Nữ quân nhân 'mũ nồi xanh' tự tin, sẵn sàng lên đường
Nhiệt huyết, tài năng, trẻ trung và khát khao cống hiến là hành trang quý của các nữ quân nhân Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 (BVDC2.5) mang theo lên đường tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Gặp những bóng hồng 'mũ nồi xanh' trong thời gian tất bật chuẩn bị cho ngày lên đường đến phái bộ, chúng tôi đã ghi lại những câu chuyện cảm động về ý chí, nghị lực của các chị.
Tự tin, trưởng thành hơn
Gặp Đại úy QNCN Dương Kiều Loan (điều dưỡng Khoa Ngoại, BVDC2.5) trong những ngày BVDC2.5 làm công tác đóng gói trang bị, hàng hóa để chuyển sang địa bàn hoạt động của bệnh viện tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc, chúng tôi rất xúc động khi thấy chị đã cắt đi mái tóc dài chấm ngang lưng để sẵn sàng lên đường.
Chia sẻ về diện mạo mới, Kiều Loan tâm sự: “Cắt đi mái tóc dài là quyết định khó khăn của tôi. Mái tóc ngắn phong cách “tomboy” này giúp tôi trông khỏe khoắn, cứng cáp hơn và quan trọng là khẳng định tôi đã tập trung toàn tâm cho nhiệm vụ quốc tế phía trước. Tròn 10 năm hoạt động ngành y trong quân đội, tôi đang chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa mới. Đó là nhiệm vụ mà tôi khát khao thực hiện từ nhiều năm trước là trở thành chiến sĩ “mũ nồi xanh”.
Kiều Loan bày tỏ thêm, trong thời gian tập trung huấn luyện BVDC2.5, được tìm hiểu thêm về cuộc sống thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt của người dân châu Phi, đặc biệt là trẻ nhỏ, chị dâng lên một cảm xúc khó tả, mong muốn được dấn thân cùng đồng đội, đồng nghiệp để có thể chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở nơi rất xa quê hương.
Khó khăn lớn nhất của chị là trình độ tiếng Anh nhưng xác định niềm tự hào là nữ quân nhân “mũ nồi xanh” tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc, chị đã vượt qua rào cản này để bảo đảm các yêu cầu đặt ra của Liên hợp quốc.
“Giờ đây, tôi chỉ có một tâm huyết duy nhất là mang kiến thức, kỹ năng cống hiến cho BVDC 2.5 tại phái bộ”, Kiều Loan nhấn mạnh.
Còn với Trung úy QNCN Trần Như Ngọc (Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, BVDC2.5), trải qua hơn một năm huấn luyện tập trung tại Bệnh viện Quân y 175, bản thân đã được học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như ngoại ngữ.
Thành công vượt bậc của Như Ngọc là có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với những chuyên gia, giảng viên nước ngoài thông qua những khóa huấn luyện chuyên nghiệp, giúp chị ngày càng tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, cũng như phong cách ứng xử trong cuộc sống, công tác chuyên môn.
Trung úy QNCN Trần Như Ngọc chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ và ấn tượng với những việc làm mà lực lượng “mũ nồi xanh” đã cống hiến cho Tổ quốc và quốc tế thời gian qua. Những điều đó đã thôi thúc tôi đăng ký tình nguyện tham gia BVDC2.5 với mong muốn góp một phần sức trẻ và nhiệt huyết để góp phần xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với Liên hợp quốc và bạn bè thế giới. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý báu để tôi trau dồi và hoàn thiện bản thân”.
Với Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Như Ngọc (điều dưỡng Khoa Ngoại, BVDC 2.5), lần thực hiện nhiệm vụ này trở nên đặc biệt khi chị được trở lại mảnh đất Nam Sudan.
Chị đã tham gia BVDC2.3 và tình nguyện xung phong tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong đội hình BVDC2.5. Với chị, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn y tế ở phái bộ GGHB Liên hợp quốc là sự trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời, là cơ hội để học tập, giao lưu các nền văn hóa nước bạn. Và lần thứ hai được tham gia nhiệm vụ này, với chị đó là niềm vinh dự, hạnh phúc đặc biệt.
Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Như Ngọc bộc bạch: “Thật khó để diễn tả hết cảm xúc khi được trở lại đội hình BVDC tham GGHB Liên hợp quốc, cảm xúc ấy còn mãnh liệt hơn lần đầu tôi tham gia. Với những kinh nghiệm thực tiễn từ BVDC2.3, tôi đã chia sẻ cùng chị em tại BVDC2.5 trong công tác chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý, các vấn đề đặc thù riêng của nữ quân nhân để mọi người an tâm, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp tới”.
Môi trường huấn luyện nghiêm khắc, lịch trình học tập dày đặc và phải xa gia đình trong suốt quá trình huấn luyện là những khó khăn mà các nữ quân nhân BVDC2.5 đã và đang vượt qua. Với sự hỗ trợ, động viên từ thủ trưởng các cấp, ban giám đốc BVDC2.5, đồng đội, đồng nghiệp đã tạo thêm nguồn động lực giúp các bóng hồng “mũ nồi xanh” không ngừng tiến bộ, trưởng thành, trở thành một mắt xích không thể thiếu trong đại gia đình BVDC2.5.
Bên cạnh đó, các đồng chí từng tham gia BVDC trước đây, tiếp tục vào đội hình BVDC2.5 đã truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu về chuyên môn, cách phối hợp nhịp nhàng trong công việc và những điều thú vị trong sinh hoạt hằng ngày tại phái bộ đã tiếp thêm nhiệt huyết cho nữ quân nhân BVDC2.5.
Nêu cao trách nhiệm, sẵn sàng lên đường
Trước ngày lên đường chính thức, đã có 6 thành viên ưu tú của BVDC2.5 vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Là 1 trong 6 đảng viên trẻ vừa kết nạp, đến hôm nay, Trung úy QNCN Bùi Thị Huế (điều dưỡng Phòng Khám, BVDC2.5) vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, tự hào khi được trao quyết định kết nạp Đảng. Với Huế, từ khi tập trung huấn luyện cho BVDC2.5, chị đã khắc phục được những hạn chế của bản thân, tự tin hơn, hoạt bát hơn và nhất là nhận thức rõ hơn về niềm vinh dự khi được tham gia Lực lượng GGHB Liên hợp quốc trong vai trò người thầy thuốc Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chị Huế bộc bạch rằng: “Trở thành người chiến sĩ "mũ nồi xanh" là thách thức cũng như cơ hội để tôi có thể góp phần tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Được kết nạp Đảng trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Nam Sudan là niềm tự hào và là cột mốc khó quên trong quá trình trưởng thành của tôi. Là một đảng viên, tôi càng phải nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh, sự tiên phong đối với nhiệm vụ quốc tế mà Đảng, Nhà nước, quân đội đã tin tưởng giao phó. Cùng với chuyên môn, tôi mong muốn sẽ giúp được phần nào đó các trẻ em thiếu may mắn ở Nam Sudan thông qua những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa”.
Cũng như chị Huế, Trung úy QNCN Trần Như Ngọc cũng bày tỏ rằng, kết nạp Đảng trước ngày lên đường được ví như “ngày ra trận”, là niềm vui mừng khôn xiết và là niềm tự hào của gia đình chị. “Những ngày cuối tháng 6-2023, tôi cùng các chị cũng tất bật, khẩn trương hòa trong không khí chuẩn bị hàng hóa, quân tư trang để cùng BVDC2.5 xuất quân lên đường. Mọi thứ đã sẵn sàng rồi! Chúng tôi đang rất háo hức đến giây phút đặt chân mình lên địa bàn phái bộ GGHB Liên hợp quốc” – Như Ngọc tâm sự.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ BVDC2.5, Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết: “Tuy số lượng hội viên phụ nữ BVDC2.5 không nhiều nhưng khối lượng công việc chúng tôi dự kiến thực hiện trong thời gian ở phái bộ rất lớn, đòi hỏi sự chung tay, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của các chị em. Lần này, chúng tôi mang theo rất nhiều vật phẩm để quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Các chị em cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng về ẩm thực, múa hát, thêu đan, viết thư pháp, xếp hình bằng lá dừa... cho những hoạt động văn hóa tại phái bộ”.
Hiện có 6 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2.5 đã có gia đình, có con nhỏ nhưng tất cả đều an tâm tư tưởng, thu xếp ổn thỏa việc hậu phương, xác định quyết tâm rất tốt cho nhiệm vụ sắp tới.
Hội Phụ nữ của bệnh viện cũng tổ chức sinh hoạt “Tâm tình chị em” trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan. “Bản thân tôi cũng có con nhỏ mới hơn 3 tuổi nhưng được sự ủng hộ từ hậu phương, tôi dành toàn tâm toàn ý cho hoạt động BVDC2.5. Tôi sẽ nắm bắt cơ hội không phải ai cũng có và sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, để sau này có kể cho các con nghe về một thời tuổi trẻ của mẹ ở phái bộ GGHB Liên hợp quốc”, chị Hằng bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Hà Ngọc, Giám đốc BVDC2.5 cho biết: “Lực lượng nữ quân nhân không chỉ giỏi chuyên môn mà sẽ là lực lượng nòng cốt để chúng tôi tổ chức các hoạt động giới thiệu đến bạn bè quốc tế về nét độc đáo trong văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Ban giám đốc BVDC 2.5 luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nữ quân nhân để cùng phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng vì một mục tiêu chung là hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh đẹp về người thầy thuốc của Quân đội nhân dân Việt Nam tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc”.
Cuối tháng 6-2023 tới đây, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, 10 nữ quân nhân BVDC2.5 sẽ tạm chia tay người thân, bạn bè, đồng nghiệp, quê hương để cùng với tập thể bệnh viện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở đất nước xa xôi cả về không gian và thời gian. Họ cũng tạm gác lại vai trò của người mẹ, người vợ, mang tinh thần, trái tim, nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, những nữ thầy thuốc quân y ưu tú đến với bạn bè quốc tế. Ở mảnh đất xa xôi, khoác trên người màu áo của lực lượng GGHB, họ không chỉ mang niềm tự hào của riêng mình mà còn là niềm tự hào của đồng đội, đơn vị, gia đình và cả đất nước.