Nữ quyền trong thời trang có từ hơn 200 năm trước

Ngày nay, thời trang không còn nhiều rào cản về giới. Đó là quá trình dài nỗ lực của phụ nữ để tìm sự bình đẳng trong thời trang.

Theo L'Officiel, xuyên suốt lịch sử, thời trang và nữ quyền có mối quan hệ đặc biệt với nhau. Khởi điểm bằng sự gò bò, phụ nữ đã dần khẳng định vị thế của mình trong xã hội thông qua các tuyên bố thời trang. Lúc này, không còn ai có thể cấm cản họ làm điều gì nữa.

Làn sóng đầu tiên

Trước những năm 1800, phụ nữ phải gắn liền với corsets nặng nề, gò bó. Nhà nữ quyền Amelia Bloomer là một trong những người đầu tiên nung nấu ý định thay đổi điều này. Trên cương vị biên tập viên báo chí, bà đã cho xuất bản nhiều bài báo thúc đẩy sự thay đổi trong tiêu chuẩn ăn mặc của nữ giới. Bloomer muốn phụ nữ không còn bị quá gò bó trong thời trang.

Vào năm 1851, nhà hoạt động xã hội Libby Miller đã tạo ra một loại trang phục mới: Quần ống rộng, bó ở mắt cá chân, chùm bên ngoài là váy. Miller đã đem trang phục này đến cho Bloomer và nhận được sự ủng hộ của bà. Sau này, bộ trang phục vẫn được biết đến nhiều với cái tên: "Bloomers".

"Bloomers" (ảnh trái) và hình ảnh phụ nữ đầu những năm 1900. Ảnh: L'Officiel.

"Bloomers" (ảnh trái) và hình ảnh phụ nữ đầu những năm 1900. Ảnh: L'Officiel.

Lý do khiến phong trào nữ quyền nhen nhóm thời kỳ này là bởi tới những năm 1840, phụ nữ không còn được khuyến khích làm việc trong nhà máy như thời Cách mạng Công nghiệp. Họ phải trở về nhà, mặc những chiếc váy nặng nề, cồng kềnh và khó cởi.

Mọi chuyện sáng sủa hơn vào những năm 1900. Lúc này, phụ nữ tham gia lực lượng lao động và bắt đầu chơi thể thao. Những bộ váy nặng nề không còn phù hợp để đạp xe hay cưỡi ngựa.

Trong thời gian này, một số màu như trắng, tím, xanh lá trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh.

Vào những năm 1910, quần tây xuất hiện trong tủ đồ phụ nữ. Đây là khởi đầu cho sự nổi lên của khái niệm "phụ nữ mới" vào những năm 1920. Những người phụ nữ này phá cách với tóc ngắn, váy bớt gò bó hơn.

Làn sóng thứ hai

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phụ nữ trở lại vai trò nội trợ như trước. Thời trang nữ giai đoạn này mang đậm vẻ nữ tính, form dáng vừa vặn. Tuy nhiên, với những người đang đấu tranh để tìm sự bình đẳng, đôi môi và gót giày đỏ chính là biểu tượng của sự áp bức.

 Những chiếc váy ngắn là biểu tượng của làn sóng thứ hai. Ảnh: L'Officiel.

Những chiếc váy ngắn là biểu tượng của làn sóng thứ hai. Ảnh: L'Officiel.

Vào những năm 1960, 1970, phong trào đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mary Quant tạo ra chiếc váy mini - thứ trở thành biểu tượng cho cuộc cách mạng tình dục do sự ra đời của thuốc tránh thai. Phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn trong cách ăn mặc và không còn gắn chặt với hình ảnh nội trợ.

Tới những năm 1970 1980, phụ nữ tham gia lực lượng lao động thể hiện hình ảnh mạnh mẽ, nam tính và chuyên nghiệp hơn. Họ kết hợp váy và áo khoác có độn vai. Thời kỳ này, chính những người tham gia phong trào nữ quyền lại xảy ra bất đồng quan điểm.

Một số nhà nữ quyền tin rằng trang phục như quần tất đã phản bội phong trào. Những người khác lại coi trang phục ôm sát nữ tính là cách tăng cường sự giải phóng.

Làn sóng thứ ba

Làn sóng thứ ba có sự khác biệt lớn với những phong trào trước đó. Phụ nữ không nhất thiết phải ăn mặc nữ tính hay mạnh mẽ.

Họ mặc những gì mình thích, thậm chí là để "ngực trần". Điều này cũng gây nên nhiều cuộc tranh cãi về việc phụ nữ nên mặc gì.

 Làn sóng thứ ba đem đến những hình ảnh táo bạo hơn của nữ giới. Tuy nhiên, táo bạo không phải điều duy nhất để thể hiện nữ quyền. Ảnh: Daily Mail.

Làn sóng thứ ba đem đến những hình ảnh táo bạo hơn của nữ giới. Tuy nhiên, táo bạo không phải điều duy nhất để thể hiện nữ quyền. Ảnh: Daily Mail.

Với làn sóng thứ ba, nữ quyền không còn đơn giản là sự đấu tranh của phụ nữ. Đôi khi, có những người lợi dụng khái niệm này để mặc những bộ đồ gây sốc, câu kéo sự chú ý.

Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, sau hơn 200 năm, cuộc đấu tranh đã đem về kết quả mỹ mãn.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-quyen-trong-thoi-trang-co-tu-hon-200-nam-truoc-post1340867.html