Nữ sinh Sư phạm Ngữ văn đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ nhờ 'lắng nghe tiếng nói thì thầm bên trong mình'

Trương Trang Nhung (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn lớp chất lượng cao, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nữ sinh đã từng đạt giải Nhì quốc gia môn Ngữ văn và không ít các giải thưởng khuyến khích học tập tại trường đại học. Bí quyết của cô nàng chính là luôn lắng nghe tiếng nói nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều sức mạnh ở bên trong mình.

Dấu mốc nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói bên trong mình

Trang Nhung chia sẻ, “lắng nghe tiếng nói bên trong mình” là cụm từ mà cô bạn đã được nghe từ khi còn là một cô học trò cấp 2. Lúc ấy, Nhung chỉ hình dung một cách mơ hồ rằng lắng nghe tiếng nói bên trong là kiên định, là không bị lung lay bởi những ý kiến xung quanh. Khi lớn lên và được trải nghiệm nhiều hơn, nữ sinh mới thực sự hiểu việc lắng nghe ấy là gì và điều ấy có ý nghĩa quan trọng đến thế nào trong hành trình phát triển của mỗi con người.

Trò chuyện với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Trang Nhung chia sẻ về những dấu mốc đặc biệt khiến cô nhận ra lắng nghe chính mình là điều rất cần thiết. Thời điểm đầu tiên là năm 16 tuổi. “Đi qua mùa hè nảy lửa của kỳ thi tuyển sinh THPT, bước chân vào ngôi trường cấp 3 mơ ước, mình hào hứng trải nghiệm và đón nhận những điều mới mẻ. Mình say sưa điền đơn tham gia các câu lạc bộ, mải mê tìm hiểu các hoạt động ngoại khóa vì… các bạn mình cũng làm thế”, Trang Nhung nhớ lại. Và rồi, vì vô thức chạy theo các bạn đồng trang lứa mà thiếu đam mê thực sự, như một điều tất yếu, cô vấp ngã. Lúc ấy, Nhung đã tự hỏi, liệu rằng chạy theo số đông có phải là cách để được trải nghiệm tất cả, có phải niềm vui của mình cũng trùng khít với niềm vui của người khác, liệu nỗi buồn trượt CLB có đáng khi mình không thực sự tha thiết với mục đích hoạt động của những CLB ấy? Thế rồi, cô dần nhận ra câu trả lời cho tất cả những băn khoăn đó, gói gọn trong hai chữ “bản thân”, và rằng để tránh những nỗi buồn không đáng có, cô biết mình nên tập trung vào những điều mình thực sự mong muốn. “Lắng nghe tiếng nói bên trong trước hết đến từ việc tập trung cho chính mình”, cô chia sẻ.

Thời điểm thứ hai là khi cô bắt đầu học năm thứ 2 tại trường Đại học. Môi trường đại học đã đem đến cho cô rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Một lần nữa, trên hành trình trải nghiệm của tuổi thanh xuân với nhiều nhiệt huyết, cô nhận ra bản thân không thể kham, ôm đồm tất cả mà cần san sẻ với anh chị và các bạn xung quanh. Khi ấy, lắng nghe tiếng nói bên trong là chìa khóa mở ra cánh cửa thực sự phù hợp với bản thân cô. “Rõ ràng, việc kết nối không làm cho tiếng nói bên trong trở nên bé nhỏ mà ngược lại, khiến cho tiếng nói bên trong được tôn trọng và lắng nghe ở chiều sâu”, Trang Nhung khẳng định.

Trang Nhung tham gia kì kiến tập tại trường THPT Chuyên Sư phạm.

Trang Nhung tham gia kì kiến tập tại trường THPT Chuyên Sư phạm.

Sống trọn tuổi trẻ tươi đẹp nhờ “lắng” để “nghe” chính mình

Với Trang Nhung, việc tập trung vào những điều bản thân thực sự mong muốn là một trong những cách tốt nhất mà mỗi người có thể thực hành “lắng nghe chính mình”. Nhờ thế, cô đã có thể lựa chọn những hoạt động vừa phù hợp với dự định của bản thân, vừa cho mình cơ hội để trải nghiệm những điều mới và học hỏi nhiều điều bổ ích từ ấy. Tùy từng thời điểm trong năm học, Trang Nhung sẽ chọn cách ưu tiên việc học hơn hay dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa.

Để tâm đến những tiếng nói “thì thầm” bên trong mình còn giúp cô hiểu được căn nguyên thực sự của những khó khăn mà bản thân đang gặp phải. Theo Nhung, đây là điều kiện quan trọng để tìm được cách tháo gỡ vấn đề một cách hiệu quả. “Chẳng hạn, ngay cả khi chủ động tìm đến giảng viên để khắc phục khó khăn trong học tập, bạn cũng cần xác định rõ mình đang gặp khúc mắc ở phần nào thì thầy cô mới có thể giải đáp cụ thể. Nếu chưa thực sự hiểu mình, đòi hỏi người khác đáp ứng có lẽ khó triệt để vấn đề. Tương tự, với việc tham gia hoạt động ngoại khóa, nếu không xác định được rõ hoạt động có phù hợp với nhu cầu, dự định của bản thân hay không, sẽ dễ rơi vào trạng thái mông lung, phung phí thời gian”, Trang Nhung chia sẻ.

Trang Nhung đạt giải Ba hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Ngữ văn năm học 2022 - 2023.

Trang Nhung đạt giải Ba hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Ngữ văn năm học 2022 - 2023.

Chính bởi thực hành lắng nghe thường xuyên để hiểu mình cần gì, còn thiếu sót ra sao, Trang Nhung đã đạt được không ít thành tích đáng nể trong cả việc học tập và hoạt động ngoại khóa. Nhung đã xuất sắc đạt được giải nhì Học sinh giỏi môn văn toàn quốc khi học lớp 12 và nhiều giải thưởng khác khi theo học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội như: Giải thưởng Đỗ Hữu Châu dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện cao nhất năm học 2021- 2022; Giải thưởng Nguyễn Tuân dành cho sinh viên có kết quả học tập cao nhất năm học 2022 - 2023, Sinh viên 5 tốt cấp trường năm học 2021 - 2022, Sinh viên 5 tốt tiêu biểu cấp trường năm học 2022 - 2023… Ngoài ra, cô còn đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên BCH Liên chi Đoàn Khoa Ngữ văn nhiệm kỳ 2022- 2024 và Trưởng ban Nội dung CLB Rèn luyện Nghiệp vụ Sư phạm Khoa Ngữ văn. Nhìn lại hành trình đã qua, Trang Nhung thấy mình đã lớn hơn trong suy nghĩ, trong cách nuôi dưỡng các kết nối với chính mình và với mọi người xung quanh.

Trang Nhung đạt giải Đỗ Hữu Châu dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện cao nhất năm học 2021- 2022.

Trang Nhung đạt giải Đỗ Hữu Châu dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện cao nhất năm học 2021- 2022.

 Trang Nhung đạt giải Nguyễn Tuân dành cho sinh viên có kết quả học tập cao nhất năm học 2022 - 2023.

Trang Nhung đạt giải Nguyễn Tuân dành cho sinh viên có kết quả học tập cao nhất năm học 2022 - 2023.

Ngộ độc Self - help, lời khuyên nào dành cho người trẻ?

Ngày nay, không gian sống trở nên “ồn ào” hơn bởi sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội. Âm thanh được dội từ nhiều phía, trong đó có rất nhiều nội dung truyền cảm hứng đến người trẻ. Mặc dù thừa nhận rằng điều này khá hữu ích khi xem xét trên nhiều phương diện, Nhung cho rằng chúng ta không nên quá phụ thuộc vào những ‘tiếng nói” từ bên ngoài này. Cô tin động lực lâu dài nên được đặt ở nội tại bên trong hơn là bên ngoài. Nhung bày tỏ: “Không đánh đồng tất cả, nhưng mình nhận thấy một bộ phận các bạn trẻ ngày nay lạm dụng các quote truyền cảm hứng, các câu chuyện mang tính chất self-help. Việc chia sẻ có ý nghĩa nhất định của nó nhưng có lẽ chưa thực sự chạm đến chiều sâu thực sự”. Và bởi thế, cô nghĩ cần tìm một cách nào đó hiệu quả hơn để nuôi dưỡng động lực nội tại lâu dài, bền bỉ.

“Giữa không gian đa thanh, “lắng” để “nghe” lại tiếp tục trở thành câu chuyện cấp thiết để không đánh mất mình. Mình nghĩ tin vào bản thân, dành thời gian cho chính mình là cách để lắng nghe chính mình tốt nhất”, cô nhắn gửi. Bên cạnh đó, cô mong rằng người trẻ cũng nên lắng nghe một cách chọn lọc những ý kiến của mọi người xung quanh để tiếp thu, học hỏi những ý kiến tốt, đồng thời tự điều chỉnh mình theo hướng tích cực. Có điều, hãy cố gắng “để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững bên trong bạn hơn là những tiếng nói ồn ào, náo loạn từ bên ngoài” (John Mason - Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao).

Phi Yến

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-su-pham-ngu-van-dat-duoc-nhieu-thanh-tich-dang-nguong-mo-nho-lang-nghe-tieng-noi-thi-tham-ben-trong-minh-post1597775.tpo