Nữ sinh lớp 11 xăm hình bị kỷ luật, góc nhìn từ thế hệ 9X
Khoảng 10 năm trở lại đây, hình xăm trở nên phổ biến hơn đến mức ai cũng có thể có. Dù vậy, việc nhuộm tóc, xăm hình khi đang là học sinh vẫn là một trong những điều cấm ở môi trường giáo dục.
9X xưa có dám xăm hình khi còn đi học?
Liên quan đến sự việc về một nữ sinh xăm hình bị cho thôi học khiến dư luận mấy ngày qua xôn xao và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Một bên đưa ra ý kiến bênh vực cho nữ sinh và cho rằng hình xăm không quyết định được nhân cách. Ở phía ngược lại, một bộ phận lại ủng hộ cách giáo dục của nhà trường đối với trường hợp của nữ sinh lớp 11 xăm hình và khoe lên MXH.
Hình xăm ở vùng nhạy cảm khiến nữ sinh bị kỷ luật. Ảnh minh họa
Nhớ lại cái thời của thế hệ đầu 9X, những anh chị sở hữu hình xăm với một tâm thế rất khác so với thời nay. Ngày đó, việc một người sở hữu hình xăm khi đi học là một điều khá to tát. Giới dám xăm hình chỉ có một tầng lớp xã hội rất đặc thù gọi là dân anh chị, dân "số má".
Họa hoàn lắm mãi khi lên đến Đại học, thế hệ 9X mới dám xăm mình nhưng họ cũng chỉ "họa" lên chỗ kín đáo, nơi mà chiếc áo có thể che đi chứ không dám công khai như các bạn học sinh bây giờ.
Cư dân mạng bình luận trái chiều về việc xăm mình của nữ sinh trên.
Dưới dòng trạng thái chia sẻ bài viết về việc nữ sinh xăm hình bị cho thôi học, một số thành viên 9X có kể lại về một số câu chuyện về việc xăm hình thời của mình.
Cụ thể, nickname có tên Nguyen Thu Trang bình luận: "Ngày xưa nhìn những người có hình xăm ngưỡng mộ lắm vì nó tạo ra khác biệt. Mình về lấy bút bi vẽ lên tay "rồng phượng" các kiểu. Không may mẹ nhìn thấy đánh cho không trượt phát nào? Còn nhìn lại các bạn Gen Z bây giờ, quả thật các bạn sống thoáng quá, tiếp cận nhanh cũng sợ".
Cùng góc nhìn Nguyen Thu Trang, nickname Ngoc Ha Chu chia sẻ: "Mình còn nhớ ngày bé, có cái kẹo cao su có hình xăm bên trong ý. Lấy nước bôi vào xong dán lên là thành hình. Bắt trước chúng bạn mình cũng làm theo xong về mẹ mắng cho 1 trận, không đánh nhưng bắt phải ngồi cọ bao giờ bằng sạch mới cho ăn cơm. Xong lên đến Đại học mình mới dám xăm 1 hình bé tin hin vào eo nhưng chẳng bao giờ dám khoe ra vì sợ mẹ mắng".
Đó là cái nhìn, sự đánh giá của một lứa thế hệ Gen Y về những hình xăm và người xăm mình.
Chiếc áo có làm nên thầy tu, hình xăm có nói lên nhân cách con người?
Khoảng từ giữa thập kỉ vừa qua, cụ thể khoảng những năm 2014-2015, xăm hình bắt đầu trở thành một trào lưu, người người xăm, nhà nhà xăm. Hình xăm cũng đã đa dạng hơn, cách điệu hơn và dễ chấp nhận hơn.
Hình xăm xưa là biểu tượng của giới “anh chị” nay cũng đã được “bình dân hóa” hơn. Khi xã hội có cái nhìn thoáng hơn về những hình xăm thì những anh chàng, cô nàng thợ xăm hình cũng dần dần xuất hiện trên truyền thông và có nhiều người trở nên nổi tiếng.
Don Ed Hardy là một nghệ sĩ xăm (tattoo artist) nổi tiếng người Mỹ. Không chỉ là bậc thầy ở lĩnh vực xăm mình, ông còn nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa hậu hiện đại. Mỗi giờ xăm của ông lên đến 1500 USD/giờ.
Hàng năm, trên thế giới vẫn có các lễ hội, các festival triển lãm về xăm hình. Thậm chí, xăm hình còn dần được nhìn nhận và công nhận như một bộ môn nghệ thuật với tên gọi “Họa bì”.
Đối với nhiều bạn trẻ ngày nay, mỗi hình xăm đối với họ là một câu chuyện mà chẳng muốn chia sẻ cho ai. Họ chỉ muốn thông qua nó để nhắc nhớ lại cho bản thân về những thứ đã trải qua. Thậm chí, một số người còn cho biết những hình xăm với họ không đủ sức để làm nên một con người mà chính con người mới là chủ thể quyết định hình xăm có ý nghĩa gì.
Mặc dù hình xăm không xấu, nhưng cách các bạn trẻ thể hiện nó ra sao mới đang cần để bàn tới, nhất là khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, nơi không chỉ phổ cập kiến thức mà còn là lò đào tạo nhân cách.
Vậy nên đối với các bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, theo quan điểm của người viết, hình xăm không xấu nhưng việc xăm hình và khoe trên MXH không phù hợp với môi trường sư phạm. Hình xăm là thứ cá nhân, là câu chuyện riêng của mỗi người.