Nữ sinh đại học Điện lực 10 năm ám ảnh rắn hổ mang bò lên giường
10 năm trước Phùng Thị Khánh Huyền từng chứng kiến cơn ác mộng khi bị rắn hổ mang bò lên giường cắn vào chân. Vụ tai nạn tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng đủ để ám ảnh em mãi về sau mỗi khi nhắc đến loài vật nuôi nguy hiểm này.
Sinh ra và lớn lên tại làng nuôi rắn truyền thống Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nên từ nhỏ Phùng Thị Khánh Huyền – sinh viên năm nhất trường Đại học Điện lực Hà Nội đã chứng kiến không ít vụ tai nạn do rắn độc cắn. Tuy nhiên, Huyền chưa bao giờ dám nghĩ có ngày mình lại là nạn nhân của loài vật nuôi nguy hiểm này.
Khánh Huyền cho biết, gia đình em là một trong những hộ nuôi rắn quy mô lớn tại Vĩnh Sơn trong nhiều năm qua. Vì thế, từ nhỏ Huyền đã sống chung với cảnh rắn hổ mang sổng chuồng hay thỉnh thoảng xuất hiện trong phòng khách, nhà tắm.
Những hình ảnh đó đã không ít lần ám ảnh trong những giấc ngủ của em. Nhưng có lẽ nỗi ám ảnh lớn nhất còn đeo đẵng mãi với Huyền đến tận bây giờ và có thể suốt cuộc đời đó là lần em bị rắn hổ mang bò lên giường lúc đang ngủ và cắn vào chân.
Khánh Huyền nhớ lại: “Năm đó em mới 10 tuổi, bố mẹ đi làm ruộng, em ở nhà cùng ông nội. Trong khi ông nội đang phơi lúa ngoài sân, em ngủ ở trên giường. Mặc dù đang ngủ say nhưng em cảm nhận được cơn đau nhức và ngứa buốt ở chân. Giật mình tỉnh dậy em đã khóc thét khi thấy một con rắn hổ mang đang bò ngay dưới chân mình”.
Nữ sinh Đại học Điện lực nhớ mãi, đó là lúc em cảm nhận được chân mình chảy máu còn con rắn độc thì đang bò vội xuống giường.
Với phản xạ của đứa trẻ 10 tuổi lúc đó Huyền chỉ biết sợ hãi và gào khóc thật to để ông vào giải cứu.
Thật may cho em ông nội ở ngay ngoài sân đã kịp vào thắt garô và sơ cứu để nọc độc không kịp lan truyền khắp cơ thể. Sau đó em được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Nhờ được cấp cứu nhanh chóng nên Huyền không gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng vết thương rắn cắn ở chân thì mãi mãi theo Huyền như một nỗi ám ảnh của tuổi thơ.
Khánh Huyền cho biết, mặc dù tai nạn rắn hổ mang cắn với em là quá nhỏ so với những vụ tai nạn em đã từng chứng kiến ở Vĩnh Sơn. Tuy nhiên với tâm lý của một đứa trẻ mới lớn thì từng đó cũng đủ để em hiểu và sợ thế nào mỗi khi nhìn thấy loài rắn độc hổ mang.
“Nhà em sau đó vẫn nuôi nhiều rắn lắm nhưng em không bao giờ còn dám vào hang rắn. Có những lúc, đến mùa rắn ăn nhiều thấy bố mẹ vất vả cho rắn ăn nhiều lần em cũng muốn phụ giúp nhưng nhớ lại vụ tai nạn rồi nhìn thấy rắn em lại rùng mình, nổi gai ốc, cảm giác như lúc nào rắn cũng bò quanh chân của mình”, Khánh Huyền tâm sự.
Câu chuyện của Khánh Huyền không phải là hy hữu tại Vĩnh Sơn mà hầu như người nuôi rắn nào tại đây cũng đã từng một đôi lần bị rắn hổ mang “viếng thăm”.
Bà Phùng Thị Thu (Thôn 3, xã Vĩnh Sơn) một trong những hộ nuôi rắn số lượng lớn cũng kể lại, bà đã từng là nạn nhân của rắn hổ mang khi cho loài vật nuôi này ăn. Tuy nhiên, nhờ vết thương nhẹ và được sơ cứu kịp thời nên bà chỉ bị dị tật ở ngón tay.
Với kinh nghiệm của mình bà Thu cho hay: “Khi bị rắn cắn cần phải hết sức bình tĩnh để xử lý và sơ cứu. Càng rối loạn và đi lại nhiều nọc độc của rắn sẽ càng dễ lan tuyền khắp cơ thể làm cho tỷ lệ tử vong tăng cao”.
Thông tin từ ông Phùng Văn Tiến - Chủ tịch Hội làng nghề nuôi rắn xã Vĩnh Sơn cho biết, trung bình, mỗi năm xã này có hàng chục trường hợp bị rắn cắn, trong đó có 1 - 2 trường hợp vì quá nặng dẫn đến tử vong.
Cũng theo ông Tiến, thống kê sơ bộ đến nay làng nuôi rắn Vĩnh Sơn đã có trên dưới 20 người tử vong vì rắn độc cắn. Tuy nhiên từ bao đời nay nghề nuôi rắn vẫn là nghề chính của người Vĩnh Sơn và mang lại nguồn thu ổn định cho người dân nơi đây.