Nữ sĩ Quỳnh Lệ và cái duyên với Bình Phước
BPO - “Thời trẻ là phóng viên, tôi thường xuyên quảy ba lô đi trải nghiệm thực tế tại các nông trường cao su thuộc các tỉnh miền Đông, trong đó có Bình Phước. Mỗi chuyến đi, tình đất, tình người lại càng thêm thấm đẫm. Chính vì vậy, không chỉ viết báo mà tôi còn làm thơ, viết nhạc về người công nhân cao su dãi dầu sương gió. Đến giờ, tôi vẫn “nợ” Bình Phước vì chưa phổ nhạc cho bài thơ của mình về miền đất tôi yêu…”. Đó là những lời tâm sự của nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ (tên thật là Huỳnh Thị Lệ) mỗi khi nhắc về Bình Phước, địa bàn chị từng gắn bó 20 năm khi còn công tác tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Duyên với ngành cao su
Quỳnh Lệ sinh ra tại xã biển Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1979, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nhưng chị không theo nghiệp giáo viên mà lại có duyên với nghề báo tại Báo Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang. Năm 1983, chị lập gia đình rồi về sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, đúng lúc Tổng cục Cao su mới thành lập Báo Cao su Việt Nam nên chị xin chuyển công tác. Và lúc đó chị đã đi đến các đơn vị như Cao su Đồng Phú, Dầu Tiếng thuộc tỉnh Sông Bé để tập sự “vào nghề”.
Lần đầu tiên được hòa mình vào bạt ngàn rừng cao su xanh ngát, trải dài qua những nông trường đầy nắng gió, cô gái miền Tây Quỳnh Lệ không chỉ viết bài phản ánh theo yêu cầu của tòa soạn mà còn viết thêm 1 bài thơ dạt dào cảm xúc: Em đến quê anh đất đỏ miền Đông/Cao su mênh mông xanh mùa trồng mới/Ở thành phố, nghe “nông trường” ngỡ xa vời vợi/Nắng bụi mưa lầy, gian khó biết bao… (Bài thơ “Em đến quê anh”). Nhờ bài thơ đong đầy cảm xúc trong trẻo ấy, Quỳnh Lệ đã trở thành nữ phóng viên đầu tiên của Báo Cao su Việt Nam. Từ đó, Quỳnh Lệ vừa viết báo, làm thơ và sáng tác ca khúc về cây cao su, về những người công nhân sớm hôm vất vả đem đến cho đời những dòng “vàng trắng”.
Và rồi từ cô phóng viên, Quỳnh Lệ đã phấn đấu trở thành Thư ký tòa soạn, rồi Tổng biên tập Báo Cao su Việt Nam.
Trong thời gian công tác tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, chị Quỳnh Lệ đã đề xuất với lãnh đạo tổ chức cuộc vận động sáng tác về ngành cao su với các thể loại: Thơ, ký, nhạc, vọng cổ. Chị đã mời các văn nghệ sĩ tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác về ngành cao su. Riêng chị đã phát hành album Nhạc&Thơ Quỳnh Lệ chủ đề “Đến với yêu thương” (gồm 8 ca khúc của chị và 6 ca khúc do các nhạc sĩ phổ thơ của chị). Tháng 10-2014, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam, chị đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước) sản xuất 2 chương trình ca nhạc, chủ đề “Khát vọng xanh” và “Âm vang dòng nhựa trắng”. Chị cũng từng đi thực tế sáng tác do đài tổ chức tại các huyện Bù Gia Mập, Hớn Quản và ca khúc “Tìm anh nơi đại ngàn” của chị ra đời, đã được đài sử dụng phát sóng...
Trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp
Quỳnh Lệ bén duyên với nghề báo, song trên con đường làm báo chị lại khá thành công với việc sáng tác ca khúc. Lĩnh vực sáng tác âm nhạc xưa nay nam giới thường chiếm số đông nên Quỳnh Lệ được xem là gương mặt tiêu biểu trong giới. Dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp âm nhạc của Quỳnh Lệ là album Tình khúc Quỳnh Lệ với 12 nhạc phẩm, chủ đề “Bong bóng mưa”.
Quỳnh Lệ từng giành giải A trong cuộc thi sáng tác ca khúc do Sở Văn hóa - Thông tin Tiền Giang tổ chức, với nhạc phẩm “Khúc ca dao cho người lính trẻ”. Được giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo khuyến khích, động viên, Quỳnh Lệ đã tham gia tập huấn những khóa học sáng tác và học thêm tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh để trau dồi kỹ năng, hoàn thiện bản thân trong sự nghiệp âm nhạc. Chị đã nhận thêm nhiều giải thưởng như: Giải B Hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh với ca khúc “Đồng Lộc ngọn lửa thiêng”, giải ba ca khúc “Hải Phòng mùa xuân”, giải khuyến khích cuộc thi sáng tác cùng bolero “Xin chỉ là giấc mơ” do Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức và nhiều giải thưởng khác về đoàn thanh niên, tuổi trẻ… Năm 2019, chị được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Hiện chị đang ấp ủ phổ nhạc bài thơ viết về Bình Phước của mình, với tình cảm mộc mạc nhưng đong đầy yêu thương, nhiều kỷ niệm khó phai trên hành trình hơn 20 năm mà chị đã gắn bó... Về Bình Phước hôm nay/Trái tim như ngọn lửa/Thắp lên bao mơ ước/Soi sáng đất anh hùng… (Bài “Về Bình Phước”).
Đức Hòa