Nữ nghệ nhân 8X 'giữ lửa' cho nghề thêu tay truyền thống

Có cơ hội tiếp xúc với nghề thêu thủ công từ nhỏ, nghệ nhân Quản Thị Cúc đã đem lòng yêu nghề, mong ước được truyền lửa cho các thế hệ sau về ngành nghề truyền thống của dân tộc.

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề thêu tay truyền thống Vũ Thư Thái Bình, chị Quản Thị Cúc (ngụ TP. Hà Nội) đã có cơ hội tiếp xúc với những sản phẩm thêu tay khi chỉ mới 9 tuổi. Từ đó, chị Cúc cảm thấy trân quý cái nghề “kén” người theo này và ấp ủ đam mê tìm hiểu, theo đuổi nó.

Nghệ nhân thêu tay thủ công Quản Thị Cúc.

Bài liên quan

Người giữ lửa nghề thêu Quất Động

Chàng trai 9X khởi nghiệp thành công với hơn 7000 cây dâu “hiếm”, giá bán hàng triệu đồng/ký

Bỏ làm kỹ sư công nghệ, chàng trai khởi nghiệp thành công với nghề làm chuông gió “chữa lành”

Bỏ nghề đạo diễn phim hoạt hình, chàng trai 9X khởi nghiệp thành công bằng việc làm tiêu bản xác động vật

Đến năm 2015, gia đình nữ nghệ nhân 8X gặp biến cố khiến cô phải từ bỏ công việc ổn định. Lúc này, nghề thêu như một “mối duyên”, chị Cúc đã quyết định theo đuổi nghề để xây dựng hình ảnh riêng, một lối đi khác biệt cho bản thân. Bên cạnh đó, nghề thêu tay là một nghề truyền thống nhưng khá ít người trẻ có cơ hội tiếp xúc với nghề. Vì thế, chị Cúc luôn trăn trở làm sao để gìn giữ những giá trị truyền thống, giúp nó cạnh tranh với những sản phẩm khác trên thị trường.

Để sản phẩm của mình trở nên độc đáo, nữ nghệ nhân hằng ngày tìm tòi, nghiên cứu, nảy ra ý tưởng thêu 3D hình dáng bông hoa, côn trùng,...

Sản phẩm thêu hoa 3D độc đáo.

Thời gian đầu, gia đình chị chưa ủng hộ vì nghề thêu tay khá vất vả, không ổn định, giá sản phẩm thêu công nghiệp lại rẻ hơn và sản xuất nhanh hơn, khiến cho nghề thêu tay gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh.

Song, niềm đam mê với thêu tay truyền thống giúp chị Cúc có thêm động lực bước tiếp.

“Tôi yêu nghề thêu và hạnh phúc khi được làm công việc tôi yêu thích mỗi ngày. Tôi được mẹ dạy thêu từ hồi còn nhỏ, mẹ luôn bên cạnh tôi trong suốt quá trình theo học thêu nên mọi khó khăn dường như tan biến hết”, nữ nghệ nhân nói.

Ngoài thêu hoa, chị Cúc còn lên ý tưởng thêu 3D các côn trùng như bướm nhìn "y như thật"

Sản phẩm thêu 3D của chị Cúc có sự đàn hồi từ các cánh hoa, nên người sử dụng sẽ không lo hoa bị mất dáng cánh khi cài lên trang phục, sử dụng làm phụ kiện thời trang. Những sản phẩm luôn được nữ nghệ nhân chú trọng nhiều về chất lượng, dù là lớn hay nhỏ, mỗi sản phẩm đều được đầu tư tỉ mỉ từ 1 sợi chỉ nhỏ.

Người nghệ nhân phải trải qua 8 công đoạn vô cùng tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ phải trải qua 8 công đoạn. Nhìn chung, trước hết họ phải thiết kế mẫu trên giấy, từ kích thước cánh hoa, lá,… rồi mới đến công đoạn thêu. Sau đó, nghệ nhân sẽ tiến hành cắt rời cẩn thận từng chi tiết, ngồi cuốn, khâu và ghép lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tùy vào thời gian, kích thước mà quyết định độ khó và thời gian thực hiện. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, dùng kỹ thuật thêu tay, chứ không dùng keo dán công nghiệp. Kỹ thuật thêu đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, kiên trì và thật sự tâm huyết.

Nghệ nhân 8X còn sáng tạo bằng cách thêu lên xương của lá bồ đề.

Cuối năm 2016, nhận thấy nhu cầu làm đồ handmade tăng cao và ngày càng nhiều phụ nữ yêu thích các công việc nữ công gia chánh truyền thống, chị Cúc đã mở Trung tâm đào tạo thêu tay, thành lập Công ty TNHH Thêu tay Việt Nam.

Dạy thêu online được xem như một hình thức khá mới mẻ ở Việt Nam, nữ nghệ nhân 8X đã tìm hiểu nhiều hơn về các kỹ thuật thêu mới, triển khai quay video, làm tài liệu số hóa và giảng trực tuyến hàng ngày cho các học viên. Học viên của chị Cúc đa dạng ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, có người ở xa tranh thủ vừa học vừa làm, cũng có nhiều học viên đang ở nước ngoài.

Tất cả sản phẩm đều được làm bằng tay và không dùng đến keo dán công nghiệp.

“Thêu tay đã có từ lâu đời nên tôi xem đây là một nghề truyền thống của dân tộc. Nghề này khá kén người theo đuổi, do không được quảng bá rộng rãi nên khá ít bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc. Vì thế, tôi luôn mong ước có thể lan tỏa ngành nghề truyền thống này đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ có thể gìn giữ cho nghề thêu truyền thống đến với các thế hệ sau”, chị Cúc chia sẻ.

Chị Cúc nhân danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng năm 2019

Được biết, sau nhiều năm theo đuổi thêu thủ công, ngày ngày giữ lửa cho nghề, năm 2019, chị Cúc nhận được danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng về ngành nghề Thêu tay truyền thống. Hiện tại, các sản phẩm của chị Cúc ngày càng được chú ý hơn và có lúc "cháy" hàng, hơn hết, càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn, đăng ký học thêu ở lớp dạy của chị Cúc.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nu-nghe-nhan-8x-giu-lua-cho-nghe-theu-tay-truyen-thong-post170732.html