Nữ sinh nghèo tạm gác giấc mơ đại học

Ngày nhận kết quả thi với số điểm khá cao, Hằng thấy buồn nhiều hơn là niềm vui. Giấc mơ vào giảng đường đại học đang mở rộng ra trước mắt, nay đành tạm gác lại vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không đủ tiền cho em theo học.

Tuy đạt điểm cao nhưng Hằng và gia đình đang lo lắng trước nguy cơ gác lại ước mơ vào đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Gác lại ước mơ

“Em không học đại học đâu cô ạ!”. Đó là lời nhắn buồn nhất trong sự nghiệp làm nghề mà cô giáo Lê Thị Châu (Trường THPT Thọ Xuân 5, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhận được từ cô học trò Lê Thị Hằng. Đây cũng là những dòng tin nhắn mà nữ sinh nghèo đắn đo suốt nhiều ngày qua sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Mới đây thôi, cô Châu và thầy cô trong trường rất vui mừng vì biết tin Hằng vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT với số điểm xét tuyển Đại học 3 môn khối C khá cao (28 điểm). Ai cũng nghĩ, tương lai của cô học trò nghèo rồi sẽ khác khi em sẽ bước vào giảng đường đại học, nhưng ngặt nỗi hoàn cảnh khó khăn, cánh cửa kia như đang dần khép lại với em.

“Tôi bất ngờ lắm, bao nhiêu năm nỗ lực Hằng mới có được kết quả như ngày hôm nay. Khi em thông báo sẽ không học đại học tôi và nhiều thầy cô cảm thấy rất buồn và thương cho gia cảnh của em. Hằng là một cô bé nghị lực và chịu khó. 28 điểm là số điểm rất nhiều thí sinh mơ ước.” - Cô Châu chia sẻ.

Chân dung nữ sinh Lê Thị Hằng (lớp 12A2, trường THPT Thọ Xuân 5) xuất sắc đạt 28 điểm 3 môn khối C.

Theo cô Châu, Hằng là một trong những thí sinh đạt điểm xét tuyển đại học cao của trường. Trong kỳ thi vừa qua, em đã xuất sắc đạt số điểm 28 với 3 môn khối C (Văn: 9 điểm; Lịch sử: 9,25 và Địa lý: 9,75). Trước đó, với ước mơ trở thành một nhà báo, Hằng đã đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn và khoa Quản trị nhân sự của Đại học Nội Vụ.

Ngoài ra, suốt 12 năm học, Hằng luôn là học sinh có nghị lực vượt khó. Năm lớp 8, em giành giải Nhì môn Văn cấp huyện, lên lớp 9 giành giải Khuyến khích môn Văn cấp tỉnh. Tiếp nối thành tích đó, năm lớp 11, Hằng giành giải Ba môn Văn cấp tỉnh và giải Khuyến khích liên môn.

Thương cô học trò nghèo với đầy nghị lực, những ngày qua, cô Châu cùng ban giám hiệu nhà trường đã không ngừng kêu gọi các mạnh thường quân, động viên và chia sẻ với gia đình với hy vọng giúp Hằng viết tiếp ước mơ của mình. “Sau khi biết tin em không đủ khả năng để tiếp tục vào Đại học, tôi cùng ban giám hiệu và bạn bè đã quyên góp tiền, kêu gọi các mạnh thường quân nhưng cũng chỉ được chút ít. Với hoàn cảnh gia đình Hằng thì 4 năm đại học quả là một chặng đường dài mà gia đình không thể gánh vác được. Càng nghĩ càng thương em. ” - Cô giáo Châu nghẹn ngào tâm sự.

Khốn khó 3 đời…

Căn nhà nhỏ của gia đình Hằng những ngày qua lúc nào cũng đông người ghé thăm. Gọi là nhà chứ trông nó chẳng khác gì một túp lều tạm. Họ đến để động viên, chia sẻ về hoàn cảnh của Hằng. Chúng tôi gặp Hằng khi em vừa từ ngoài đồng giúp bà nội cắt cỏ về. Cô học trò nghèo mạnh mẽ và hoạt bát hơn những gì chúng tôi tưởng tượng.

Căn nhà nhỏ lụp xụp của gia đình Hằng.

Nói về câu chuyện của mình, Hằng chia sẻ: “Bố mẹ em đã khổ rất nhiều rồi, nay em không muốn vì em mà bố mẹ phải khổ thêm nữa. Sau em đang còn hai em nhỏ nữa, em phải đi làm giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Em ước mơ được vào đại học, chỉ có vào đại học thì tương lai mới thay đổi được. Em biết số điểm vừa qua có thể giúp em thực hiện ước mơ của mình, nhưng giờ phải làm sao được ạ.”

Vì thương con mà chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ của Hằng) khóc ròng rã suốt nhiều ngày. Chỉ vì cái “nghèo” mà vợ chồng chị đã không thể giúp con thực hiện được ước mơ của mình. Chị kể, “Từ khi sinh Hằng đến nay, sức khỏe của bố cháu cũng suy giảm. Một phần vì lao lực, một phần vì thiếu thốn. Mấy hôm nay, nghe con bảo sẽ không đi học đại học mà hai vợ chồng tôi thấy buồn và thương con lắm. Sinh con ra ai cũng mong muốn được như những đứa trẻ khác, nay cháu thi cử tốt mà chẳng thể giúp cháu theo đuổi ước mơ, làm cha mẹ chúng tôi thấy tủi thân cho con lắm”.

Ở thôn Hiệp Lực (xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân), người dân nơi đây chưa bao giờ thấy vợ chồng chị Nhung rảnh tay lấy một ngày. Họ biết đến gia đình chị Nhung bởi sự nghèo đói bủa vây quanh năm, qua nhiều thế hệ. Cũng phải đến gần 20 năm qua, vợ chồng anh Nhung chưa thể dựng được nhà mới, 5 con người đang phải sống trong căn nhà lụp xụp như túp lều tranh.

“Nhà anh ấy khó mấy đời nay rồi, từ đời ông cố đến bây giờ. Tuy nghèo khó nhưng anh chị ấy hiền lành mà chịu khó lắm. Cố gắng mãi mới nuôi được cháu Hằng đi học hết cấp 3, nay cháu thi với điểm cao lại không có tiền cho cháu đi học. Thương anh chị ấy lắm, nghĩ mà lại thấy tội cho cháu Hằng”. Bà Lê Thị Cường (hàng xóm) tâm sự.

Được biết, gia đình chị Nhung là gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Để trang trải cuộc sống, anh Lê Bá Truật (chồng chị Nhung) lăn lộn suốt ngày đêm, làm đủ thứ nghề để nuôi các con ăn học. Thời gian vừa qua, ngoài làm ruộng, để có thêm thu nhập anh đã xin thêm công việc phụ hồ, còn chị Nhung tích cực tăng ca cho những mỗi buổi phụ may giúp các con vào năm học mới.

Thầy Nguyễn Xuân Tiến – Phó hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 5, cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình em Hằng khó khăn đã nhiều năm nay. Suốt 3 năm học, nhà trường cũng đã tạo điều kiện hết mức để em có thể đến trường, ngoài học phí được giảm, cô giáo chủ nhiệm của em cũng đã trợ cấp một nửa tiến học phí suốt 3 năm qua để em đi học. Khi biết tin em có thể sẽ không đi học đại học, chúng tôi cũng đã liên hệ các thế hệ cựu học sinh của trường và kêu gọi nhiều nhà hảo tâm để có thể giúp em tiếp tục con đường đại học của mình. Tôi tin, những gì Hằng đã trải qua sẽ là động lực lớn để em trưởng thành trên con đường phía trước”.

Nghị lực và những kết quả mà Hằng đã đạt được là không hề dễ. Con đường đến với ước mơ đại học của Hằng đang dần khép lại, cần lắm những sự sẻ chia, những tấm lòng hảo tâm để giúp em viết tiếp ước mơ đang còn dang dở.

Tuấn Kiệt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-dia-chi-tam-long/nu-sinh-ngheo-tam-gac-giac-mo-dai-hoc/123943.htm