Nữ phó chủ tịch phường với nhiều sáng kiến về PCCC ở Hà Nội
Với nhiều sáng kiến trong công tác PCCC, nữ Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa cháy, nổ ở cơ sở.
Sinh ra và lớn lên tại phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi mang đặc trưng của phố cổ với nhà nhỏ, ngõ sâu và những khu chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai rất tường tận về công tác PCCC.
Với tâm niệm phòng cháy hơn chữa cháy, nữ phó chủ tịch luôn đau đáu, đi tìm những giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC.
Trước khi về nhận nhiệm vụ tại phường Hàng Gai, trong thời gian công tác tại phường Hàng Bài, dưới sự tham mưu, quyết liệt của bà Huyền, trên địa bàn đã không ghi nhận đám cháy lớn nào xảy ra. Đặc biệt, không có vụ cháy nào gây chết người hay thiệt hại nặng nề về tài sản.
Cụ thể, dưới sự vận động tích cực của chính quyền địa phương, các hộ gia đình đều đồng thuận cắt mở khung sắt, "chuồng cọp", mở lối thoát nạn thứ hai và trang bị bình cứu hỏa.
Năm 2020, dưới sự tham mưu của bà Huyền, chính quyền phường Hàng Bài đã thành lập mô hình ký kết thi đua Tổ dân phố đạt chuẩn an toàn PCCC&CNCH. Để nâng cao tinh thần PCCC của người dân trên địa bàn, năm 2021, bà Huyền tiếp tục đề xuất triển khai mô hình Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ.
Cụ thể, các hộ gia đình sẽ thực hiện đảm bảo công tác an toàn PCCC theo phương châm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
Quá trình triển khai mô hình này đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, sau đó mô hình đã được nhân rộng trên 18 phường thuộc quận Hoàn Kiếm.
Dù vậy, với bà Huyền, mô hình mà bà cảm thấy tâm đắc nhất chính là Tiếng kẻng 114. Theo bà Huyền, mô hình này được triển khai từ tháng 9/2022 trên địa bàn phố Hàm Long. Đây là nơi chuyên kinh doanh, cung cấp bàn ghế, hoa nhựa nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Bà Huyền cho biết, mô hình Tiếng kẻng 114 hoạt động theo cơ chế khi có sự cố cháy nổ xảy ra, người dân sẽ gõ kẻng cảnh báo cho toàn bộ các hộ dân xung quanh, tận dụng triệt để 5 phút vàng trong chữa cháy để tiến hành công tác PCCC&CNCH, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ngoài ra, mô hình cũng vận động người dân trang bị thêm các thùng cát cứu hỏa để có thể xử lý khi xảy ra các sự cố cháy do xăng dầu gây ra.
Hiểu được tầm quan trọng về việc trang bị kiến thức an toàn PCCC cho thanh thiếu niên, trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra cháy, bà Huyền đã đưa ra sáng kiến tổ chức các chương trình trải nghiệm như "Chúng em là lính cứu hỏa" hay "Ngày hội toàn dân tham gia PCCC".
Những chương trình này đã thu hút hơn 1.000 em nhỏ tham gia học hỏi kỹ năng thoát nạn, sử dụng bình chữa cháy, sử dụng mặt nạ phòng độc và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ khác như sạc điện thoại, sạc xe điện…
Đến nay, khi đã chuyển công tác sang phường Hàng Gai, tuy không phụ trách công tác PCCC nhưng bà Huyền vẫn tích cực đóng góp kinh nghiệm, hỗ trợ, tham gia vào công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy.
Nhờ những sáng kiến mang lại những hiệu quả tích cực, mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống cháy nổ ở cơ sở.