Nữ Phó giáo sư về nước với kỳ vọng cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân

Từ bỏ cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn ở nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường đã lựa chọn trở về quê hương với mong muốn góp sức cho sự phát triển của ngành Hóa học Việt Nam đầy tiềm năng và kỳ vọng giải quyết được các vấn đề về môi trường, thực phẩm.

 PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường (giữa) cùng nhóm sinh viên đạt giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học do trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tổ chức năm 2024

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường (giữa) cùng nhóm sinh viên đạt giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học do trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tổ chức năm 2024

Với bề dày thành tựu học thuật và sự hướng dẫn từ những giáo sư xuất sắc tại Đại học Basel, Thụy Sĩ, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường, sinh năm 1976, hiện là Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng Bộ môn Hóa học Phân tích, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mang về những phương pháp nghiên cứu tiên tiến, nổi bật là thành công trong nghiên cứu "Phân tích các dạng asen vô cơ trong nước ngầm" năm 2010.

Ngoài ra, cô còn nghiên cứu nhiều phương pháp và ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam như kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, dược phẩm…

Nữ PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường đã từ bỏ cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn ở nước ngoài để trở về nước giảng dạy và nghiên cứu

Nữ PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường đã từ bỏ cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn ở nước ngoài để trở về nước giảng dạy và nghiên cứu

Hành trình nỗ lực nơi xứ người

- PGS hãy chia sẻ về quá trình việc học tập, nghiên cứu của mình ở nước ngoài cùng những trải nghiệm của cô về lĩnh vực hóa học?

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường: Sống và học tập ở nước ngoài là một thử thách với bất cứ ai. Mới đầu tôi cũng còn bỡ ngỡ nhưng may mắn được bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ. Khi học tập ở Basel, tôi được chỉ bảo tận tình bởi GS.TS Peter Christian Hauser. Tôi phải sử dụng một phương pháp mới với một đề tài khá khó nhưng thú vị "Phân tích asen vô cơ trong nước ngầm", vốn đang là vấn đề đáng quan tâm tại Việt Nam lúc bấy giờ. Vậy nên tôi chọn đề tài này với hy vọng có thể góp phần nhỏ bé vào việc giảm thiểu ô nhiễm asen và môi trường ở quê nhà.

Học một phương pháp mới có rất nhiều trở ngại nhưng cũng rất thú vị, nhờ sự giúp đỡ của thầy, tôi đã chuyển giao thành công phương pháp này về Việt Nam. Cho đến nay, tôi vẫn đang thực hiện các hướng nghiên cứu sử dụng phương pháp này để giải quyết khá nhiều vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam như: Ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, chất lượng dược phẩm,…

Phụ nữ làm khoa học đang phải đối mặt với nhiều định kiến

- Động lực nào đã khiến cô trở về Việt Nam để giảng dạy và nghiên cứu?

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường: Đây là một câu hỏi khá thú vị! Trong thời gian học ở Đại học Basel, một số công ty dược phẩm lớn trên thế giới đã liên tục có lời mời làm việc gửi tới Trường với mức lương rất hấp dẫn. Nhóm nghiên cứu của tôi cũng có một bạn người Tây Ban Nha chuyển sang làm việc cho công ty Novatis và đảm nhận vị trí trưởng nhóm nghiên cứu.

Đứng trước những lựa chọn ở lại làm việc hay trở về Việt Nam, tôi hầu như không do dự với lựa chọn trở về. Trước hết, tôi muốn được ở gần gia đình. Đồng thời, động lực thôi thúc tôi trở về để góp một phần nhỏ bé vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề ở Việt Nam như tôi đã nêu ở trên.

Trong một lần phỏng vấn với Tạp chí Trường Đại học Basel, tôi cũng đã khẳng định mong muốn "etwas für Vietnam tun" (làm được điều gì đó cho Việt Nam).

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Đại học Basel, Thụy Sĩ

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Đại học Basel, Thụy Sĩ

- Vậy khi về nước, thời gian đầu cô có gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc không?

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường: Những thách thức đầu tiên khi tôi mới bước vào con đường nghiên cứu, giảng dạy là điều kiện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ví dụ về thư viện tài liệu công bố, cho đến bây giờ, hầu hết các nhà khoa học Việt Nam đều phải tự xoay sở trong việc tiếp cận các công bố quốc tế, trong khi tôi được tiếp cận miễn phí toàn bộ dữ liệu quốc tế khi học tập ở Đại học Basel vào những năm 2005-2007.

Ngoài ra, các hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí,… trong giảng dạy và nghiên cứu cũng là những vấn đề mà tôi và nhiều nhà khoa học, giảng viên phải vượt qua.

Chưa kể đối với việc phụ nữ làm khoa học thì khó khăn hầu như lớn hơn rất nhiều khi còn phải đối mặt với nhiều định kiến (cười).

Tự khắc phục những khó khăn ấy, đến giờ, có thể nói, tôi rất vui và tự hào vì nhiều sinh viên của mình sau khi ra trường, đang giữ các vị trí cán bộ kỹ thuật cao. Nhiều bạn tý chọn con đường du học để phát triển nghề nghiệp. Nhiều bạn thì đang theo đuổi sự nghiệp giảng dạy, trở thành đồng nghiệp của tôi…

Trong những năm gần đây, tôi cũng giúp được nhiều bạn sinh viên xin được các học bổng danh giá của châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

PGS.TS Ánh Hường (bìa trái) nghiên cứu thực địa

PGS.TS Ánh Hường (bìa trái) nghiên cứu thực địa

Lương là yếu tố quan trọng nhưng không phải tiên quyết…

- Luôn gắn bó với thế hệ trẻ trong quá trình học tập và nghiên cứu, cô đánh giá việc nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ hiện nay như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường: Hiện nay, theo quan sát của tôi, nhiều sinh viên chưa xác định được đam mê hay mục tiêu tương lai, dẫn đến trong quá trình học không có phương hướng và không tập trung vào các nội dung chuyên môn cần thiết sau này. Trong khi đó, khi còn học tâp và nghiên cứu ở nước ngoài, tôi thấy số lượng sinh viên trong trường Đại học không nhiều như ở Việt Nam, nhưng tất cả các bạn ý đều đã xác định được nghề nghiệp định hướng của mình trong tương lai nên rất tập trung cho việc học tập chuyên môn sâu của mình.

- Cô nhận xét thế nào về vấn đề chảy máu chất xám ở Việt Nam? Việt Nam cần có những chính sách nào để thu hút nhân tài trong ngành khoa học tự nhiên trở về nước làm việc?

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường: Về vấn đề chảy máu chất xám, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia đang phát triển đều gặp phải. Theo tôi, các yếu tố có thể cân nhắc để thu hút nhân tài trong các ngành khoa học tự nhiên quay trở về nước làm việc là tiền lương, điều kiện nghiên cứu khoa học (chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị,…).

Tiền lương là yếu tố quan trọng nhưng không phải tiên quyết, các điều kiện để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học thuận lợi mới là yếu tố quyết định để thu hút các nhà khoa học về nước làm việc. Nhiều quốc gia có các chính sách rất tốt về vấn đề này có thể tham khảo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,…

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS vì những chia sẻ!

Anh Thư - Ngọc Minh - Hoài Thu (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-pho-giao-su-ve-nuoc-voi-ky-vong-cai-thien-moi-truong-nang-cao-chat-luong-song-cua-nguoi-dan-20240616102750739.htm