Nữ nông dân Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhau trao đổi cách làm nông nghiệp

Ngày 13/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp.

Theo đó, hai nữ nông dân tiêu biểu Hoa Kỳ là Jennifer Schmidt và Jaclyn Wilson đã đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Nông dân Việt hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch

Tại trang trại của HTX gà vi sinh Thu Thoan (tại Sóc Sơn, Hà Nội), hiện có 7 thành viên và 2 nhân công, phát triển mô hình với diện tích hơn 5.000m2, cùng khoảng 3.000 con gà các loại. Một trong những bí quyết của HTX là thức ăn được chế biến từ bột nghệ, dầu gấc và thảo dược tự nhiên.

Theo đó, vào mùa hè, thức ăn được ủ trong vòng từ 8 - 10 tiếng và mùa đông là 24 tiếng. Sau khi lên men, toàn bộ sản phẩm được bảo quản trong những thùng nhựa đậy kín và có thể sử dụng trong vòng 14 ngày kế tiếp. Với quy trình như vậy, thức ăn không bị ôi thiu, nấm mốc, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, cũng như nâng cao chất lượng thịt thương phẩm.

Hai nữ nông dân Hoa Kỳ tham quan trang trại của HTX gà vi sinh Thu Thoan. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Hai nữ nông dân Hoa Kỳ tham quan trang trại của HTX gà vi sinh Thu Thoan. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Ngoài thức ăn, HTX còn chú ý tới việc thiết kế những “đệm lót sinh học” ở khu chuồng trại. Toàn bộ phần sàn của chuồng gà được làm từ trấu, mùn cưa trộn men vi sinh, giúp ngăn mùi hôi.

Được tiếp xúc với những đồng nghiệp từ Hoa Kỳ - quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Giám đốc HTX gà vi sinh Thu Thoan – bày tỏ mong muốn được nghe những kinh nghiệm về sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, giới thiệu với các vị khách quốc tế và Việt Nam quy trình chăm sóc của HTX đảm bảo môi trường và phúc lợi động vật. Bên cạnh đó, quảng bá giải pháp nông nghiệp của HTX, cũng như các sản phẩm khi đưa ra thị trường đảm bảo chất dinh dưỡng.

“Chúng tôi mong muốn tất cả phụ nữ làm nông nghiệp đều có ý thức trong sản xuất không gây phát thải ra môi trường, cùng chia sẻ và kết nối để cùng bảo đảm quyền con người và quyền phúc lợi động vật, hướng tới phát triển bền vững trong nông nghiệp, bà Thoan chia sẻ.

Dù ở những quốc gia nhỏ hay quốc gia lớn, phụ nữ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Điều mà bà Thoan mong muốn đó là phụ nữ ở các quốc gia nhỏ hay lớn đều có sự công bằng như nhau, cũng như được trao những cơ hội trong việc đóng góp vào sự phát triển của sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là nông nghiệp sạch. Bởi theo bà Thoan, thực phẩm là thuốc và dinh dưỡng duy nhất để cứu người chứ không phải là kháng sinh.

Còn tại HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn, nhiều loài cây thuốc nam trong đó có sản phẩm từ cây ngưu bàng đã được giới thiệu đến 2 nông dân đến từ xứ cờ hoa. Bà Nguyễn Thanh Tuyền - Phó Giám đốc HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn – cho hay, cây ngưu bàng có nguồn gốc từ vùng ôn đới, thường mọc hoang ở những nơi có đất bị xáo trộn. Phần quả và rễ thường được chế biến thành trà - một loại thức uống có chứa nhiều khoáng chất như canxi, sắt, các loại vitamin A, B6... Trà ngưu bàng rất giàu protein, chất xơ và nếu dùng thường xuyên có thể giúp cải thiện tiêu hóa và tình trạng đầy hơi.

Hiện HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây ngưu bàng với người dân trên địa bàn 2 xã Bắc Sơn, Xuân Giang. Một phần sản phẩm được dùng để chế biến trà, số khác làm nguyên liệu cho xì dầu đỗ đen ngưu bàng. Sản phẩm xì dầu của HTX đang được huyện Sóc Sơn hỗ trợ hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2024.

Có sự tương đồng trong việc phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp

Tham quan mô hình nông nghiệp tại Hà Nội, hai nữ nông dân từ Hoa Kỳ cho rằng luôn có sự tương đồng giữa hai nước khi phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực này. Bà Jaclyn Wilson - một trong hai nữ nông dân tiêu biểu từ Hoa Kỳ tham gia chương trình hưởng ứng “Năm Quốc tế Nữ Nông dân 2026” tại Việt Nam - chia sẻ: “Khi chứng kiến đàn gà được nuôi thả, trong không gian rộng rãi, thoáng đãng và sạch sẽ, chúng tôi nhận thấy mô hình nông nghiệp của cả hai quốc gia đều ngày càng hướng đến phúc lợi và an toàn của vật nuôi. Dù có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò thịt, nhưng chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự chuyển dịch của ngành nông nghiệp Việt Nam, cách tiếp cận độc đáo để đảm bảo chăn nuôi an toàn, từ đó cung cấp sản phẩm chất lượng, đáng tin cậy đến người tiêu dùng”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Giám đốc HTX gà vi sinh Thu Thoan chia sẻ với 2 nữ đồng nghiệp đến từ Hoa Kỳ cách làm nông nghiệp sạch của HTX

Bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Giám đốc HTX gà vi sinh Thu Thoan chia sẻ với 2 nữ đồng nghiệp đến từ Hoa Kỳ cách làm nông nghiệp sạch của HTX

Cũng theo bà Jaclyn Wilson, việc áp dụng các hoạt động canh tác bền vững và nhân đạo không chỉ có lợi cho an ninh lương thực mà còn cho quyền lợi của động vật. Đây là những hoạt động cần thiết để đảm bảo tương lai của ngành nông nghiệp. Bởi lẽ, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và điều kiện nuôi động vật.

“Thị trường ngách tập trung vào tính bền vững có thể đại diện cho tương lai của ngành nông nghiệp, miễn là chúng vẫn khả thi về mặt kinh tế và hiệu quả”, bà Wilson nhấn mạnh và cho hay, với mô hình nông nghiệp có phụ nữ làm chủ, thành công của mô hình đến từ từng chi tiết nhỏ. Bởi phụ nữ luôn có “sự kết nối mạnh mẽ” với vật nuôi so với nam giới và đó là lí do giúp những trang trại chăn nuôi có thể hoạt động hiệu quả song vẫn đảm bảo được tính phúc lợi.

Về phía bà Jennifer H. Schmidt - hiện đang điều hành Schmidt Farms Inc., một trang trại Quản lý Nông nghiệp được Chứng nhận có diện tích hơn 800ha, trồng ngô, đậu nành, lúa mì, rau và nho - chuyên gia được cấp phép về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dinh dưỡng – chia sẻ, ở trường hợp cụ thể như tại Maryland, vùng ven biển phía bờ Đông Hoa Kỳ, các trang trại cũng đang đối mặt với các vấn đề thời tiết như xâm nhập mặn do mực nước biển tăng, hạn hán, bão… Thời tiết là vấn đề không thể kiểm soát, do vậy các trang trại cần sự thích ứng phù hợp.

Cũng theo bà Jennifer H. Schmidt, tuy phụ nữ đang tham gia vào ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những rào cản và khó khăn riêng, nhưng tất cả theo hướng đến mục tiêu chung và trách nhiệm chung về chất lượng sản phẩm và sức khỏe cộng đồng. Với vai trò phụ nữ lãnh đạo trong nông nghiệp, việc chủ động học hỏi kinh nghiệm và kiến thức là điều cần thiết để vượt qua khó khăn và rào cản phụ nữ trong nông nghiệp.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nu-nong-dan-viet-nam-va-hoa-ky-cung-nhau-trao-doi-cach-lam-nong-nghiep-338839.html