Nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc
Thông minh, sắc sảo, cởi mở, dễ gần là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam.
Rất ngại nói về thành tích bản thân, thế nhưng khi nhắc về khoảng thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, ánh mắt Hằng Nga rực sáng, giọng nói như có lửa. Hằng Nga bảo: “Tôi không nghĩ mình được ghi dấu ấn là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc (LHQ), mà quan trọng hơn hết là khoảng thời gian công tác tại Nam Sudan. Tại Nam Sudan, tôi đã có điều kiện để học hỏi và trưởng thành vượt bậc cũng như có cơ hội để giới thiệu hình ảnh, con người Việt Nam đến với đông đảo bạn bè thế giới”.
Trước khi tham gia lực lượng GGHB của LHQ tại Nam Sudan, Hằng Nga công tác tại Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam), đảm nhiệm vị trí trợ lý công nghệ thông tin. Năm 2018, lần đầu tiên LHQ đề nghị Việt Nam cử một nữ sĩ quan tham gia lực lượng GGHB để bảo đảm chính sách bình đẳng giới. Nắm được thông tin, Hằng Nga viết đơn tình nguyện xung phong và được lựa chọn với nhiệm kỳ 12 tháng tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan.
Nói về quyết định táo bạo này, Hằng Nga cho biết, trước đó, chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và rất ngưỡng mộ những nam quân nhân đầu tiên xung phong lên đường tham gia lực lượng GGHB LHQ; đặc biệt càng ngưỡng mộ hơn những nữ quân nhân và nhiều phụ nữ của các nước trên thế giới đã và đang có những đóng góp quan trọng trong công tác GGHB. Điều này đã tiếp thêm ý chí và nghị lực cho quyết định cuối cùng của chị. Vượt qua khoảng thời gian làm công tác chuẩn bị cũng như hoàn thành xuất sắc các vòng huấn luyện khắc nghiệt, Hằng Nga mang theo quyết tâm và sự tự tin cùng đồng đội lên đường.
Tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của Hằng Nga là tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại Trung tâm Tác chiến, Sở chỉ huy Phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về những sự cố xảy ra trên địa bàn; xin ý kiến chỉ huy và điều phối các cơ quan liên quan trong trường hợp có sự cố xảy ra... Công việc thường xuyên kéo dài (từ 16 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau), nhiều căng thẳng, áp lực do những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình thực tế, trong khi đó, cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở còn nhiều thiếu thốn...
Khó khăn, vất vả, áp lực là vậy, nhưng Hằng Nga luôn ý thức về trọng trách của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Với sự nhiệt tình, ham học hỏi và không ngại khó, ngại khổ, kết thúc nhiệm kỳ công tác, Đỗ Thị Hằng Nga được Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan tặng 2 Huy chương Vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của LHQ và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi mặt công tác (Hằng Nga nằm trong tỷ lệ 1-2% cán bộ hằng năm được LHQ ghi nhận).