Nữ sinh giành học bổng đại học top 1 Canada: Học kinh tế để khởi nghiệp giáo dục
Khánh Linh nhận được học bổng trị giá 192.000 CAD (hơn 3.3 tỷ đồng) từ Đại học Toronto, ngôi trường số 1 tại Canada. Cô đạt thêm nhiều học bổng khác từ các trường đại học danh tiếng của Phần Lan và Úc. Nữ sinh chọn theo đuổi khối ngành kinh tế để ấp ủ giấc mơ xây dựng một mô hình giáo dục toàn diện.
Phạm Khánh Linh, sinh năm 2005, là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Sư Phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mùa tuyển sinh vừa qua, cô đón tin vui khi nhận được học bổng trị giá hơn 3.3 tỷ đồng từ Đại học Toronto.
Chia sẻ với phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Khánh Linh cho biết quá trình ứng tuyển vào Đại học Toronto khiến cô cảm thấy tự hào nhất trong suốt hành trình “săn” học bổng du học.
Theo bảng xếp hạng đại học của US News, trường ĐH Toronto đứng thứ 18 thế giới và được xếp hạng 1 tại Canada. Đây cũng là trường mà cô đặt mục tiêu cao nhất, dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất để cả bài luận lẫn phần phỏng vấn.
Trong bài luận gửi trường, cô đã mượn câu chuyện liên quan tới mẹ mình để bày tỏ những suy nghĩ cá nhân về “thiên chức” làm mẹ - một điều vô cùng thiêng liêng và cao quý. Nhưng đôi khi, chính sự “tung hô” dành cho những người mẹ đã vô tình tạo thành một diễn ngôn ràng buộc “trách nhiệm”, kìm hãm sự phát triển cá nhân.
“Mình muốn mang câu chuyện này vào bộ hồ sơ, bởi đó là động lực khi mình tham gia các hoạt động liên quan tới tranh biện, hùng biện cũng như giáo dục. Mình hy vọng có thể dùng tiếng nói của bản thân để thay đổi những hạn chế và mang đến cơ hội cho nhiều phụ nữ hơn trong cộng đồng”, Khánh Linh kể.
Ngoài ra, cô còn nhận được thư mời nhập học kèm một số học bổng từ các trường đại học danh tiếng tại Phần Lan (Đại học Aalto), Canada (Đại học British Columbia, Đại học Alberta, Đại học York) và Úc (Đại học Sydney, Đại học Monash, Đại học Queensland, Đại học Công nghệ Sydney). Tại Việt Nam, cô giành được học bổng 80% từ Trường Đại học VinUni, trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Ngoại thương.
Thời phổ thông, Khánh Linh là gương mặt nổi bật tại Chuyên Sư Phạm với điểm tổng kết học tập luôn đạt 9.5 trở lên, chứng chỉ IELTS 8.0, là thành viên ban tổ chức của nhiều sự kiện trong và ngoài trường. Cô từng lọt Top 6 thí sinh được yêu thích nhất tại cuộc thi Đại sứ trường THPT Chuyên Sư Phạm năm 2023 và là đại sứ truyền thông cho nhiều dự án dành cho học sinh, sinh viên.
Để khiến thành tích ngoại khóa nổi bật hơn trong mắt ban tuyển sinh các trường, Khánh Linh không tham gia dàn trải nhiều chương trình mà cố gắng tạo ra sự liên kết giữa các hoạt động. Mỗi hoạt động mà cô tham gia đều có sự kết nối và bổ trợ cho nhau, đều xuất phát từ câu chuyện cá nhân cũng như thể hiện từng bước phát triển của bản thân cô.
Trong số đó, các hoạt động tranh biện đã có tác động sâu sắc tới quá trình trưởng thành của Khánh Linh. Tham gia và sau đó trở thành chủ tịch CLB tranh biện CDS - CSP Debate Society (THPT Chuyên Sư Phạm), cô không chỉ được phát triển tư duy phản biện, trau dồi kiến thức xã hội, mà còn được mở rộng cơ hội và phát triển các mối quan hệ trong cuộc sống.
Với các dấu ấn kể trên, cánh cửa vào đại học hay giành học bổng du học dường như rộng mở với Khánh Linh. Khi chuẩn bị hồ sơ du học, cô ưu tiên ba yếu tố để chọn trường, quốc gia ứng tuyển: chất lượng giáo dục, môi trường sống và cơ hội việc làm lẫn định cư. Từ đó, cô đặt mục tiêu vào các trường đại học có xếp hạng cao tại Canada, Phần Lan và Úc.
Cô chia sẻ, học thuật là yếu tố quan trọng nhất trong bộ hồ sơ ở các quốc gia trên, bao gồm điểm tổng kết GPA và kết quả các bài thi chuẩn hóa. Khánh Linh có lợi thế bởi đã có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Cô là trợ lý nghiên cứu một đề tài và là đồng tác giả một đề tài khác. Cả hai nghiên cứu đều được đăng trên tạp chí chuyên ngành kinh tế và tham gia hội thảo khoa học quốc gia.
Khi nộp hồ sơ vào các trường, Khánh Linh chọn nhóm ngành kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, cô lại có mối quan tâm lớn đến các vấn đề giáo dục và xác định sẽ cống hiến sự nghiệp trong lĩnh vực này.
“Mình muốn sử dụng các kiến thức kinh tế để thực hiện hóa ước mơ xây dựng một dự án khởi nghiệp về mô hình giáo dục toàn diện. Mình tin rằng đầu tư cho giáo dục là nền tảng để thay đổi không chỉ một cá nhân mà cả một cộng đồng”, cô bày tỏ quan điểm.
Hiện Khánh Linh đang trải qua một năm gap-year, khoảng thời gian tạm dừng học tập để nghỉ ngơi, khám phá bản thân và thực hiện những kế hoạch, dự định. Là một người sống khá nguyên tắc, việc gap-year vốn dĩ không nằm trong kế hoạch ban đầu của cô. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp THPT, cô nhận thấy bản thân cần thêm thời gian để chuẩn bị cho tương lai và triển khai những dự án cộng đồng.
“Sau bốn tháng ở nhà nhìn các bạn đi học, dù chưa hết gap-year nhưng mình đã cảm thấy đây là một quyết định đúng đắn. Việc chậm lại một năm không còn là vấn đề bởi mình nhận ra đồng hồ cuộc đời của mỗi người khác nhau, miễn không để thời gian trôi đi vô nghĩa thì mọi trải nghiệm đều là vô giá”, cô tâm sự.
Khánh Linh vừa tham gia sáng kiến "Chương trình Mô phỏng Đại biểu dân cử trẻ 2023”, tổ chức chuỗi workshop thuộc Movers Programme và là đại sứ đồng hành cho nhiều chương trình dành cho học sinh, sinh viên. Cô cũng làm thêm các công việc phù hợp với khả năng và chuyên môn như: người hỗ trợ (mentor) hồ sơ nộp học bổng du học, trợ lý huấn luyện viên tranh biện hay gia sư IELTS.
Những công việc trên không chỉ mang lại nguồn thu nhập để cô chuẩn bị cho bốn năm đại học, mà còn giúp cô có thêm nhiều trải nghiệm quý giá. Việc đi dạy các em nhỏ cấp một, cấp hai giúp cô cảm thấy như được “sống lại thời thanh xuân”.
Trước khi chính thức bước chân vào cuộc sống sinh viên, Khánh Linh sẽ hoàn thành những công việc đang dang dở. Ngoài ra, cô mong muốn được học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng về kinh tế, tài chính, cũng như dành thời gian chăm sóc cho bản thân, gia đình và bạn bè.