Nữ nhà giáo dành trọn tuổi xuân cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Nghề giáo là một trong những nghề cao quý được xã hội trân trọng. Thầy cô giáo dạy cho học trò con chữ, kiến thức và cùng gia đình, xã hội hình thành nhân cách cho học sinh. Chọn nghề giáo đồng nghĩa các thầy cô đã chọn hành trình cống hiến và cả những hy sinh…, nhất là ở những địa phương còn nhiều khó khăn. Câu chuyện về một nữ giáo viên hơn 30 năm gắn bó, đồng hành cùng hành trình 'gieo chữ' với trẻ em vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng là minh chứng cho sự nghiệp trồng người một cách bền bỉ, dài lâu.
Đã 30 năm, từ khi vào Nam và chọn Sóc Trăng là nơi công tác, với cô Đỗ Thị Hồi, năng lượng, nhiệt huyết và tình yêu cho nghề giáo, cho học trò ở ngôi trường này vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Những năm 90, Lạc Hòa - nơi cô Đỗ Thị Hồi công tác - là địa phương khó khăn nhất nhì của Sóc Trăng, điều kiện vật chất dạy và học vô cùng thiếu thốn. Thêm vào đó, hơn 80% học sinh là người dân tộc, vận động các em đến trường đã khó, huống chi dạy chữ.
Người ta ví von “đời người có 60 năm” thì cô Đỗ Thị Hồi đã dành một nửa gắn bó với ngôi trường tiểu học này, dù cô có cơ hội đến dạy ở những ngôi trường khác, khang trang, tiện nghi hơn. Quả ngọt cho hành trình bền bỉ đó là danh hiệu Nhà giáo Nhân dân mà cô Hồi được phong tặng, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, mọi nhà.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!