Nữ sinh Ngoại thương đỗ học bổng toàn phần A.Wilhelmsen tại Na Uy và bí kíp 'Đường chạy Marathon'
Nguyễn Hoàng Linh (sinh năm 2000) từng lọt top 3% cử nhân có điểm tốt nghiệp cao nhất toàn khóa của Trường Đại học Ngoại thương. Đồng thời, cô chinh phục hàng loạt học bổng danh giá đến từ các tập đoàn Coca-Cola, Panasonic,... Tháng 6/2023, Hoàng Linh tiếp tục vui mừng nhận tin là 1 trong 2 sinh viên quốc tế duy nhất nhận học bổng toàn phần của A.Wilhelmsen tại trường BI Norwegian Business School, Na Uy. Cô luôn coi việc học tập, công việc và cuộc sống của mình là một đường chạy Marathon.
Sinh ra ở một Vạch xuất phát đặc biệt
Mình sinh thiếu tháng nên mình biết đi, biết ăn chậm hơn các bạn khác. Khi lớn lên, mọi người đều không tin mình có thể chạy dài sau tuổi thơ đầy vất vả để tập đi và tập nuốt, nhưng để chứng minh mình có thể làm được mình đã bắt đầu tập luyện. Bắt đầu từ con số 0, lên dần 100m, 600m, 1km rồi 5km, với sự kiên trì mình cũng lần đầu chạy được 10km sau 1 năm tập luyện.
Có lẽ quá trình rèn luyện này cùng sự tin tưởng vô điều kiện của gia đình, bạn bè - những điểm tựa vững chắc mình đã dần dần tự tin hơn để dám ước mơ, và kiên trì theo đuổi tới cùng những mục tiêu đề ra trong cả học tập và cuộc sống.
Chinh phục 5 km (Milestone) đầu tiên trên đường Marathon Học tập
Cũng như bao bạn học sinh khác, mình cũng bị choáng ngợp trước “Profile” (Bảng thành tích) khủng của các bạn đồng trang lứa ở Ngoại thương. Nhưng may mắn thay, trong những bước chân đầu tiên trên Đại học, mình đã gặp cô Thùy Vinh - Giảng viên kinh tế Vĩ mô của trường Ngoại thương và Quang Anh, một người bạn có cá tính riêng biệt và rất tự tin.
Được cô Vinh truyền cảm hứng luôn cố gắng có thành tích tốt để sau này không bỏ lỡ các cơ hội chỉ vì thua kém hơn về điểm số, và Quang Anh người luôn động viên một khi đã bắt đầu thì luôn hướng đến kết quả tốt nhất, mình đã nhận ra thay vì so sánh và tự ti, mình nên có lối đi và mục tiêu riêng để cố gắng và cải thiện mỗi ngày.
Sau khi xác định được mục tiêu đó, mình đã trở nên kiên định và nỗ lực hơn. Sự cố gắng đó đã được đền đáp bằng học bổng khuyến khích học tập của trường và của Coca-Cola trong ngay năm học đầu tiên tại Ngoại thương.
Tiếp tục tiến xa hơn để đạt tới vạch km số 10 - tạo ra “Breaking” (Bước đột phá) trong các cuộc thi thời sinh viên
Sau khi được học các kiến thức rất thú vị về Kinh tế vĩ mô, vi mô, tài chính ở trên trường, mình và Quang Anh muốn thử sức với các cuộc thi kinh tế áp dụng vào thực tế, bởi vậy chúng mình đã mày mò và hỏi thêm từ thầy cô để hoàn thiện các bài thi của cuộc thi Olympic Kinh tế học.
Trên chặng này, chúng mình cũng có lúc nản chí vì xây dựng mô hình, coding hay kiến thức về kỹ thuật không phải thế mạnh của dân kinh tế, cũng từng có ý định bỏ giữa chừng nhưng với cái tính bướng bỉnh của cả 2 đứa, cuối cùng chúng mình vẫn tiếp tục ngồi làm rồi tranh cãi cả ngày ở trường.
Và sự cố chấp ấy cũng đã giúp chúng mình đạt được giải Nhất, Nhì trong các cuộc thi mà chúng mình tham gia. Đồng thời cũng khiến 2 chúng mình hiểu hơn về tính cách và phong cách làm việc của nhau sau chuỗi ngày lê la trên trường, quán cà phê.
Giai đoạn “Burn-out” (Kiệt sức) bắt đầu và ngã rẽ mới xuất hiện ở vạch Half Marathon (21 km)
Tới kỳ thực tập trong công ty giao nhận quốc tế DHL, đặc biệt trong thời kỳ COVID-19, số lượng hàng hóa và lô hàng đi bị tồn đọng nên giấy tờ mình cần xử lý rất nhiều. Giai đoạn đó mình đã gặp “Burn-out” đầu tiên trên con đường chinh phục vạch đích mới trong công việc.
Thực sự tại thời điểm đó mình chỉ làm việc như cái máy và quên mất đi cá tính và sở thích của riêng mình. Tuy nhiên, công việc này khiến mình nhận ra bản thân mình không phù hợp với công việc giấy tờ và cũng đặt ra câu hỏi liệu có cách nào sử dụng dữ liệu để giảm thiểu ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng và các cơ chế tự động hóa để giảm thiểu sai sót.
Cũng bởi vậy, sau khi thực tập mình đã quyết định đổi hướng trên con đường sự nghiệp của mình sang lĩnh vực áp dụng công nghệ và dữ liệu vào hoạt động kinh doanh.
May mắn thay, trong công việc đầu tiên, mình được làm phân tích nghiệp vụ để tích hợp dữ liệu vào hệ thống báo cáo của ngân hàng BIDV. Đây là ngã rẽ bất ngờ, mạo hiểm nhưng cũng đúng đắn nhất của mình.
Trong vị trí mới, mình được tiếp xúc với chuyên gia hàng đầu về cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số và nghiệp vụ ngân hàng. Mặc dù có nhiều ngày phải họp và làm Workshop (Hội thảo) từ sáng đến tối muộn để học về những nghiệp vụ cho vay, gửi tiền,… nhưng đây là quãng thời gian mình thấy được học hỏi rất nhiều từ anh chị đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, được tìm lại cái tôi táo bạo, sáng tạo và được mở mang nhiều nhất. Quan trọng, nó đã rèn giũa mình với thái độ cầu tiến, tích cực và bình tĩnh trước mọi vấn đề.
Sau một năm tham gia dự án, sự nỗ lực học tập của mình cũng đã được ghi nhận với giải Nhân viên Phân tích nghiệp vụ xuất sắc của năm 2022. Với mình, chặng đường từ vạch km số 10 đến vạch km 21 có lẽ là nhiều đoạn gập gềnh nhưng Vạch km 21 là một đích đến bất ngờ đầy may mắn với mình vì nó đã tôi luyện mình mạnh mẽ, kiên định hơn trên con đường sự nghiệp phía trước.
Phá vỡ giới hạn bản thân để tiến đến vạch km số 42 ở một đất nước mới
Để đánh dấu sự kiện đáng nhớ ở vạch đích số 21, mình đã “tự thưởng” cho bản thân một chuyến du lịch một mình đầu tiên khi kết thúc tuổi 21, bước sang tuổi 22. Trong chuyến đi này, mình đã đi khám phá Nha Trang và hoàn thành cuộc thi chạy Half Marathon đầu tiên của mình. Cũng sau chuyến đi đó, mình thấy rằng được chạy và khám phá ở các vùng đất mới sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ. Bởi vậy, mình quyết định tiếp tục theo đuổi đam mê về phân tích dữ liệu và trải nghiệm văn hóa mới bằng cách đi du học.
Nên vào giữa năm 2022, sau chuyến du lịch mình bắt đầu vừa làm, vừa tìm kiếm và nộp đơn xin học bổng. Đã có lúc mình nản chí trên những con đường đua này vì đúng vào năm 2023, ở trường mình nộp sẽ cắt toàn bộ học bổng cho học sinh ngoài khối EU/EAA. Nhưng may mắn thay, vẫn có 1 học bổng duy nhất của tổ chức tài trợ cho học sinh ngoài EU chính là Wilhelmsen. Mặc dù chỉ có 2 suất học bổng duy nhất, nhưng mình đã quyết định tiếp tục kiên trì và đánh cược vào học bổng này.
Cuối cùng vào ngày đầu tiên của tháng 6, sau bao ngày hồi hộp mình cũng nhận được thư học bổng của trường để tài trợ cho chương trình học ngành Phân tích dữ liệu trong kinh doanh tại trường BI Norwegian Business School, Na Uy.
Cuối cùng sau 6 năm, mình cũng đã hoàn thành ước mơ chạy một giải Full Marathon và đạt tới vạch đích số 42 trong đường đua của công việc. Cánh cửa ở vạch số 42 mở ra giúp mình có cơ hội bước trên một hành trình mới để tiếp tục học tập và trải nghiệm văn hóa ở các nước châu Âu.
Hành trình chạy cùng cộng đồng khiến mình cảm thấy ý nghĩa hơn trên đường chạy Marathon
Trên hành trình chinh phục các vạch đích khác nhau, với sự yêu thích cho giáo dục, mình cùng Quang Anh là Founder của tổ chức giáo dục MentorA+ tổ chức các lớp học và các chương trình định hướng để hỗ trợ các bạn sinh viên, giúp các bạn đi nhanh và đi xa hơn trong quá trình học tập và phát triển bản thân ở Đại học.
Thông qua các hoạt động đó mình hi vọng có thể giúp các em tiếp xúc với văn hóa của nhiều nước khác nhau và xây dựng được các kỹ năng mềm cần thiết. Các em cũng giúp mình học cách suy nghĩ tích cực, đơn giản và luôn dám đặt ra các câu hỏi.
Để hoạt động trở nên ý nghĩa hơn, Trung tâm CAME (Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng Giáo dục hiện đại) quyết định sử dụng lợi nhuận quyên góp cho Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười đem lại nụ cười cho các em nhỏ bị hở hàm ếch.
Bên cạnh đó, mình cũng học hỏi và được truyền cảm hứng rất nhiều thông qua câu chuyện của những em nhỏ tự kỷ và bị khiếm thính trong các dự án mình hỗ trợ. Trong hành trình chạy vì cộng đồng này, mình học cách trân trọng hơn cuộc sống hiện tại, luôn biết ơn, lạc quan và có trách nhiệm “chăm sóc” cho những trẻ em kém may mắn trong cộng động.
Một hành trình Marathon mới lại tiếp tục…
Cánh cửa ở km số 42 đã mở ra cánh cửa sang đất nước Na Uy cho mình. Vậy là một hành trình Marathon mới của mình đã bắt đầu, phía trước sẽ có nhiều vạch đích mới để chinh phục.
Chắc chắn sẽ có lúc mình lo lắng, sợ hãi, nản chí hay đi sai đường rồi phải chọn một ngã rẽ mới. Tuy nhiên cũng giống như hành trình trước đó, chỉ cần còn những người thầy, người bạn, đồng nghiệp và gia đình – những điểm tựa vững chắc an toàn của mình ở đó, mình vẫn sẽ tiếp tục tiến lên thử thách với các vạch đích mới trong học tập, công việc và cuộc sống.
Một số thành tích nổi bật:
Học bổng toàn phần của A.Wilhelmsen cho 2 học sinh quốc tế tại trường BI Norwegian Business School, Na Uy (2023);
Nhân viên phân tích nghiệp vụ xuất sắc của năm 2022 tại NGSC trong dự án chuyển đổi Core-banking của BIDV (2022);
Học bổng Khuyến khích học tập loại A của Trường Đại học Ngoại thương dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong tất cả các kỳ (2018-2022);
Sinh viên 5 Tốt Trường Đại học Ngoại thương (2021);
Học bổng Panasonic cho top 60 học sinh tiêu biểu trên cả nước (2021);
Quán quân cuộc thi Olympic Kinh tế học (2021);
Á Quân cuộc thi LoGin: giải case logistic (2021);
Ban tổ chức Diễn Đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (ViEF) (2019), BTC hỗ trợ cuộc họp cấp cao của chuyên gia kinh tế cấp cao ASEAN (SEOM 51) (2020, BTC Techfest, VNYLT (2021);
Quản lý dự án cho trung tâm Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng Giáo dục hiện đại (CAME) tổ chức chuỗi trại hè quốc tế, webinar trực tuyến để gây quỹ 16 triệu đồng cho tổ chức Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (2022);
Điều phối dự án Milovat và cho hội cha mẹ có trẻ khiếm thính VNAP HLC để kết nối cha mẹ có con bị tự kỷ, khiếm thính với các trung tâm hỗ trợ và chuyên gia tư vấn ở Liên hợp quốc và tổ chức các hoạt động sinh hoạt theo tuần cho các em nhỏ. (2021).