng với 10 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành, xứng đáng là lá chắn bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, là những người cán bộ: “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Đào Thùy Linh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/nhan-to-dien-hinh/nu-kiem-sat-vien-tam-guong-trong-ren-luyen-va-phan-dau-93818.html