Nữ nhà giáo yêu nghề, yêu trẻ

Gần 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Lan, Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lộc, huyện Nho Quan luôn giữ trọn ngọn lửa đam mê với nghề và cống hiến cho ngành bằng tất cả tình yêu, trách nhiệm của một nhà giáo.

Cô Nguyễn Thị Lan đại diện cho nhóm nhận giải thưởng sáng kiến cấp tỉnh năm 2022. (Ảnh tư liệu)

Cô Nguyễn Thị Lan đại diện cho nhóm nhận giải thưởng sáng kiến cấp tỉnh năm 2022. (Ảnh tư liệu)

Gặp cô Nguyễn Thị Lan vào một sáng mùa thu khi cô đang cùng các giáo viên tổng vệ sinh chuẩn bị đón các em tựu trường, vẫn chất giọng ấm áp, chân thành, cô vừa phủi chiếc quần lấm lem vừa tươi cười nói: "Đã đón bao nhiêu mùa tựu trường rồi mà lần nào cũng háo hức, xốn xang đến khó tả. Cứ như cảm giác mẹ xa con lâu ngày mới được gặp lại em ạ."

Quả thực, ai đã từng gặp cô Lan đều cảm thấy ở người giáo viên này có một tình yêu thương đặc biệt dành cho con trẻ. Trên đôi mắt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn và mái tóc lơ thơ sợi bạc, cô Lan tâm sự: "Ngày nhỏ, xem trên báo, đài thấy cuộc sống của các em vùng cao vất vả, khó khăn vô cùng. Lúc đó, tôi chỉ ước mơ mai này được trở thành cô giáo, đứng trên bục giảng để mang tri thức và niềm vui đến cho trẻ em vùng cao."

Chính niềm mơ ước đó đã thôi thúc cô thi vào ngành sư phạm. Và cũng thật trùng hợp, năm 1995, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Lan được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Kỳ Phú - một ngôi trường miền núi với những cô bé, cậu bé vùng cao huyện Nho Quan.

"Những năm đầu công tác, dù cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn nhưng chưa khi nào tôi vơi đi tình yêu với con trẻ. Dạy trẻ vốn phải kiên nhẫn thì trẻ em người dân tộc thiểu số phải nhẫn nại gấp nhiều lần. Có đôi lúc mệt mỏi nhưng chỉ cần thấy những ánh mắt trong trẻo, đen láy hay lắng nghe tiếng cười khúc khích, vô tư của tụi trẻ là tôi như thấy mình được tiếp thêm nghị lực."

Khi được hỏi: "Nhiều năm gắn bó với ngôi trường miền núi, điều cô "lãi" nhất ở ngôi trường này là gì?" Cô Lan mỉm cười trả lời: "Đó là kỷ niệm và sự trưởng thành!"

Ánh mắt xa xăm cô nhớ lại: "Tôi nhớ ngày đó có một cậu bé người dân tộc Mường, bị khuyết tật vận động, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mỗi ngày mẹ con em lóc cóc đạp xe đi chục km đường đồi để đến trường nhưng chưa khi nào tôi thấy em nghỉ học. Hôm đó, khi đang chuẩn bị ra về, tôi thấy ở góc sân trường hai mẹ con vẫn đang lúi húi đọc sách. Cậu bé say mê đánh vần cả một đoạn thơ, mẹ cậu yên lặng lắng nghe, đôi bàn tay ôm chặt lấy vai con."

Khi thấy tôi tiến lại gần, chị bất ngờ đứng dậy. Đôi vai chị rung lên, chị ôm tôi và òa khóc: "Tôi cảm ơn cô giáo, cảm ơn cô đã dạy con trai tôi biết đọc, biết viết. Con tôi không phải đứa trẻ vô dụng phải không cô..." Tôi lặng người đi, đôi mắt cũng rưng rưng xúc động. Thì ra, cậu bé vẫn hay bị chế giễu là đứa trẻ khuyết tật vô dụng. Thấy con thích đi học nên người mẹ này đã gác lại mọi công việc để đồng hành cùng con trai. Và chị biết, chị và con trai đã đi đúng hướng - hướng của tri thức."

Từ ngôi trường đầu tiên với biết bao khó khăn nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ, xúc động đã trở thành hành trang giúp cô giáo trẻ tiếp tục phấn đấu trở thành người giáo viên gương mẫu, tận tụy. Tháng 1/2014, cô Lan được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thành. Sau đó, năm học 2020-2021 cô được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lộc cho đến nay.

"Tôi luôn tâm niệm là cán bộ quản lý thì trước hết mình phải là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo cho đồng nghiệp và học sinh học tập, noi theo". Với những kinh nghiệm đúc rút trong công tác giảng dạy, cô Lan đã vận dụng sáng tạo để quản lý tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường tích cực tham gia các phong trào của ngành và địa phương phát động. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, cô luôn quan tâm đến tâm tư tình cảm của chị em trong nhà trường tạo mối đoàn kết sâu rộng, xây dựng được tập thể vững mạnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám hiệu, Trường Tiểu học Phú Lộc đạt nhiều thành tích cao trong dạy và học.

Những năm học qua, Trường Tiểu học Phú Lộc luôn là một trong những trường nằm trong tốp đầu của huyện. Chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng cao. Nhà trường duy trì phổ cập giáo dục mức độ 3, trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Đến nay, 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, 100% giáo viên khai thác giáo án điện tử, hiệu quả chất lượng bài giảng tốt. Hằng năm, có gần 50% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh, huyện; trên 80% giáo viên dạy giỏi cấp trường; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học.

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Phú Lộc được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Tại các cuộc thi, sân chơi trí tuệ do các cấp tổ chức, học sinh của trường đã đạt nhiều thành tích cao và nổi bật: 9 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 1 em đạt giải Nhất, 1 em đạt giải Nhì cuộc thi Nét chữ - Nết người cấp Quốc gia…

Với những đóng góp đó, cô Lan cũng đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý của các cấp, các ngành. Cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp, ngành Giáo dục khen thưởng. Đặc biệt, năm học 2021-2022, cô và nhóm tác tác giả có 1 sáng kiến được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

"Phần thưởng lớn nhất mà tôi có được đó là sự tin yêu của đồng nghiệp và sự kính trọng của học sinh. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, học tập hoàn thiện mình để xứng đáng với niềm tin yêu ấy của mọi người." Chia tay cô Nguyễn Thị Lan, chúng tôi hiểu rằng, chính sự chân thành, tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô gặt hái được nhiều thành công như vậy. Mong rằng tình yêu, nhiệt huyết ấy sẽ giúp cô đưa tập thể nhà trường ngày càng vững mạnh, đoàn kết.

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nu-nha-giao-yeu-nghe-yeu-tre/d20220823075046708.htm