Nữ nhân viên y tế 'lập kỷ lục' tái nhiễm Covid-19
Người phụ nữ xui xẻo nhất đại dịch vừa đi làm lại được 10 ngày sau đợt cách ly do mắc Covid-19 chủng Delta thì lại tái nhiễm bởi chủng Omicron, may mắn cả 2 lần bệnh đều nhẹ.
Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha cho biết nghiên cứu về nữ bệnh nhân đặc biệt này sẽ được trình bày tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu, diễn ra tại Bồ Đào Nha vào cuối tuần tới. Nữ nhân viên y tế 31 tuổi có thể là ca tái nhiễm "kỷ lục" của thế giới.
Theo đài CNBC, người phụ nữ giấu tên có kết quả dương tính lần đầu vào ngày 20-12-2021 trong một cuộc xét nghiệm PCR tầm soát cho nhân viên y tế nơi cô làm việc. Cô tự cách ly 10 ngày rồi trở lại làm việc, hoàn toàn không có triệu chứng.
Vào ngày 10-1, người phụ nữ xuất hiện dấu hiệu ho, sốt, hơi mệt nên lại xét nghiệm PCR và cũng dương tính. Kết quả giải trình tự toàn bộ bộ gien SARS-CoV-2 trên 2 mẫu bệnh phẩm từ 2 lần bệnh cho thấy cô nhiễm 2 chủng khác nhau: lần đầu là Delta, lần sau là Omicron.
Cả 2 lần cô đều chỉ bệnh nhẹ, có thể vì đã được tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản và mũi tăng cường.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy khả năng "thoát miễn dịch" và lây lan vượt trội của Omicron so với Delta. Bệnh nhân từng nhiễm Delta có nguy cơ tái nhiễm Omicron thấp hơn trong những tháng đầu sau khi bệnh, tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ nhỏ tái nhiễm sớm.
"Người từng nhiễm Covid-19 không thể cho rằng họ sẽ không tái nhiễm ngay cả khi được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, cả việc từng nhiễm các biến chủng khác và việc tiêm chủng trước đây đều giúp bảo vệ một phần chống lại bệnh nặng và nhập viện ở những người nhiễm Omicron" - Đài CNBC dẫn lời tiến sĩ Gemma Recio từ Viện Català de Salut (Tây Ban Nha), thành viên nhóm nghiên cứu.
Tiến sĩ Recio nhấn mạnh trường hợp này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát bộ gien SARS-CoV-2 ở các trường hợp nhiễm xuyên miễn dịch (còn gọi là nhiễm đột phá, tức nhiễm ở người đã tiêm chủng) và tái nhiễm, vì có thể giúp phát hiện ra các biến chủng mới thoát miễn dịch.