Nữ sinh ở Hà Nội sinh con bỏ thùng rác: Lầm lỡ hay buông thả?
Việc nữ sinh ở Hà Nội sinh con rồi ném bỏ vào thùng rác không chỉ là sự lầm lỡ hay lối sống buông thả mà còn là kết quả của một quá trình dài, chúng ta xem nhẹ việc giáo dục giới tính và kỹ năng sống, xem nhẹ giáo dục đạo đức cho các học sinh.
Lương Thị Hà My (20 tuổi, sinh viên năm 3 của một học viện ở Hà Nội) là nữ sinh bỏ con mới sinh vào thùng rác ở Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đang khiến dư luận phẫn nộ với hành vi của nữ sinh này.
Thi thể trẻ sơ sinh khoảng 4kg được phát hiện trong một túi nylon trong thùng rác và bị rác phủ kín người khiến những người phát hiện không khỏi bàng hoàng và thương xót. Đau đớn hơn khi người mẹ sinh con rồi vứt bỏ trong thùng rác lại chính là một nữ sinh viên năm 3 của một trường đại học.
Nhiều người chứng kiến và tiếp nhận thông tin sự việc trên phải đặt hàng loạt câu hỏi: Tại sao một người mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày lại có thể đang tâm vứt bỏ con của mình một cách bất nhân đến như thế? Tại sao một người vốn được cho là có học thức, có nhận biết nhất định lại có gây ra hành vi tàn ác với con của mình như vậy? Nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé là gì? Sau khi sinh bé sơ sinh tử vong rồi nữ sinh này mới vứt bỏ hay do nữ sinh vứt bỏ nên bé sơ sinh mới tử vong?
Tất nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên đang được công an phường Văn Chương và Công an quận Đống Đa điều tra làm rõ theo quy định. Nhưng kết quả điều tra thế nào thì cũng đầy đau xót. Một đứa trẻ sơ sinh qua đời khi vừa được sinh ra lại được phát hiện trong một tình cảnh thảm thương như thế dù cố tìm lý do để có thể lý giải cho hành vi của nữ sinh này nhưng không có lý do nào có thể thuyết phục để chấp nhận được hành vi đáng lên án ấy.
Hành vi ấy không chỉ vô nhân tính của người mẹ trẻ mà nếu cháu bé sinh ra còn sống mà người mẹ này vứt bỏ, tước đoạt mạng sống của bé thì đó còn là hành vi tội phạm.
Tìm lời giải đáp ở góc độ tâm lý có thể chưa chắc bản thân nữ sinh này độc ác nhưng có thể bị tác động, áp lực bởi hoàn cảnh sống dẫn đến trầm cảm sau sinh nên gây ra hành vi tội lỗi. Bởi hoàn cảnh của nữ sinh này đang trên ghế nhà trường, chưa lập gia đình nên việc mang thai rồi sinh con là ngoài ý muốn. Nó là kết quả của một quá trình sống buông thả, thiếu kiến thức về giới tính. Áp lực hoàn cảnh sống đè nặng tâm lý của nữ sinh khi mang thai như áp lực về gia đình, sợ sinh con sẽ ảnh hưởng đến học tập, không mang lại tương lai cho đứa trẻ, người tình phụ bạc, không có trách nhiệm với người mẹ trẻ và đứa bé…dẫn đến nữ sinh này suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động ném bỏ con mình khi vừa sinh ra.
Tuy nhiên, hành vi vứt bỏ con mình vào thùng rác là vô cùng tàn nhẫn và đáng bị lên án. Bởi nữ sinh dù không có điều kiện để nuôi nấng đứa trẻ nhưng có thể cho người khác làm con nuôi hoặc có thể vì con cái mà chấp nhận làm mẹ đơn thân để đứa trẻ có thể được sống hơn là lựa chọn một hành động tiêu cực dẫn đến cái chết thương tâm của một đứa trẻ lại là con mình dứt ruột đẻ đau.
Đây không phải là lần đầu tiên nữ sinh vứt bỏ con mình mà đã có quá nhiều vụ việc khiến dư luận hết lần này đến lần khác phải bàng hoàng đau xót trước lối sống thiếu trách nhiệm với hành vi của bản thân của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là các nữ sinh hiện nay.
Bởi cách đó gần 1 năm, dư luận Hà Nội từng chấn động trước vụ việc nữ sinh Đinh Thị V.A - sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa Hà Nội (quê tại xã Yên Hòa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) ném con mới sinh từ tầng 31 chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội xuống đất dẫn đến cháu bé tử vong. Vào năm 2015, dư luận cũng dậy sóng về câu chuyện cô nữ sinh của một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, khi đang thực tập tại một bệnh viện thì bất ngờ chuyển dạ. Cô gái này đã chạy lên nhà vệ sinh ở tầng 3 để đẻ sau đó nhẫn tâm vứt đi đứa con sơ sinh còn nguyên dây rốn của mình.
Nhiều vụ việc khác từng khiến dư luận kinh hãi về những hành vi vứt bỏ con mình và rất nhiều vụ việc các nữ sinh nạo phá thai để vứt bỏ con mình.
Mang thai ngoài ý muốn của đa số các nữ sinh đó là hệ quả của tình trạng lối sống buông thả nhưng khá phổ biến hiện nay. Nhiều nữ sinh khi yêu lập tức quan hệ tình dục, bất chấp hậu quả, không nghĩ đến danh dự bản thân, gia đình, tương lai của chính mình.
Đó là một thực trạng đáng báo động khi không ít nữ sinh không có hiểu biết về các giá trị của tình yêu, sự tôn trong và trách nhiệm. Dễ dãi trong lối sống, dễ dàng quan hệ tình dục nhưng lại thiếu kiến thức để bảo vệ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, trong khi đó lại thiếu kỹ năng để đối mặt với trách nhiệm của hành vi bản thân.
Hậu quả đau lòng xảy ra, những đứa trẻ phải chết thương tâm khi vừa mới lọt lòng, người mẹ bị lên án bởi hành vi nhẫn tâm của bản thân, tương lai lỡ dở. Đó là những cái giá quá đắt của lối sống buông thả chứ không chỉ là sự lỡ lầm.
Nhưng sâu xa hơn tất cả các sự việc nữ sinh vứt bỏ con mình đều có trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội khi trong suốt một thời gian dài bỏ quên hoặc né tránh việc giáo dục giới tính, suy nghĩ nông cạn khi cứ yêu là quan hệ tình dục mà không cần biết đến tương lai thế nào, buông thả bản thân, lối sống lệch chuẩn dẫn đến những sự việc thương tâm.
Để hạn chế những vụ việc thương tâm trên, nền tảng chính vẫn là giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống chứ không chỉ giáo dục kiến thức. Đồng thời, cần phải mạnh mẽ lên án lối sống buông thả, dễ dãi, hưởng thụ của một bộ phận người trẻ trong xã hội.
Vụ việc trên cũng cho thấy nhiều suy ngẫm về xã hội và con người. Bởi hành vi của nữ sinh trên và nhiều trường hợp khác là minh chứng cho hiện tượng lệch chuẩn, xuống cấp trong đạo đức xã hội, xâm phạm, phá vỡ các giá trị truyền thống của dân tộc ta. Khi kinh tế xã hội đạt được nhiều thành tựu nhưng nhìn lại những giá trị truyền thống đang bị phá vỡ bởi những lối sống lệch lạc như trên, thật là bất an. Từ đó, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng để đưa ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trên.