Nữ phạm nhân mong đứng lớp để lan tỏa những điều tốt đẹp

Hơn chục năm cải tạo trong trại giam, phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc, SN 1963, trú tại Kiến An, Hải Phòng đang mong từng ngày để đến ngày xuống án. Ngoài công việc lao động theo định mức trại giam, Trúc cũng đã đứng lớp xóa mù chữ trong trại giam, mong lan tỏa được những điều tốt đẹp...

Nẻo đường hướng thiện:

Phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc bảo tham gia lớp xóa mù chữ để mong lan tỏa những điều tốt đẹp

Phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc bảo tham gia lớp xóa mù chữ để mong lan tỏa những điều tốt đẹp

Đánh mất tất cả vì ma túy

Tâm sự với PV, phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc, SN 1963, trú tại Kiến An, Hải Phòng bảo rằng đó là câu chuyện buồn của cuộc đời mình. Chỉ vì tham, Trúc đã đánh mất gia đình, mất cơ hội được chăm chút, chứng kiến những thành công của các con.

Theo lời phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc thì chị ta sinh ra trong một gia đình có tới 9 người con nhưng tất cả đều được bố mẹ nuôi ăn học tới nơi, tới chốn và tất cả đều có công ăn việc làm ổn định. Điều may mắn, trong số 9 người con, Trúc xinh xắn và học giỏi nhất nên được sang Liên Xô học tập. Tại đây, Trúc đã có một tình yêu đẹp với một du học sinh quê ở Hải Phòng. Họ cưới nhau và đưa nhau về đất Cảng lập nghiệp.

Về nước, chồng công tác ở lĩnh vực xây dựng, còn Trúc làm giáo viên ngoại ngữ ở một trường PTTH. Hai đứa con gái lần lượt chào đời khiến cuộc sống gia đình Trúc thêm phần vui nhộn hơn. Người ngoài nhìn vào, nhiều người ước ao có được. Thế nhưng, cuộc sống gia đình cô lại không mấy bằng phẳng, khi chồng cô là con trai duy nhất. Vì vậy, Trúc vẫn định bụng sẽ đẻ thêm cho chồng và gia đình chồng một cậu con trai. Tuy nhiên, sau nhiều lần có bầu rồi lại hỏng khiến sức khỏe của Trúc có phần giảm sút.

Bên cạnh đó, thời điểm đó, tiếng Nga cũng không còn thịnh hành, buộc những giáo viên như Trúc phải đi hàm thụ thêm để chuyển sang dạy tiếng Anh. Nhưng vì sức khỏe yếu, lại nghe lời người thân nên Trúc đã về một cục. Từ một cô giáo danh giá, Trúc trở thành bà nội trợ, ngày ngày chỉ biết hai bữa cơm nước, chăm con và lên kế hoạch sinh con tiếp vì “chồng là con trai độc nhất”. Thế nhưng, có lần bầu đến 6 tháng vẫn bị hỏng.

Cũng mong có con trai để thỏa nguyện gia đình bên chồng nên Trúc đã nghe lời người ta xui, đi các đền chùa cầu cúng. Trong một lần đi đền Mẫu ở Gia Lâm, Trúc gặp rồi trở nên thân thiết với Tạ Lan Hương, một người đàn bà cùng tuổi nhà ở Thanh Trì, Hà Nội. Nghe Trúc tâm sự về mong muốn của mình, Hương bảo nếu chỉ cầu cúng không thôi thì chưa đủ mà phải kết hợp cả với việc can thiệp của y học nhưng nếu thế thì phải có nhiều tiền. Những lời tỉ tê của Hương cứ thế ngấm dần vào suy nghĩ của Trúc khiến người đàn bà gia giáo, có trình độ này thay đổi.

Theo tài liệu điều tra, Hương là người lên Mộc Châu, Sơn La mua ma túy sau đó vận chuyển về Hà Nội sau đó đưa lên Cao Bằng tiêu thụ. Khi Trúc đồng ý tham gia, Hương đã đưa Trúc đi theo mình. Ngày 5-6-2010, khi hai người vừa nhận 3 bánh heroin giấu trong hộp sữa Mộc Châu, đem về phòng nghỉ ở một khách sạn ở thị trấn Mộc Châu thì bị bắt giữ. Với hành vi này, Trúc bị kết án chung thân.

Lên lớp xóa mù chữ mong lan tỏa điều tốt đẹp

Về trại giam Tân Lập (Bộ Công an) cải tạo, thời gian đầu Trúc lúc sống trong tâm trạng buồn khi nghĩ đến chồng và 2 con. Trúc ân hận khi không giúp gì được người thân. Tuy nhiên, nhận được tin con gái lớn dù thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng cũng đã phấn đấu học tập và nhận được học bổng Anh quốc, du học nước ngoài, còn cô con gái thứ 2 cũng đã học đại học và đi làm thì cô lại thấy vui.

Theo lời Trúc thì thỉnh thoảng chồng cũng vẫn gửi tiền thăm vợ và may mắn cô con gái út vẫn giữ liên lạc và không bỏ rơi mẹ. Phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc bảo rằng mỗi năm con gái út lên thăm mẹ một lần nhưng hàng tháng, được gọi điện về gia đình, cô vẫn liên lạc với con và đó là động lực để cô phấn đấu, vượt qua những khó khăn giai đoạn vừa qua.

Qua con gái út, Trúc bảo mình cũng nắm được thông tin về gia đình nên cũng yên tâm phần nào. Mỗi khi ở trại giam, ở giờ lên lớp hoặc lao động thì cô thấy khuây khỏa hơn. Nhưng khi màn đêm buông xuống, Trúc lại ân hận, nghĩ thương thân mình, thương các con thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ.

Hơn chục năm ở trại cải tạo đã khiến Trúc không còn hoảng loạn như trước nữa. Thế nhưng cái cảm giác hôm bị bắt cứ chập chờn trong giấc ngủ khiến Trúc giật mình thảng thốt. Sau một thời gian cải tạo lao động ở đội làm hàng mã, vì có chuyên môn sư phạm nên Trúc được cán bộ tín nhiệm cho đứng lớp xóa mù chữ, do trại giam mở hàng năm để dạy cho những phạm nhân mới vào trại, không biết chữ. Học sinh của Trúc chủ yếu là những phạm nhân người dân tộc, chưa một lần biết đọc, biết viết tiếng phổ thông.

Được trở lại với phấn trắng, bảng đen, những tiếng ê a đánh vần của các phạm nhân khiến Trúc nhớ đến những buổi đầu dạy học sinh học ngoại ngữ. Cũng đều là bắt đầu tiếp xúc với một ngôn ngữ mới nhưng khi nghe các học sinh ở đây đánh vần, Trúc cứ thấy xót xa trong lòng. Nỗi xót xa ấy không hoàn toàn vì tất cả những người mù chữ kia mà có cả một phần dành cho riêng mình để rồi khi cái cảm giác nghèn nghẹn trong cổ bắt đầu dâng lên, Trúc phải gạt nhanh ý nghĩ đó ra khỏi đầu. “Tôi nghĩ nhiều lắm nhưng rồi nhận ra rằng nếu cứ sầu muộn thì càng nhanh tàn tạ. Đã thế này rồi thì phải chấp nhận, tìm niềm vui trong công việc để sống cho tốt hơn thôi”, Trúc tâm sự như để tự động viên mình.

Giờ đây, hơn chục năm trong trại giam, phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc bảo rằng mình sẽ nén những nỗi buồn và nghĩ về các con, về gia đình để lấy động lực cải tạo. Bên cạnh đó, cũng sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể, để mong đến ngày được xuống án có thời hạn. “Được xuống án có thời hạn, đồng nghĩa với việc ngày về của tôi sẽ ngắn lại...”, phạm nhân Đặng Quỳnh Trúc chia sẻ.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nu-pham-nhan-mong-dung-lop-de-lan-toa-nhung-dieu-tot-dep-266306.html