Nữ sinh chinh phục học bổng của 16 trường đại học khác nhau
Nguyễn Thị Minh Hạnh (sinh năm 2005, Vĩnh Phúc) là cựu học sinh trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Cô đã xuất sắc giành được học bổng của hơn 16 trường đại học khác nhau với 'profile cực đỉnh'.
Minh Hạnh giành hàng loạt học bổng của các trường đại học lớn như: SP Jain, Monash, Deakin, University of Sydney (Úc), Augustana College, Colorado College, DePauw University, Trinity University (Mỹ), University of Dundee, University of Bristol (Anh), cùng các trường đại học tại Việt Nam như RMIT, Vin University, British University Vietnam and Swinburne Vietnam. Trong đó, học bổng cao nhất mà Minh Hạnh đạt được là học bổng 90% (tương đương 2 tỷ đồng của SP Jain School of Global Management, Úc).
Nữ sinh Vĩnh Phúc đã ấp ủ dự định đi du học từ những năm còn học tiểu học. Minh Hạnh đã được làm quen với môi trường Âu Mỹ từ nhỏ, khi có bạn bè xung quanh là người nước ngoài và được tiếp xúc thường xuyên qua phim ảnh. Dự định đó càng được hình thành rõ hơn khi lên THPT, Minh Hạnh được học tập và làm quen với nhiều bạn có chung mục tiêu. Bởi vậy, cô đã chăm chỉ tham gia những cuộc thi và các hoạt động ngoại khóa khác nhau để bổ sung cho profile của bản thân. Có thể kể đến một số thành tích tiêu biểu như: Quán quân cuộc thi “Speak Yourself”, Quán quân giải thưởng học sinh của năm tại CVP’s Award, top 5 cuộc thi hùng biện Tiếng Anh, top 20 Chung kết FTUxTED...
Tuy tham gia nhiều cuộc thi và hoạt động ngoại khóa khác nhau nhưng Minh Hạnh vẫn luôn duy trì thành tích học tập tốt trên lớp. Cô liên tục đứng trong Top 5 tại lớp, với GPA trung bình 8.9/10. Ngoài ra, nữ sinh còn thông thạo hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong đó, cô xuất sắc giành được IELTS 8.0 ngay từ lớp 11 với kĩ năng Listening lên tới 8.5.
Để có thể duy trì được thành tích học tập tốt, bên cạnh việc tham gia hoạt động ngoại khóa, Minh Hạnh phải rất cố gắng để học cách cân bằng và sắp xếp thời gian hợp lí. Chia sẻ về những "típ" hay, cô cho biết: “Mình nghĩ, mấu chốt sẽ là sắp xếp ưu tiên. Mình sắp xếp các hoạt động dựa trên sự cấp thiết của chúng, ví dụ như deadline nào sát hơn, cái nào "nặng" hơn... Ngoài ra, mình cũng vẫn cân bằng giữa hoạt động ngoại khóa và học tập, nên mình sẽ có những khoảng thời gian ưu tiên khác nhau, như là khi gần thi thì mình sẽ tạm thời dừng các hoạt động để tập trung học tập, hay là những lúc cần "chạy" sự kiện gấp rút thì mình sẽ tạm lùi việc học lại để giải quyết xong xuôi các đầu việc cần làm. Mình sắp xếp thời gian biểu của mình trên Google Calendar cũng như là có một masterplan trên GG sheet trong các kì thi. Vì ứng dụng đã có thời gian biểu planned out và sẽ thông báo cho mình hằng ngày nên mình dễ dàng bám sát lịch làm việc và không bị lỡ việc quan trọng”.
Dành được nhiều thành tích ‘khủng’ như vậy nhưng trong suốt quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ, Minh Hạnh phải tự làm tất cả vì không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía gia đình. “Mình muốn nói, "bản thân" mình là người đồng hành, bởi hoàn toàn mọi thứ, từ đầu đến cuối đều do mình tự thân vận động là chính, cũng như là tự chi tiền hay tự apply. Bố mẹ và gia đình mình không ủng hộ lắm, dù mình đã cố thuyết phục. Nhưng mình vẫn luôn cố gắng theo đuổi mục tiêu, nên hầu như mình đều làm trong thầm lặng”, Minh Hạnh tâm sự.
Cô phải tự tiết kiệm tiền tiêu vặt, tiền lì xì để dùng đóng cho những chi phí liên quan đến hồ sơ, những lần bắt xe đi Hà Nội để tham dự workshop tìm hiểu về du học. Thậm chí, có những chi phí hồ sơ rất lớn, lên tới 2 triệu đồng cho một lần xét tuyển. Dù chi phí lớn và khó khăn là thế nhưng đối với Minh Hạnh, đây là khoản chi dùng để “đánh đổi” kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, nhưng Hạnh cho rằng, đây là khoản “đầu tư” xứng đáng!
Chia sẻ về bí quyết giúp đạt học bổng tại từng châu lục khác nhau, cô cho biết: “Để có hồ sơ đủ ấn tượng thì bạn phải xuất phát càng sớm càng tốt và nên ưu tiên các thành tích, hoạt động liên quan đến chuyên ngành mình muốn apply để giữ cho hồ sơ mình có được sự nhất quán. Và xây dựng được câu chuyện mình muốn kể trong bài luận mà có thể thuyết phục được hội đồng tuyển sinh rằng mình phù hợp cho học bổng, cũng như kể được những điều đặc biệt của bản thân”.
Theo Minh Hạnh, đối với Mỹ, mọi người sẽ cần apply qua một cổng tuyển sinh trực tuyến gọi là "Common App". Mỗi trường sẽ có các yêu cầu bắt buộc và các điều kiện lựa chọn khác nhau. Nhưng nhìn chung, đa phần hồ sơ apply Mỹ sẽ yêu cầu các thông tin cơ bản như: Cá nhân và gia đình, điểm trung bình các năm học, điểm chứng chỉ (optional với nhiều trường), tối đa 10 hoạt động ngoại khóa nổi bật nhất, các giải thưởng, một bài luận cá nhân 650 chữ, với topic được chọn, 1 - 2 thư giới thiệu, các bài luận nhỏ tùy theo từng trường và một vài các yếu tố khác như portfolio... “Mỹ sẽ có quy trình khá chi tiết và nhìn hồ sơ một cách tổng quát nhưng có đặc điểm là ứng tuyển học bổng Mỹ sẽ khá phức tạp và nhiều quy trình rườm rà...”, Minh Hạnh chia sẻ.
Học bổng tại Anh, theo Minh Hạnh, sẽ được ứng tuyển qua UCAS hoặc qua các hội thảo du học. “Đối với ứng tuyển qua những workshop du học, sẽ tiện hơn, khi ứng viên được tư vấn và nộp hồ sơ trực tiếp nhưng vẫn sẽ cần một bài luận khoảng 4.000 kí tự và thư giới thiệu. Đặc điểm là học bổng Anh sẽ khá ít và không miễn được nhiều học phí”, Minh Hạnh nói.
Với Úc thì sẽ khác hẳn, ứng viên không cần nộp bài luận vì học bổng sẽ xét theo GPA 3 năm THPT. Đối với các trường như Deakin, La Trobe hay SP Jain... thì sẽ ứng tuyển giống như Mỹ và Anh. Các trường chuyên thì sẽ đều được tuyển thẳng mà không cần học dự bị. Nhưng giống như Anh, học bổng tại Úc sẽ ít và chi phí học bổng cũng không cao. “Điều mình thích nhất khi apply Úc là bạn sẽ được ứng tuyển qua agency hoàn toàn miễn phí và người ta sẽ lo từ A - Z cho mình theo nghĩa đen, kể cả khi mình học xong cũng có chương trình hỗ trợ”, Minh Hạnh chia sẻ.
Hiện tại, Minh Hạnh đang là sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy giành được nhiều học bổng lớn trong và ngoài nước nhưng cô vẫn quyết định theo chọn học tại Việt Nam và vẫn sẽ quyết tâm đi du học trong tương lai khi có cơ hội. Chia sẻ về lý do này, Minh Hạnh cho biết: “Mình ứng tuyển nhiều như vậy vì mình muốn thử sức bản thân, khám phá xem khả năng của mình có thể đạt được đến đâu, trải nghiệm để lấy kiến thức, kinh nghiệm cho một trong số những dự định tương lai của mình. Thật ra, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định của mình là gia đình mình không mấy ủng hộ việc mình đi du học cử nhân, chỉ nên du học thạc sĩ. Ngoài ra, còn một số những yếu tố khác như vì mình sinh muộn (sinh vào cuối năm) nên thời điểm làm hồ sơ vẫn chưa đủ 18 tuổi... Vì vậy thủ tục, giấy tờ làm việc khá phức tạp".