Nữ sinh Nigeria: Nỗi ám ảnh bị bắt cóc và khát khao đến trường
Ở miền Bắc Nigeria, hàng trăm trẻ em đã bị bắt cóc khỏi trường học trong những năm gần đây. Dù vậy, với nhiều nữ sinh, ước mơ đến trường chưa bao giờ tắt.
Sống trong sợ hãi
Hausa'u Salisu, 14 tuổi, đã bỏ học nhưng không phải do điểm kém hay vì điều kiện gia đình khó khăn. Những cô gái như cô là đối tượng dễ bị bắt cóc nhất bởi nơi cô sống, trong những năm qua, nạn bắt cóc chưa bao giờ “hết nóng”.
Để tránh cho con gái khỏi bọn cướp bắt cóc, cha mẹ cô buộc phải cho Salisu nghỉ học.
Salisu nói: "Trước khi bọn cướp xuất hiện, chúng tôi sống cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng sau đó, chúng đột kích các làng lân cận. Chúng tôi buộc phải di dời và kể từ đó, chúng tôi không có cơ hội quay lại trường học vì sợ bị bắt cóc”.
Salisu sống ở làng Bakon Zabo ở miền Bắc Nigeria, nơi cô và hàng nghìn bé gái như không được đến trường.
Sống trong bầu không khí sợ hãi bị bắt cóc không chỉ cản trở việc học hành mà còn khiến Salisu có thể phải từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp.
Cô chia sẻ: "Các cuộc tấn công liên tục đã giết chết tham vọng trở thành bác sĩ y khoa của tôi. Hơn nữa, bạn bè và bạn học của tôi đều chạy đến các thị trấn, thành phố và ngôi làng khác nhau. Một số đã thiệt mạng trong khi những người khác bị bọn cướp bắt làm con tin".
Bắt cóc - “ngành công nghiệp” béo bở
Hơn 10 triệu trẻ em ở Nigeria không được đến trường.
Ở miền bắc đất nước này, bắt cóc đang là nguyên nhân chính khiến trẻ em không muốn đến trường. Có ít nhất 1.400 học sinh đã bị bắt cóc ở miền Bắc Nigeria trong những năm gần đây.
Vụ bắt cóc 276 nữ sinh ở Chibok năm 2014 đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Vụ việc không dừng lại đó.
Chỉ riêng trong tháng 2/2021, bọn cướp đã bắt cóc 200 nữ sinh khác ở bang Zamfara phía Bắc Nigeria và gần đây nhất là vào tuần trước, 10 nữ sinh khác đã bị bắt cóc bởi những tay súng chưa rõ danh tính.
Đối với những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đến trường thì điều kiện cơ sở hạ tầng cũng không cho phép họ theo đuổi sự nghiệp học hành. Hơn 11.000 trường học ở bảy bang ở miền Bắc Nigeria buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy đang diễn ra và khoảng 1.000 trường học đã bị xuống cấp hoặc bị phá hủy.
Nhà đàm phán tiền chuộc bắt cóc Yehusa Getso nói rằng, bắt cóc không chỉ gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng mà từ lâu đã trở thành phương tiện kiếm tiền của bọn cướp.
Ông Getso nói: “Bắt cóc ở Nigeria đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở, hơn cả kinh doanh dầu mỏ”.
Ông Getso cho rằng những tên tội phạm đứng sau các vụ bắt cóc không quan tâm đến nỗi đau khổ của các gia đình nạn nhân, không quan tâm họ giàu hay nghèo, địa vị ra sao. Điều bọn cướp quan tâm hàng đầu là tiền chuộc.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm chống lại các cuộc nổi dậy ở phía bắc đất nước nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi các vụ bắt cóc nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Kabiru Adamu, chuyên gia quản lý rủi ro và an ninh, nói rằng miễn là các băng nhóm cướp tiếp tục được trả số tiền chuộc mà chúng yêu cầu, chúng sẽ có động lực để tiếp tục hành động.
Đối với Salisu, việc quay lại trường học vẫn chưa an toàn, nhưng cô vẫn khao khát được quay trở lại con đường học vấn: “Tôi ao ước được quay lại trường học. Được đi học là điều rất quan trọng. Vì vậy, tôi kêu gọi chính quyền hỗ trợ chúng tôi".