Nữ Phó Giám đốc rởm chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng từ lừa XKLĐ

Dù không có nghề nghiệp ổn định nhưng Phùng Thị Mười luôn nói dối là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu V.N.D. để chiếm đoạt tiền của 139 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan.

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Phùng Thị Mười (còn gọi là “Phùng Thị Mười Linh”, SN 1972, trú tại thị trấn Ngõ Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cùng hai đồng phạm Trần Thị Sen (SN 1947, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) và Lương Văn Hiếu (SN 1988, trú tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, dù không có nghề nghiệp ổn định nhưng Mười luôn nói dối là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu V.N.D (trụ sở tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Tiếp xúc với mọi người, Mười tự nhận có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và có người quen làm ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nên có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan.

Mười hứa hẹn, người lao động có nhu cầu đi lao động xuất khẩu ở ba nước trên sau khi nộp hồ sơ và tiền sẽ được sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan lao động trong thời gian 5 năm. Kinh phí cho việc đi xuất khẩu lao động ở những nước này Mười yêu cầu người lao động phải nộp từ 10.000 đến 13.000 USD một người.

Để khẳng định những điều mình nói là có cơ sở, Mười hứa chắc chắn rằng “Sau khi nộp đủ tiền, người lao động sẽ xuất cảnh trong thời gian từ 3 đến 6 tháng”.

Nhận thấy một mình không thể thực hiện được hành vi lừa đảo nên Mười thuê Lương Văn Hiếu làm trợ lý tuyển dụng lao động với mức lương 5 triệu đồng một tháng và Trần Thị Sen là người tìm nguồn lao động cho Mười và được trả công 1.000 USD một hồ sơ.

Quá trình hợp tác, Hiếu và Sen biết rõ, Mười không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động sang các nước trên, nhưng vẫn tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Mười.

Do tin tưởng vào khả năng của Mười, trong thời gian từ năm 2015 đến 2018, 139 người lao động ở nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu xuất khẩu lao động đã nộp tiền trực tiếp cho Mười hoặc trung gian với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó Mười trực tiếp nhận tiền của 86 lao động với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Sau khi nhận số tiền này, Mười chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi hành vi lừa đảo bị phát hiện và người lao động đòi tiền, Mười không trả lại tiền cho các bị hại.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định, ngoài hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động như trên, Mười còn chiếm đoạt số tiền 530 triệu đồng của hai bị hại khác khi hứa xin cho họ vào biên chế Công an và biên chế ngành Y.

Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án này, bị cáo Mười giữ vai trò chủ mưu, khởi xướng, tổ chức và trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người lao động ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Hai bị cáo Hiếu và Sen là đồng phạm tích cực, giúp sức cho bị cáo Mười hoàn thành tội phạm.

Bị truy tố theo điểm a, khoản 4, Điều 174 BLHS năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Mười và hai bị cáo đồng phạm đối diện với hình phạt cao nhất là tù chung thân. Quá trình xét xử, do vắng nhiều bị hại và để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị hại nên sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/nu-pho-giam-doc-rom-chiem-doat-hon-28-ty-dong-tu-lua-xuat-khau-lao-dong-569278/