Nữ sĩ Xuân Quỳnh trong ký ức các con
Xuân Quỳnh là nữ nhà thơ nổi tiếng của văn chương Việt. Bà kết hôn với kịch gia Lưu Quang Vũ, có một con chung là Lưu Quỳnh Thơ. Trước khi lấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã kết hôn với một nghệ sĩ và có con trai Lưu Tuấn Anh. Còn Lưu Quang Vũ, trước khi lấy nữ sĩ, ông cũng đã có vợ là NSƯT Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.
Là con đầu tiên của Xuân Quỳnh, Lưu Tuấn Anh được hưởng trọn tình mẫu tử trong những năm 1966-1972. Thời gian ấy, Xuân Quỳnh viết nhật ký nhiều, qua các cuốn nhật ký để lại, dường như mối quan tâm chính của nữ sĩ là người con trai đầu lòng. Bà dành những trang đắm đuối viết về bước chân chập chững đầu tiên, những lời bi bô, những sự việc nhỏ nhặt của con…
Sau khi lấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh có thêm hai người con. “Có thêm con là thêm phần vất vả lo toan. Nhưng tình mẫu tử giúp bà vượt qua tất cả. Các con là động lực và nguồn cảm hứng cho bà”, Lưu Tuấn Anh viết.
Trong ký ức của Lưu Tuấn Anh, Xuân Quỳnh là người mẹ gần gũi, người bạn tâm giao với ba con. “Bà thường hay trò chuyện với chúng tôi và hay trêu đùa hoặc tếu khiến chúng tôi nhiều phen cười ngất. Ở bên mẹ thật dễ chịu vì bà luôn tạo cho chúng tôi một tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Bà cho chúng tôi cái cảm giác được là chính mình, được cởi mở nói điều mình nghĩ, được cười đùa và được lắng nghe”. Xuân Quỳnh là người mẹ tháo vát. Bà nấu ăn, khâu vá, lo chuyện học hành của các con, bà tập cắt tóc nam để cắt tóc cho con đến khi Lưu Tuấn Anh đi làm và Lưu Minh Vũ vào đại học. Nữ sĩ truyền tình yêu văn chương, nghệ thuật cho con. Bà đọc sách cho con nghe và khuyến khích các con yêu văn chương, học các môn nghệ thuật. Đặc biệt, Xuân Quỳnh luôn canh cánh nỗi lo các con không thương nhau. Vì vậy, Xuân Quỳnh lo lắng và luôn dặn Tuấn Anh phải làm gương nhường nhịn và yêu thương các em. Từ ước vọng của mẹ mà các con gần gũi nhau hơn. Với Lưu Tuấn Anh và Lưu Minh Vũ, dù hai người không chung dòng máu, nhưng bản thân Xuân Quỳnh như một chất keo dính của tình yêu thương.
Nếu như Lưu Tuấn Anh là người con Xuân Quỳnh dứt ruột sinh ra, thì Lưu Minh Vũ cũng cảm nhận được tình mẫu tử từ nữ sĩ. Anh gọi Xuân Quỳnh là má, để phân biệt với người mẹ đã sinh ra anh. Lưu Minh Vũ nhớ như in từng hành động, sự chăm sóc của má Quỳnh. “Tôi nhớ là từ bé tôi chưa phải đến nha sĩ bao giờ, má tự nhổ những cái răng sữa của tôi. Rồi chuyện cắt tóc cho tôi đến việc họp phụ huynh, đưa tôi đi bệnh viện, chuyện vá quần vá áo…” Khi Lưu Minh Vũ 9 tuổi, anh hai lần mổ ruột thừa, phải tiêm kháng sinh rất đau, Xuân Quỳnh là người đã ở bên, chăm sóc anh trong suốt một tháng nằm viện.
Xuân Quỳnh không chỉ quan tâm chuyện ăn học, bà còn lưu ý chuyện vui chơi của con. Lưu Minh Vũ nhớ dịp Tết đến, trong phiếu mua hàng có bánh pháo. Tiêu chuẩn của nhà không được nhiều, Xuân Quỳnh tháo khoảng nửa bánh cho con đốt lẻ. Bà cũng là người khéo léo gói những chiếc bánh chưng đẹp nhất trong ký ức Lưu Minh Vũ.
Những việc mà Minh Vũ kể ra đều là sự săn sóc của bao người mẹ bình thường dành cho con. Nhưng những việc giản dị ấy trở nên cao cả hơn khi đó là tình cảm của một người phụ nữ dành cho một đứa trẻ do người khác sinh ra.
Xuân Quỳnh làm thơ tặng các con, trong đó có những bài thơ đầy tình cảm dành cho con riêng của chồng: “Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ/Của bà và của ông/Của má nữa-biết không/Con làm bằng tất cả” (Cắt nghĩa). Dù Xuân Quỳnh đã đi xa, nhưng tình yêu thương, sự dí dỏm, tháo vát của bà vẫn luôn bên các con, khiến hai người con không thể mỉm cười khi nhớ về người đã khuất, như lời Lưu Tuấn Anh: “Mẹ vẫn ở đây, đầy ắp bên trong trái tim chúng tôi như suối nguồn thương yêu vô tận của tình mẫu tử”.