Nữ quyền, đồng tính, da màu chi phối điện ảnh thế giới
Nữ quyền, đồng tính, phân biệt chủng tộc là những vấn đề đang chi phối mạnh mẽ điện ảnh thế giới từ Tây sang Đông.
Những phim khai thác đề tài nữ quyền, tình yêu đồng giới, đả phá nạn phân biệt chủng tộc tăng mạnh trên điện ảnh lẫn truyền hình. Sự chi phối này mạnh đến mức nhà làm phim muốn được xem là người hiểu ngôn ngữ điện ảnh thế giới, muốn hòa nhập và được thế giới công nhận phải cố gắng lồng ghép những chủ đề này theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thành công của chiến dịch "MeToo", chiến dịch "Time’s Up" chống quấy rối tình dục cùng những chiến dịch bình đẳng giới đã góp phần đẩy chủ đề nữ quyền đi xa trên màn ảnh thế giới. Nó không chỉ trở thành xu hướng ở Hollywood mà còn ở châu Á. Phim Hàn Quốc "Phi vụ nữ quyền" (Miss & Mrs. Cops) đang chiếu tại Việt Nam là tác phẩm nữ quyền mới nhất ra mắt khán giả. Những thông điệp của chủ đề này được truyền đi một cách thông minh qua kịch bản chặt chẽ, mạch phim cuốn hút.
Nữ quyền nở rộ ở các phim siêu anh hùng, vốn trước đây là sân chơi của nam giới, nữ giới chỉ làm nền. "Wonder Woman" năm 2017 tạo nên chú ý khi đưa hình ảnh nữ siêu anh hùng đầy ấn tượng lên màn ảnh rộng. Phim thắng doanh thu cùng những lời khen ngợi từ giới phê bình. Gần đây, khán giả thế giới được thấy "Captain Marvel" với sức mạnh khủng khiếp nhất trong vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) mà cả ác nhân Thanos cũng dè chừng. Sắp tới, nhiều nữ siêu anh hùng trong các phim làm lại hoặc mới như: "Black Widow", "Scarlet Witch", "Okoye"... sẽ ra mắt khán giả.
Bên cạnh nữ quyền, chủ đề đồng tính được khai thác nhiều từ năm 2018 đến nay. GLAAD (một nhóm hoạt động vì quyền bình đẳng LGBT) khảo sát năm 2018 có 110 phim phát hành từ 7 hãng phim lớn nhất Hollywood, trong số đó có 20 nhân vật thuộc LGBTQ (đồng tính nam, nữ, song tính, chuyển giới và giới tính chưa xác định). Con số này tăng cao kể từ năm 2017. Những phim có nhân vật đồng tính gặt hái thành tích cao từ doanh thu đến giải thưởng trong năm 2018 phải kể đến: "Bohemian Rhapsody", "Deadpool 2", "Love, Simon". Trong đó, vai chính trong "Bohemian Rhapsody" đã mang về cho Rami Malek giải Oscar hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Năm 2019 có "Rocketman" và "Booksmart" (nhân vật chính là đồng tính nữ). Những nhân vật đồng tính trên màn ảnh rộng đã bắt đầu đa dạng tính cách, có phản diện, chính diện, nhiều chiều hơn trong mắt khán giả đại chúng.
Còn với chủ đề phân biệt chủng tộc, những phim của đạo diễn Jordan Peele khắc họa rõ nét nhất, trong "Get out" và gần đây là "Us". Tác phẩm "Green book" thắng Oscar 2019 hạng mục Phim xuất sắc nhất cũng xoay quanh chủ đề này.
Điện ảnh phản ánh đời sống xã hội. Giá trị nhân văn, tinh thần đứng về phía người yếu thế trong những tác phẩm khai thác các chủ đề này đều được số đông công chúng hôm nay ủng hộ. Nhiều người trong giới ghi nhận rằng những phim khai thác các chủ đề này nếu làm tốt, chạm cảm xúc khán giả, dễ gặt hái doanh thu cao.
Nhiều chuyên gia dự đoán trong tương lai gần, những đề tài khai thác chủ đề này vẫn được các nhà sản xuất tiếp tục tập trung khai thác. Họ thừa nhận sự chi phối của các chủ đề này nhưng không chấp nhận các tác phẩm bản sao, rập khuôn của nhau mà đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Vì thế, một kịch bản tốt, không khiên cưỡng khi đưa các chủ đề này vào sẽ được đánh giá cao hơn là nỗ lực thêm thắt vụng về. Như trường hợp phim "Vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Bỏ qua những tranh cãi diễn viên 13 tuổi đóng vai giường chiếu, phim này khiến khán giả không đồng tình ở chi tiết tình đồng tính giữa vợ hai và vợ ba khá khiên cưỡng mà ê-kíp làm phim cố đưa vào, không chỉ gây phản cảm mà còn làm giảm giá trị thông điệp bộ phim muốn chuyển tải.