Nữ sinh Đan Lai đầu tiên đem về Huy chương Bạc Toán quốc tế TIMO
Nguyễn La Vi Na (lớp 11A1) Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An là nữ sinh người Đan Lai đầu tiên nhận giải thưởng quốc tế môn Toán.
Giấc mơ của nữ sinh Đan Lai
Nguyễn La Vi Na là nữ sinh người Đan Lai, sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Từ nhỏ em đã thể hiện niềm yêu thích đối với toán học. Năm lớp 9, em tham gia nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện môn Toán.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Vi Na đạt 9,35 điểm môn văn, 7,75 điểm Toán và 5 điểm môn Tiếng Anh. Nhờ đó, em cũng đã trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An. Cũng từ đây, nữ sinh Đan Lai bắt đầu hành trình xa nhà, xa gia đình, rời bản làng xuống TP Vinh đi học.
Đan Lai còn được gọi với cái tên “tộc người ngủ ngồi” – tập tục được hình thành trong lịch sử bi thương khi họ phải chạy trốn khỏi cuộc truy sát của bạo chúa. Cuộc trốn chạy đưa họ vào sâu trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, đầu nguồn khe Khặng và hình thành tộc người mới với tên gọi Đan Lai – chỉ phân bố ở huyện Con Cuông, Nghệ An. Sau này, người dân mới dần dần rời khe, tái định cư ở các vùng đất thuận lợi hơn. Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, người Đan Lai đã dần được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn nghèo lắm. Gia đình em Nguyễn La Vi Na sống ở bản tái định cư Tân Sơn, xã Môn Sơn.
Mới vào lớp 10, Nguyễn La Vi Na được cô Nguyễn Thị Thùy Linh - giáo viên dạy Toán phát hiện được năng lực, tư duy tốt đối với môn học này, nên đã chọn em cùng 13 bạn khác vào đội tuyển bồi dưỡng tham gia cuộc thi Olympic toán học Quốc tế TIMO (cuộc thi giải toán bằng tiếng Anh) năm 2023.
Được trao cơ hội là niềm vui lớn đối với nữ sinh người Đan Lai, nhưng cũng khiến em lo lắng, sợ mình không đạt được kỳ vọng của cô giáo. Tuy nhiên, cô Thùy Linh đã kịp thời động viên em và các bạn trong đội tuyển bồi dưỡng. Cô nói với học trò nhà trường không đặt nặng thành tích hay đạt giải, mà các em hãy coi đây như một sân chơi mới rộng lớn, để thử sức mình ở đâu so với các bạn khác trong tỉnh cũng như cả nước. Sự khích lệ của cô giáo đã tạo động lực cho học trò dân tộc nội trú, khi vừa vào lớp 10 đang còn nhiều rụt rè, chưa tự tin.
Kỳ thi TIMO năm 2023 được tổ chức lần thứ 9 trên thế giới và tổ chức lần thứ 4 tại Việt Nam. Vòng loại quốc gia gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian 60 phút; vòng chung kết quốc gia gồm 25 câu hỏi dạng điền đáp án, thời gian 90 phút, đề bài Tiếng Anh (có phụ đề Tiếng Việt).
Niềm vui đầu tiên đã đến khi Nguyễn La Vi Na cùng 9 bạn khác đã vượt qua vòng quốc gia, và cũng là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An tham gia vòng chung kết tổ chức tại thành phố Pattaya, Thái Lan vào tháng 4/2023.
Nguyễn La Vi Na tâm sự, em chưa từng “mơ” đến một ngày mình có thể sang Thái Lan dự thi Toán quốc tế khi mới đang là học sinh lớp 10. Ở vòng thi chung kết này, các thí sinh phải hoàn thành bài thi bằng tiếng Anh gồm 30 câu hỏi, thời gian 120 phút. Đó là thách thức thực sự đối với em – một học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế về tiếng Anh.
Cải thiện tiếng Anh để ra quốc tế
Mặc dù môn Toán là môn học Vi Na yêu thích nhất và có lực học khá vào nhưng môn Tiếng Anh lại là điểm yếu. Đầu vào tuyển sinh năm lớp 10 của em chỉ đạt 5 điểm. Để không phụ cơ hội mà cô giáo đã trao cho mình, nữ sinh người Đan Lai không còn lựa chọn nào khác là quyết tâm cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình.
Việc học và nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh đối với Vi Na không dễ dàng. Thời gian tiểu học và THCS, em cũng chỉ học ở trường xã và không có điều kiện học tập, tiếp xúc thêm với tiếng Anh ngoài các tiết học với thầy cô trên lớp. Nền tảng ngoại ngữ của Vi Na chỉ ở mức trung bình và khi lên cấp THPT lại càng khó khăn hơn.
Em bắt đầu từ việc học thêm nhiều từ vựng, nghe và tập nói theo các clip để luyện cách phát âm đúng. “Em có mục tiêu rõ ràng để học tiếng Anh. Bên cạnh đó, làm nhiều bài tập, trao đổi với các bạn trong đội tuyển để nâng cao, mở rộng kiến thức Toán học. Nhờ đó, năng lực của em cũng ngày càng cải thiện, tiến bộ hơn”, Vi Na kể lại.
Theo cô giáo Thùy Linh, vòng chung kết quốc tế gồm 30 câu hỏi dạng điền đáp án, thời gian 120 phút, đề bài Tiếng Anh. Cái khó nhất khi bồi dưỡng học sinh là các em đều đang học lớp 10. Trong khi đó kiến thức kỳ thi lại bao trùm cả 3 khối 10, 11, 12. Có nhiều nội dung mà các em chưa học ở trường như tổ hợp xác suất, tư duy logic…
Ngoài kiến thức cơ bản là Toán, bản thân cô Thùy Linh cũng phải học thêm tiếng Anh để phiên dịch đề cho học trò. Đồng thời đề nghị BGH nhà trường bố trí thêm giáo viên dạy Tiếng Anh để phụ đạo cho học sinh, đặc biệt là các từ chuyên ngành môn Toán học. Dù chuẩn bị cho kỳ thi, nhưng học sinh vẫn phải đảm bảo các môn học ở trường theo chương trình SGK mới, tham gia thi giữa kỳ, cuối kỳ...
“Nhưng thuận lợi nhất là các em được nhà trường tạo điều kiện hết sức cả về giáo viên bồi dưỡng, sử dụng cơ sở vật chất của trường để phục vụ học tập”, cô Thùy Linh chia sẻ.
Sau hơn 5 tháng ôn luyện, cô học trò Nguyễn La Vi Na cùng với 9 bạn trong đội tuyển “mang chuông đi đánh xứ người” ở Thái Lan. Sau thời gian thi căng thẳng, lúc đợi kết quả, có tới 2 lần Ban tổ chức tìm đến nơi đội tuyển của trường đứng để xếp vị trí lên nhận huy chương rồi lại báo là nhầm lẫn khiến tất cả “mừng hụt”, thậm chí nghĩ đến kết quả tệ nhất. Nhưng cuối cùng Ban tổ chức đã chính thức gọi tên đội tuyển Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, với 9 Huy chương Bạc, trong đó có Nguyễn La Vi Na và 1 bạn đạt giải Khuyến khích.
“Khi nhận kết quả, thực sự em vẫn chưa dám tin. Nhưng sau hành trình nỗ lực với sự đồng hành của thầy cô giáo và các bạn, em thấy rất vui mừng khi góp phần đem về thành tích cao cho trường nội trú, cho tỉnh Nghệ An”, nữ sinh xúc động nói.
Đây cũng là kỳ tích quốc tế đầu tiên của một học sinh người Đan Lai. Vì vậy, đạt thành quả này đối với Nguyễn La Vi Na còn đem về niềm tự hào cho bản làng và dân tộc mình. “Ở quê em vẫn còn nhiều bạn nữ nghỉ học sớm, rồi lấy chồng, cuộc sống gặp nhiều vất vả. Em mong muốn những điều mình cố gắng đạt được, sẽ góp phần nhỏ thay đổi suy nghĩ của bạn bè và các em nhỏ ở quê, tiếp tục sự học để có nhiều cơ hội, lựa chọn cho tương lai", nữ sinh Đan Lai chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An cho biết, Nguyễn La Vi Na là học sinh Đan Lai đầu tiên giành giải thưởng ở một cuộc thi quốc tế. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng em và gia đình, mà còn là niềm vui chung của nhà trường.
“Trước đó, với mong muốn học sinh được mở rộng hiểu biết, vươn xa trong học tập, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cô trò sang Thái Lan dự thi, không quá đặt nặng áp lực thành tích. Kết quả 100% thành viên đội tuyển đều đạt giải đã truyền cảm hứng, động lực, tự tin cho các bạn học sinh khác trong trường nói riêng, và các em học sinh dân tộc thiểu số nói chung có sự tự tin để tham gia các cuộc thi lớn”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa cho biết.
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế TIMO (Thailand International Mathematical Olympiad) được tổ chức hàng năm bởi Trung tâm Giáo dục Vô địch Olympiad Hong Kong (Olympiad Champion Education Centre from Hong Kong) hợp tác cùng Tổ chức Du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand).
Đội tuyển Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An với 10 học sinh là đại diện duy nhất của tỉnh tham gia cuộc thi này và có 9 học sinh đạt Huy chương Bạc. Bao gồm các em Nguyễn La vi Na, Lương Quốc Hoàng, Nguyễn Lê Bảo Châu, Phan Đăng Phú, Lê Thị Trúc Quỳnh, Vi Trí Khoa, Nguyễn Huy Hoàng, Lương Thị Thúy Mai, Vi Lương Mai. Học sinh đạt giải Khuyến khích là em Bùi Minh Đức.