Nữ phạm nhân rớt nước mắt khi nhắc tới các con

Kể từ ngày chồng gửi đơn ly hôn, đã ba năm nay, Lý Thị Phương, SN 1986 ở xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, không nhận được bất cứ thông tin gì về đứa con gái nhỏ. Chiều chiều, sương giăng ôm núi là lúc Phương nhớ nhà, nhớ con da diết.

Chúi mặt vào khung thêu, Phương cố không để chúng tôi nhìn thấy gương mặt đang nhạt nhòa nước mắt của mình. Nhắc đến gia đình, nhất là đứa con nhỏ mà ngày Phương bị bắt, mới 4 tuổi, Phương lại nước mắt lưng tròng. Chị ta bị bắt về tội Mua bán người, án 18 năm nên còn ở trại dài lắm.

Hai lần đi tù

Ngoài 30 tuổi nhưng nhìn Phương khá trải đời bởi đôi mắt dài phiền muộn. Chị ta bảo lúc này chẳng nghĩ gì nhiều ngoài việc chấp nhận số phận. Hai lần đi tù vì cùng một tội danh, Phương bảo đó là cái giá phải trả của sự đua đòi, ham chơi.

Sinh ra ở vùng quê, bố mẹ là những người lao động đơn thuần nhưng Phương lại sớm nhiễm thói đua đòi của một số cô gái mới lớn. Chưa hết cấp hai, Phương đã bỏ học rồi bỏ nhà về vùng xuôi kiếm việc làm. Phương bảo đã từng đi làm thuê ở Hà Nội sau đó dạt về Nam Định nhưng rồi chẳng hiểu sao lại ra vùng cửa khẩu Lạng Sơn tìm kiếm cơ hội đổi đời. Sau một thời gian lăn lộn kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, Phương lấy được chồng là một người đàn ông khỏe mạnh, người dân tộc Mường quê ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Vợ chồng có vẻ hợp tính nhau, biết bảo ban nhau sớm tối làm ăn và không lâu sau thì Phương sinh con gái đầu lòng.

Theo lời Phương kể thì do đứa trẻ hay đau ốm, vợ chồng chị ta lại không có nghề nghiệp ổn định nên đã túng càng thêm thiếu. Nhiều lúc bí bách, chồng không có nhà, Phương đã tặc lưỡi đi làm công việc nhạy cảm để có tiền chi tiêu. Năm 2009, trong một lần đi bán dâm cho khách, Phương bị bắt. Lần đó, do dẫn mối cho 2 nhân viên một tiệm gội đầu gần nơi trọ để họ bán dâm còn mình hưởng chút hoa hồng nên Phương bị kết án môi giới mại dâm với 10 tháng tù giam.

Trở về trước thời hạn do cải tạo tốt, Phương phải đối diện với một hiện thực phũ phàng là chồng cô vì xấu hổ với mọi người xung quanh về cô vợ lẳng lơ của mình mà bỏ bê việc nhà cửa, con cái, suốt ngày đắm chìm trong ma men. Không những thế, mỗi khi cảm thấy bực bội, anh ta còn trút những trận đòn lên người vợ. Biết chẳng thể trông cậy vào người chồng nghiện ngập và cũng một phần vì xấu hổ nên Phương ôm con về Bảo Thắng, nhưng làm ruộng không quen mà nghề phụ thì không có nên Phương lại lần nữa ra đi. Cô muối mặt quay về quê chồng ở Đà Bắc nhưng không được gia đình chồng đón nhận. Không một lần hé răng trước những câu chửi độc địa của chồng, Phương nghĩ cách trả thù. “Tôi đã rất sai lầm khi quyết định trả thù mà mục tiêu lại nhắm vào những cô gái trẻ. Suy cho cùng thì họ chẳng có lỗi gì với tôi cả. Nhưng lúc đó cứ nghĩ họ là gái Hòa Bình quê chồng là tôi tức”, Lý Thị Phương tâm sự.

Nạn nhân đầu tiên bị Phương lừa bán qua biên giới là em Nguyễn Thị D, trú tại xã Suối Nánh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Mặc dù nhà D và nhà Phương cách xa nhau nhưng mỗi lần đi rẫy, D lại đi qua nhà Phương, từ đó mà hai người hay nói chuyện với nhau. Khi trở thành sinh viên trường CĐ Việt- Xô sông Đà, những dịp về nhà đi nương, D lại gặp Phương và đó là lý do để người đàn bà này có cơ hội phạm tội.

Theo lời Phương kể thì đó là một ngày giữa tháng 7-2016, khi biết D nghỉ hè, Phương rủ cô gái này lên Lạng Sơn tìm việc làm tranh thủ tháng nghỉ hè. Tin lời Phương, cô gái đã đi cùng để rồi bị chị ta lừa bán với giá 20 triệu đồng. Hai tháng sau, D trốn thoát về nước. Hay tin nạn nhân trở về, Phương tìm đến khóc lóc, xin tha tội. Phần vì mềm lòng, phần vì muốn giữ kín chuyện không tốt đẹp gì của mình, D đã đồng ý không tố giác Phương với CQCA. Đổi lại, Phương phải giữ im lặng và không được nói bất cứ điều gì về D. Tuy nhiên, vì muốn có tiền mà không phải lao động nặng nhọc, một lần nữa bàn tay Phương lại nhúng chàm và lần này thì chị ta đã không gặp may. “Tôi lừa được hai cô gái đưa qua biên giới bán. Chủ chứa đưa cho tôi một nửa số tiền đã thỏa thuận, hẹn sau 1 tháng nếu nạn nhân không trốn sẽ trả nốt. Chưa đầy một tháng sau thì nạn nhân được CA Trung Quốc giải cứu”, Phương kể.

Vì nạn nhân được giải cứu và về nước dưới sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nên cả hai đã làm đơn trình báo với CQCA. Phương không có cơ hội “điều đình” với nạn nhân của mình. Chị ta bị bắt sau đó không lâu.

Phạm nhân Lý Thị Phương đang cải tạo lao động ở xưởng thêu trại giam Thanh Phong. Ảnh: Nguyễn Vũ

Phạm nhân Lý Thị Phương đang cải tạo lao động ở xưởng thêu trại giam Thanh Phong. Ảnh: Nguyễn Vũ

Ân hận và thương con

Bị kết án 18 năm tù về tội mua bán người và mua bán trẻ em, Phương về trại giam Thanh Phong cải tạo trong nỗi lo không biết con gái bé bỏng sẽ trông cậy vào ai. “Va vấp từ sớm nên em nghĩ cái gì cũng đơn giản nhưng khi vào đây mới thấy mình quá sai lầm và nông cạn”, Lý Thị Phương tâm sự.

Cái đau nhất đến với người đàn bà này là khi chị ta vừa chân ướt chân ráo vào tù, anh chồng nghiện ngập lần đầu xuống thăm đã ôm theo lá đơn ly dị. Anh ta tuyên bố sẽ nuôi con và cho rằng Phương không đủ tư cách làm mẹ nên sẽ không cắt đứt mọi liên lạc của chị ta với con gái. Phương đau khổ chỉ biết khóc trong bất lực. Chị ta bảo mỗi khi chiều xuống là lúc nhớ nhà, nhớ con nhất. Khi ấy, trong lòng Phương lại nhói đau. Hình ảnh hôm bị còng tay dẫn đi lại hiện về trong đầu. Chị ta kể rằng, hôm đó vừa ra suối giặt quần áo về, đang định đi nấu cơm cho con ăn thì lực lượng chức năng xuất hiện. Nhìn ánh mắt ngơ ngác, sợ sệt của con khi thấy nhiều người lạ trong nhà, Phương quặn lòng thương con. Nỗi ân hận ùa về nhưng tất cả đã muộn. “Tôi biết con gái đang đói lắm nên đã xin được nán lại vài phút để xới cơm cho con mà nước mắt cứ ứa ra. Tôi không nói được với con lời nào, cổ họng như có khúc gỗ chẹn ngang”, Phương kể.

Nữ phạm nhân này bảo giờ nghĩ lại cứ thấy ân hận vì hôm đó về muộn để con gái đói, không biết bây giờ con gái còn giận không.

Xấu xa đến mấy thì người mẹ nào cũng là người mẹ và tấm lòng luôn hướng về núm ruột mình đã sinh ra. Phương cũng vậy, chỉ mong con mình khỏe mạnh lớn khôn và cuộc đời không chông gai, vất vả như mình. Chị ta bảo chỉ mong con được ông bà cưu mang, được đi học và đừng vấp vào sai lầm của mẹ. Hỏi đã có dự định gì cho tương lai, Phương bảo án mình còn dài lắm, chẳng biết khi nào mới được về nên giờ chỉ biết cầu mong bố mẹ sức khỏe, không ốm đau bệnh tật và con gái được chăm bẵm, được học hành. “Ngày bị bắt con bé mới 4 tuổi, giờ cũng học lớp hai rồi. Chắc đến lúc em về cũng lớn lắm rồi, không biết bây giờ đang ở với ai nữa”, Phương nói. Rồi chị ta khẽ thở dài, ánh mắt xa xăm.

Ba năm nay Phương không nhận được tin nhà, không biết con mình sống ra sao nhưng sự động viên của quản giáo, của bạn tù và những cảnh đời mà vào đây mới có dịp chứng kiến đã khiến Phương cảm nhận và thấm thía. Chị ta bảo vào đây mới thấy mỗi người một cảnh khổ và tất cả đều có một điểm chung là đều ân hận và nuối tiếc. Phương bảo không thể vơi được buồn và ân hận nhưng sẽ chấp nhận nỗi day dứt trong lòng vì đó là cái giá mà chị ta phải trả cho những tội lỗi đã gây ra. Mong muốn của chị ta là được nạn nhân và mọi người tha thứ.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-pham-nhan-rot-nuoc-mat-khi-nhac-toi-cac-con-182372.html