Nữ sinh giành học bổng Chính phủ Hàn Quốc từ lời can 'học ở Việt Nam rồi tính'
Khi tham khảo ý kiến mọi người, Mai Anh thường nhận được câu trả lời: 'Hồ sơ không đủ mạnh', 'Em nên theo học đại học ở Việt Nam rồi sau này học cao lên tính tiếp'… Tuy nhiên, cô gái đã không bỏ cuộc.
Sau thời gian học tiếng, hiện nay, Nguyễn Thị Mai Anh là sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Quốc gia Seoul với học bổng của Chính phủ Hàn Quốc.
Nhìn cô gái nhỏ nhắn này, ít người lại nghĩ rằng cô đang theo học ngành Thống kê (Statistics) và trước đó là học sinh chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.
Mai Anh chia sẻ từ lúc học cấp 3 cho đến tận bây giờ tại Hàn Quốc, cô luôn mong muốn trở thành một Chuyên viên phân tích số liệu.
"Em là một cô bé khá rụt rè và thơ mộng. Mọi người thường nghĩ Toán rất khô khan và cứng nhắc, nhưng em thấy nó là một sự kết hợp hoàn hảo cho em".
Cô gái nhỏ và quyết tâm theo Toán học
Mai Anh là một trong số ít nữ sinh "xuất hiện" ở các lớp chuyên Toán, với điểm đầu vào năm lớp 10 đứng top 3 của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.
Năm 2019, cô nhận được huy chương Vàng tại giải Toán học Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên năm tiếp theo, Mai Anh lại không được chọn vào đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thất bại này không chỉ là một sự hụt hẫng lớn đối với Mai Anh, còn khiến em phải đối diện với quyết định khó khăn: từ bỏ để quay trở lại ôn thi đại học hay tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi năm sau.
Nếu đi tiếp nhưng không nhận được kết quả như mong muốn, em chỉ có 6 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp vì một quãng thời gian dài trước đó được dành để tập trung vào Toán.
Với không ít người, kỳ thi tốt nghiệp lấy kết quả xét tuyển đại học còn quan trọng hơn rất nhiều so với những cuộc thi học sinh giỏi. Mai Anh cũng luôn được kỳ vọng sẽ về đích sau 12 năm phổ thông với điểm thi cao. Nhưng nếu từ bỏ học đội tuyển, em sẽ cảm thấy hối tiếc vì đã không thử thách chính mình, để rồi không thể biết được giới hạn của bản thân là ở đâu.
Và rồi, dù áp lực trước lời khuyên ngăn của nhiều người, Mai Anh vẫn lựa chọn đi tiếp, không chỉ với tinh thần thử sức mà phải thực sự cố gắng để thành công. Điều này đã mang lại cho em giải Nhất học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia.
Đồng thời, sau 6 tháng còn lại để ôn thi đại học, Mai Anh vẫn đạt kết quả cao và trở thành 1 trong 6 thí sinh xuất sắc khối A1 được tỉnh Nghệ An trao bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong kì thi THPT quốc gia (28,35 điểm).
Giải thích cho lý do quyết tâm theo Toán, Mai Anh cho biết bởi với cô, "Toán học mở rộng góc nhìn thế giới".
"Khi còn đang học THPT, Toán học - thông qua các cuộc thi, diễn đàn, trại hè... - chính là cầu nối giúp em gặp gỡ, kết nối với những bạn có cùng chung đam mê, sở thích. Em được các bạn truyền cảm hứng, hay tạo động lực để mình cố gắng trau dồi, rèn luyện bản thân hơn.
Cũng chính nhờ lồng ghép tình yêu toán vào câu chuyện của mình, em đã được nhận học bổng chính phủ Hàn Quốc. Đây là một bước ngoặt lớn, mở ra một thế giới hoàn toàn mới đối với em".
'Hãy cho bản thân một cơ hội được thử'
Hiện nay, tiếp nối "thế giới Toán" khi lên đại học, với Mai Anh, công việc của một chuyên viên phân tích số liệu không chỉ tính toán ra các con số mà phải học cách trình bày nó thật nhiều màu sắc và hiệu quả như một nghệ sĩ.
"Sự phối hợp giữa sự hiệu quả chính xác của Toán học và sự uyển chuyển sáng tạo của việc trình bày dữ liệu đến người dùng hấp dẫn em theo đuổi môn học này”. Dù vậy, con đường đến với "một thế giới hoàn toàn mới" của Mai Anh từng không dễ dàng.
"Điểm IELTS của em khi nộp đơn ứng tuyển học bổng là 7.0. Khi tham khảo ý kiến mọi người, em thường nhận được câu trả lời “Hồ sơ không đủ mạnh”, “Em nên theo học đại học ở Việt Nam rồi sau này học cao lên tính tiếp”… Nhưng em vẫn kiên trì, muốn thử sức".
Chia sẻ về "bí quyết" đỗ học bổng Chính phủ Hàn Quốc, cô gái nhỏ cho biết được yêu cầu viết một bài Personal Statement kể về động lực nộp học bổng, gia đình và học vấn, những trải nghiệm cũng như thành tích học tập.
"Bài luận của em gồm 4 đoạn lớn. Sau đoạn mở đầu, đoạn thứ hai kể về việc em không chỉ muốn trở thành một người đi học kiến thức mới mà muốn thành người tạo ra kiến thức và giá trị mới cho xã hội. Đấy là vì sao em lựa chọn nghiên cứu khoa học từ sớm và kể về hướng nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững và ứng dụng toán học trong tương lai.
Sau đó, em kể về việc em đã cố gắng ra sao để thúc đẩy phong trào học STEM tại quê hương và mong muốn sẽ mang kiến thức giáo dục STEM từ Hàn Quốc về Việt Nam để nâng cao chất lượng giảng dạy các ngành này, đặc biệt là cho nữ giới.
Cuối cùng, em đưa dẫn chứng những hoạt động và thành tích quá khứ của mình về toán học, nghiên cứu khoa học và thúc đẩy giáo dục tại quê hương để chứng minh rằng mình thật sự có cam kết với mục tiêu mình đề ra và sẽ đạt được nếu em may mắn nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô ở Hàn Quốc".
Theo Mai Anh, việc cô là "người được chọn" đến từ nhiều yếu tố, bao gồm: Thứ nhất là có một mục tiêu để học tập và câu chuyện có chiều sâu; thứ hai là sự giúp đỡ, động viên từ bố mẹ, người thân, các thầy cô, anh chị và bạn bè; và thứ ba là một phần là những kết quả đã có được.
"Việc có những người mình yêu quý đồng hành cũng vô cùng quan trọng. Rất sợ con gái đi xa và chịu nhiều khó khăn, nhưng bố mẹ em luôn đồng hành và tin tưởng vào em. Em vẫn còn nhớ là mẹ lo sợ con gái trong quá trình chuẩn bị hồ sơ bị stress đã bảo em gái em: “Con làm gì cũng phải nhường nhịn chị nhé”. Mẹ đã chăm lo cho em tất cả mọi việc trong gia đình để em có thể thoải mái nhất đầu tư vào tương lai.
Em cũng may mắn nhận được sự cố và đồng hành miễn phí từ các anh chị đã đậu học bổng từ trước. Các anh chị và một số bạn đồng hành đã thức đến 2-3h sáng để cùng em lên ý tưởng hồ sơ, tập phỏng vấn và lắng nghe câu chuyện của em mỗi khi lo âu. Những câu động viên: “Cứ thử đi em”, “Em làm được”..., thức thâu đêm cùng sửa luận, luyện phỏng vấn, hoàn thiện hồ sơ chính là động lực to lớn giúp em đạt được kết quả như bây giờ.
Vì thế, em nghĩ rằng quan trọng là không được bỏ cuộc, hãy luôn kiên trì, cố gắng" - Mai Anh bày tỏ.
Hiện tại, Mai Anh đang cố gắng hoàn thành tốt việc học ở trường cũng như tìm kiếm các cơ hội để trải nghiệm, khám phá bản thân. Về lâu dài, cô nghĩ sẽ dành 1-2 năm đầu để đi làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia ở Hàn Quốc để tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế, để hiểu thị trường và xã hội đang gặp phải những vấn đề gì và sau đó sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ...