Nữ nhà báo điều tra chống tham nhũng: Đấu tranh, xây đắp đều vì yêu thương!
Hơn 20 năm viết bài điều tra về tham nhũng, tiêu cực, nhà báo Hoàng Thiên Nga từng đối mặt với vô số cạm bẫy, cam go, thử thách. Dù khó khăn, gian khổ tới đâu chị cũng không bỏ cuộc, và những nỗ lực tới cùng của chị đã được đáp đền xứng đáng
Nhà báo Võ Thị Thiên Nga, bút danh Hoàng Thiên Nga được độc giả và những người làm báo cả nước, đặc biệt là người làm báo khu vực Tây Nguyên biết đến với tư cách một nữ nhà báo sống và làm việc tại Tây Nguyên đã tạo được dấu ấn khó quên với nhiều loạt bài điều tra sắc bén, hiệu quả cho công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Từ ánh mắt hoài nghi của những người xung quanh
Từ khi nào chị bắt đầu “dấn thân” vào lĩnh vực vừa khó, vừa nhạy cảm thậm chí nguy hiểm này? Tôi hỏi, và được biết ngay từ khi nhận lời mời về “xây” những viên gạch đầu tiên cho Văn phòng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, chị đã nhận và xử lý rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kêu oan, từ đó các loạt bài điều tra ra đời.
“Đến bây giờ, soi chiếu lại quãng đời làm báo chuyên nghiệp 26 năm, có thể thấy rõ 2 mảng việc chính mình đã làm: đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực và tổ chức các chương trình thiện nguyện, nhân ái. “Có nghĩa là đấu tranh quyết liệt chỉ vì yêu thương sâu sắc. Yêu Nước, Thương Dân”, nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ.
Với tâm niệm “Nhiệm vụ của nhà báo là phải đem lại sự thật cho công chúng, độc giả và đòi lại sự công bằng cho những người yếu thế”, nỗ lực không ngừng của chị đã chiếm trọn lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân khu vực Tây Nguyên. Không có gì lạ khi chị nhiều lần nhận giải thưởng báo chí cấp quốc gia. Nhưng thật đặc biệt, là sau khi đã nghỉ hưu theo chế độ, chị vẫn tiếp tục được vinh danh xứng đáng tại Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 3 năm 2020- 2021, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Loạt ghi chép 5 kỳ “Sự thật - Hành trình trần ai” cho thấy hành trình đấu tranh kiên trì suốt hơn 5 năm của nhà báo Hoàng Thiên Nga, cùng sự hỗ trợ của Ban Biên tập báo Tiền Phong, để chị thực hiện nhiều chuỗi phóng sự tới hơn 40 bài điều tra, phanh phui các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế tại tỉnh Đắk Lắk đã giành được giải A. Loạt bài có sức tác động xã hội lớn, thúc đẩy các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý sai phạm, khởi tố vụ án và các đối tượng vi phạm, giúp ngành y tế thanh lọc bộ máy, chấn chỉnh hoạt động để tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tới bây giờ, thì cả nước đã thấy rõ hậu quả cực kỳ nghiêm trọng do tham nhũng y tế gây ra. Các dấu hiệu, tác hại, hành vi phạm pháp này đã được “bút thép” Hoàng Thiên Nga cảnh báo, phơi bày rất nhiều lần, qua nhiều loạt bài điều tra soi rọi các góc khuất bạo tàn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mà chị phải đau đớn gọi là “thủ đoạn làm giàu trên những xác người”. Không thể tính toán, đo đếm hết được công sức cũng như những thử thách, cam go, thậm chí cả cạm bẫy chị phải trải qua khi đương đầu với các thế lực đen tối. Có lúc thách thức lớn nhất đối với nữ nhà báo ở thời điểm đó, lại là ánh mắt hoài nghi của những người xung quanh.
“Có những người nghi ngờ vì dư luận nhiều quá, không có lửa tại sao có khói; có người tin vào đạo đức, tư cách của mình nhưng nghi ngờ mình không có đủ bản lĩnh để đi đến cùng; và cũng rất nhiều người nghi ngờ rằng đấu tranh để được cái gì, sẽ chẳng đến đâu, bởi hơn 40 bài điều tra được viết ròng rã trong gần 5 năm, vẫn chưa thấy ánh sáng phía trước. Nhưng nhiệm vụ của tôi là phải trả lại niềm tin cho nhân dân, vì vậy tôi phải đấu tranh đến cùng. Và đúng là, sự nỗ lực đến cùng này đã được đền đáp!”, nhà báo Hoàng Thiên Nga tâm sự.
Nếu hy sinh, cũng phải hy sinh cho xứng đáng!
Nhớ lại thời điểm cách đây gần 10 năm, chị Nga được nhiều bác sĩ nhắn tin về việc thiếu thuốc chữa bệnh nghiêm trọng trong hệ thống cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Có tin nhắn với lời lẽ khẩn thiết “Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân”… Vào cuộc tìm hiểu, chị thấy chỉ hơn 2 tháng trước đó, Sở Y tế Đắk Lắk mới công bố kết quả trúng thầu đợt đấu thầu mua thuốc khám chữa bệnh. Vừa đấu thầu xong, sao lại thiếu thuốc? Đi tìm đáp án cho câu hỏi của mình, chị đã phát hiện ra nhiều góc khuất về chuỗi hành vi tiêu cực, tham nhũng và những thủ đoạn che giấu hành vi xấu của “nhóm lợi ích y tế”. Quá trình điều tra về mua sắm trang thiết bị y tế, chị đã “đụng” tới Tập đoàn AIC.
“Khi đó, dàn lãnh đạo của tập đoàn đầy quyền lực AIC đã tìm mọi cách liên lạc với mình, nói rằng nữ Chủ tịch Tập đoàn dù chưa gặp nhưng đã biết tiếng và rất quý mến mình, nên có nhã ý mời mình đến trụ sở Tập đoàn, mời mình đi du lịch tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Quá hiểu bản chất kiểu mời này, tôi từ chối thẳng. Lý do: tôi không quen dùng tiền của doanh nghiệp, càng không thích du lịch bằng đồng tiền không phải do tôi lao động làm ra. Nếu quý vị muốn tôi hợp tác, việc đầu tiên là hãy trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, về các dự án đầy dấu hiệu sai phạm, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng ngân sách và các khoản vay ODA trên Tây Nguyên. Tất nhiên họ im lặng. Sau khi dàn lãnh đạo AIC bị khởi tố, cả nước mới ngao ngán về thủ đoạn chục bước, trăm bước mà Tập đoàn này đã soạn thành cả quy trình bài bản nhằm mua chuộc, hối lộ cán bộ để cùng móc ngoặc tham nhũng”, chị Nga chia sẻ.
Cũng chính vì sự quyết liệt không chùn bước, không thỏa hiệp với các thế lực tham nhũng, mà nhà báo Hoàng Thiên Nga từng là cây bút bị vu khống, bị đe dọa nhiều nhất trên Tây Nguyên. Một luật sư có tiếng còn đứng tên và lôi kéo thêm những người khác gửi đơn tố cáo chị tới 20 cơ quan trung ương và địa phương, cho rằng nữ nhà báo đã dựng chuyện, bôi nhọ, đặt điều xấu cho ngành y tế Đắk Lắk. Ai đúng ai sai, thực tế đã mau chóng phơi bày. Còn tại thời điểm đó, chị Nga phải giải trình, chứng minh, tự bảo vệ danh dự với quan điểm: “Dù có phải hy sinh, thì sự hy sinh này cũng rất giá trị và xứng đáng, vì nó bảo vệ quyền lợi cho toàn dân. Mình không đầu hàng, không lùi bước. Nếu như đến cuối cùng chỉ còn một mình, tôi vẫn chẳng khác gì một chiến sĩ!”, chị Nga bộc bạch.
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Nga khẳng định: phẩm chất không thể thiếu với người làm báo, đặc biệt với phóng viên điều tra chống tham nhũng tiêu cực, trước hết phải có dũng khí, không lùi bước trước mọi sự đe dọa; thứ hai phải trung thực và liêm chính, không bao giờ được để mình bị mua chuộc với bất kỳ giá nào; thứ ba phải tìm hiểu kỹ lưỡng mọi khía cạnh về lĩnh vực mình phản ánh, để viết cho chính xác và có chiều sâu, mới đủ sức lay động dư luận, cảnh báo, thúc đẩy các cơ quan quyền lực xử lý.
Nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện cách đây 20 năm, khi nhà báo Hoàng Thiên Nga thực hiện loạt bài điều tra “Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia” kéo dài tới 17 kỳ. Vụ việc đó, theo chị cảm nhận, bản chất gần với vụ Năm Cam ở TP.HCM, nên chị gọi vui là “Sáu Cam”, bởi sự móc nối chặt chẽ giữa các thế lực để làm những việc trái luân thường đạo lý, vi phạm pháp luật trắng trợn. Viết được nửa chừng, chị Nga đã nhận cú điện thoại đe dọa, họ chỉ cần "búng móng tay" là chị biến mất trên cõi đời này. Chị thẳng thắn trả lời: “Bạn thích làm gì là quyền của bạn. Còn tôi chỉ chấp hành yêu cầu từ Tổng Biên tập của tôi. Nếu tôi có bất cứ câu chữ nào sai, quý vị cứ chỉ ra, tôi sẽ xin lỗi công khai và chịu xử lý theo đúng pháp luật. Nếu tôi đúng, quý vị chỉ có một cách duy nhất là sửa sai đi !”. Sau câu trả lời đó, chiếc ô tô để trong sân nhà chị bị đốt. Do cả gia đình chị luôn có sự chuẩn bị trước về tâm lý, nên không ai hoảng sợ trước tình huống bất ngờ này.
Chị nhớ lại: “Vụ đốt xe ô tô xảy ra vào lúc 2h sáng, cả nhà tôi choàng dậy, mở các cửa, người gọi công an, người báo cán bộ khối phố, mở cổng và tóm được 2 kẻ đột nhập vào sân đốt xe. Sau này, tôi còn nhận được thêm nhiều tin nhắn, cuộc gọi điện thoại đe dọa kiểu như “đầu mày sẽ không nằm trên cổ”, “chỉ cần nửa tấn tiêu là tiêu mày luôn”… Nhưng so tất cả những lời đe dọa với những sinh mạng mình đang bảo vệ, những người gửi gắm niềm tin vào mình, tôi vẫn thấy những việc mình cần làm là đúng đắn”.
Dù vô số thử thách khốc liệt vây quanh, nhà báo Hoàng Thiên Nga vẫn giữ được tâm thái bình thản, an yên. Chị chia sẻ luôn tin rằng chị không đơn độc trong “cuộc chiến” phanh phui tiêu cực, tham nhũng. Chị có cả tòa soạn cùng những đồng nghiệp, gia đình, người thân luôn bảo vệ và làm điểm tựa để chị yên tâm làm nhiệm vụ; Chị cũng có một đội ngũ bạn đọc, cán bộ đảng viên, những người luôn yêu thương, ủng hộ. Và đặc biệt, chị có nhiều người âm thầm cung cấp thông tin, báo động khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Nhiều lần, những người đứng đầu ngành Công an tỉnh nhắn chị cứ yên tâm làm việc bởi các anh đã có phương án bảo vệ. Có lần, vì loạt bài điều tra của chị, mà một Cục phó Cục Điều tra hình sự Bộ Công an cùng 4 cán bộ cấp dưới được điều động vào Đắk Lắk.
Gắn bó và lao tâm khổ tứ với mảng điều tra chống tham nhũng tiêu cực dường như là duyên nghiệp với nữ nhà báo Hoàng Thiên Nga. Chị chia sẻ từ nhỏ đã hay suy nghĩ về việc sống như thế nào cho đúng, cho tốt và cho phải. Từ đó, chị không ngừng trau dồi bản thân, không chỉ năng lực mà cả đạo đức để bảo đảm những nhìn nhận của mình luôn thấu suốt, sâu sắc, biết đâu là hướng nên đi đến cùng để bảo vệ chân lý.
“Nhiều người từng hỏi tôi không sợ chết hay sao? Ô hay, trước sau gì ai mà không chết? Vậy tôi chọn sống sao cho đẹp, cho xứng đáng, để khi chết sẽ hài lòng với con đường mình đã đi, về những điều mình đã làm, hơn là chết yếu hèn, ân hận về những điều rất đáng làm mà chưa làm được. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, nên hãy sống hết mình trong từng phút giây. Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng tôi đã luôn sống như vậy suốt những năm tháng qua, suốt thời gian làm báo”, nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ.
Tự nhận điểm yếu là không biết từ chối, việc càng khó càng muốn lao vào làm, thế nên sau khi nhận quyết định nghỉ hưu (tháng 3/2020), nhà báo Hoàng Thiên Nga nhận lời đứng ra tổ chức rất hiệu quả hàng chục chương trình hỗ trợ các lực lượng chống đại dịch Covid-19. Chị cũng không hình dung trước từ ngã rẽ bất ngờ này, chị trở thành Chủ tịch Hội Từ Tâm Đắk Lắk, một tổ chức từ thiện dân sự do UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép thành lập, với mục tiêu tổ chức các hoạt động nhân đạo, trong đó tính liêm chính, minh bạch trong công tác từ thiện được đặt lên hàng đầu. Với uy tín đó, nhiều lời đề nghị, kêu cứu, xin giúp đỡ liên tiếp được gửi về. Như thời còn công tác ở cơ quan Đại diện báo Tiền Phong trước đây, bây giờ, trong căn nhà của vợ chồng chị cũng là trụ sở của Hội Từ Tâm Đắk Lắk, nhà báo Hoàng Thiên Nga lại ngày ngày tiếp nhận đầy ắp thông tin, và các chương trình thiện nguyện, nhân đạo lại nối nhau ra đời. Đúng như chị nói: Đấu tranh, xây đắp đều vì yêu thương./.