Nữ sinh sáng chế 'Phòng khám sức khỏe' cho ao làng

Suốt 7 năm qua, chương trình giáo dục sáng tạo do Samsung Trung Quốc phối hợp với Quỹ Phát triển Phụ nữ Trung Quốc thực hiện đã thu hút sự tham gia của nhiều nữ sinh, khơi dậy trong các em đam mê về khoa học sinh thái thông qua các hoạt động thực hành và giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

 Các học sinh đến từ Bắc Kinh, Vân Nam, Tứ Xuyên và Tân Cương (Trung Quốc) cùng nhau thực hiện các dự án khoa học

Các học sinh đến từ Bắc Kinh, Vân Nam, Tứ Xuyên và Tân Cương (Trung Quốc) cùng nhau thực hiện các dự án khoa học

Trong chương trình năm nay, các nữ sinh trung học từ Bắc Kinh, Vân Nam, Tứ Xuyên và Tân Cương đã cùng nhau phát triển một hệ thống giúp đo lường tình trạng sức khỏe môi trường ở các ao nhỏ tại làng Can Niệm, thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên.

Bên một ao nước trong làng, nhóm nữ sinh đang tập trung điều chỉnh thiết bị đo được trang bị tấm pin mặt trời và cảm biến hiện đại. Khi chuông điện tử vang lên, tiếng reo hò vang dội - "phòng khám sức khỏe" cho ao làng do chính các em thiết kế đã hoạt động.

Chu Truyền Bân, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Sinh thái và Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, là người trực tiếp hướng dẫn nhóm nữ sinh suốt 6 tháng qua. Thầy Chu đã hướng dẫn các em khám phá và thực hành về khoa học sinh thái.

Từ những buổi học tại Trại khoa học ở Mật Vân (Bắc Kinh), đến những buổi thảo luận, thí nghiệm sau giờ học, cuối cùng họ đã hoàn thành dự án tại Quảng An (Tứ Xuyên).

Trong một buổi nghiên cứu tại nhà máy xử lý nước thải ở Mật Vân, Tần Minh - học sinh Trường trung học phổ thông Thành Đô - phát hiện một cửa xả nước thải. Cô chia sẻ: "Dù đã được biết từ sách giáo khoa rằng các nguồn nước đen và có mùi hôi không đủ oxy hòa tan, nhưng em vẫn rất bất ngờ khi chứng kiến tận mắt các giá trị cảm biến giảm xuống dưới mức giới hạn".

Các học sinh đến từ Bắc Kinh, Vân Nam, Tứ Xuyên và Tân Cương (Trung Quốc) cùng nhau thực hiện các dự án khoa học

Các học sinh đến từ Bắc Kinh, Vân Nam, Tứ Xuyên và Tân Cương (Trung Quốc) cùng nhau thực hiện các dự án khoa học

Bạch Vân Hủy, một học sinh ở Bắc Kinh, vẫn nhớ rõ những thí nghiệm tại Công viên đất ngập nước Bạch Hà. Em kể: "Chúng em đã dùng máy đo độ đục để phân biệt giữa tảo lam và bùn. Chúng em nhận ra rằng xử lý nước không chỉ là lọc, mà còn cần có các biện pháp kiểm soát sinh học và hóa học".

Em từng nghĩ công nghệ chỉ là những con số buồn tẻ. Giờ em nhận ra, công nghệ có thể là những bong bóng thanh lọc, lấp lánh bay lên từ một hòn đảo nổi hình con cá. Nó không chỉ giải quyết vấn đề, mà còn mang hơi ấm và chạm tới trái tim con người”.

Tần Minh, một học sinh đến từ Thành Đô (Trung Quốc)

Sức sáng tạo của các em học sinh là vô hạn. Bạch Tử Hi, một nữ sinh đến từ Bắc Kinh, đã lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại nhà để thử nghiệm 17 loại vật liệu phân hủy màng dầu trong suốt 3 tháng.

Vương Nhất Phàm, học sinh trung học đến từ Tân Cương, đã thiết kế hệ thống "cá cơ khí" - một hòn đảo nổi thông minh tích hợp các chức năng giám sát chất lượng nước và lọc nước. Ý tưởng của em được một nhóm kỹ sư hỗ trợ, với thiết kế độc đáo: cảm biến đặt trong mắt cá, cây lọc nước ở đuôi và thiết bị sục khí nằm trong bụng.

Thầy Chu nhận xét: "Ngay cả những kỹ sư thực thụ cũng chưa chắc đã nghĩ tới cách kết hợp độc đáo như vậy".

Những ý tưởng sáng tạo của các em học sinh đang dần tạo ra những thay đổi rõ rệt ở làng Can Niệm, Quảng An. Trong 3 năm, dự án "Nhà vệ sinh sinh thái sáng tạo" đã thành công sử dụng hệ thống cảm biến độ đục để tái chế nước tiểu.

Ngoài ra, dự án biến rác thải nhà bếp thành thức ăn chăn nuôi thông qua mô hình nuôi ruồi lính đen cũng được triển khai. Năm nay, dự án "Đảo nổi thông minh", với mục đích tích hợp chức năng giám sát chất lượng nước và lọc nước, đang được chuẩn bị hồ sơ để xin cấp bằng sáng chế tiện ích.

Khi được hỏi về ý nghĩa của chương trình, thầy Chu Truyền Bân nhìn các học sinh đang cẩn thận điều chỉnh thiết bị và nói: "Điều quan trọng không phải là các em có trở thành nhà bảo vệ môi trường trong tương lai hay không. Điều quan trọng là các em học được cách đặt câu hỏi và tìm giải pháp - đó mới là khả năng cốt lõi cần được bồi dưỡng".

Dữ liệu từ chương trình cho thấy, khoảng 30% học sinh từng tham gia đã lựa chọn chuyên ngành môi trường khi vào đại học, nhiều em tiếp tục học tập tại các trường danh tiếng như Yale.

Nguồn: China Daily

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-sinh-sang-che-phong-kham-suc-khoe-cho-ao-lang-20250702131537806.htm